Để con biết cách tự bảo vệ mình
2017.03.23
Những vụ xâm hại tình dục xôn xao suốt thời gian qua tại Việt Nam khiến các bậc phụ huynh phải suy nghĩ đến biện pháp gíup con cái họ có thể phòng tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Gần gũi con
Khái niệm “ấu dâm” thường thì ai cũng hiểu đó là những hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Theo Hiệp hội chống xâm hại tình dục trẻ em, có nhiều nguyên nhân để một người thực hiện hành vi tình dục với trẻ em. Nhưng có 3 tiêu chí để xác định một người có biểu hiện ấu dâm. Một là sự tái diễn tưởng tượng, ham muốn, hành vi có liên quan đến trẻ em chưa dậy thì. Hai là thực hiện hành động trong ham muốn hoặc cảm thấy đau khổ, lo âu do ham muốn với trẻ em. Ba là người đó phải trên 16 tuổi và lớn hơn đứa trẻ ít nhất 5 tuổi.
Lục lại những trang báo cũ về các vụ con trẻ bị xâm hại tình dục, chẳng mấy vụ mà được các con nói ngay với bố mẹ. Thậm chí đa phần các con đều không biết đó là hành vi sai trái, chỉ biết là không thích người đó vì người ta làm mình đau, làm mình sợ. Một thời gian dài sau, khi cha mẹ phát hiện ra những dấu hiệu suy sụp, bất ổn định trong tâm lý con, mới dò hỏi thì mọi chuyện cũng đã muộn. Hay nhiều trường hợp khác là nhờ người dân nhìn thấy báo lại thì gia đình mới biết.
Đặc biệt hơn nữa là sự quan sát, gần gũi với trẻ như một người bạn, và luôn cho con biết bất cứ lúc nào con cần sự bảo vệ, che chở và giúp đỡ thì đều có thể thông báo với mẹ.
- Bà Nguyễn Thanh Thúy
Chúng tôi có dịp trò chuyện với bà Nguyễn Thanh Thúy, hội trưởng Hội quán các bà mẹ ở Sài Gòn, để nghe những chia sẻ về cách tiếp cận với các con khi có những dấu hiệu bất thường:
Điều này cũng đòi hỏi một quá trình vì nếu mình chơi với con từ rất sớm , khi mình trò chuyện với bé thì có thể con sẽ chia sẻ về nhiều chuyện. Như vậy đến khi gặp vấn đề thì trẻ mới tâm sự với mình. Bình thường những câu chuyện nho nhỏ chẳng hạn như cái mụn thôi cũng làm cho trẻ băn khoăn, nói chuyện với mình.
Đặc biệt hơn nữa là sự quan sát, gần gũi với trẻ như một người bạn, và luôn cho con biết bất cứ lúc nào con cần sự bảo vệ, che chở và giúp đỡ thì đều có thể thông báo với mẹ.
Kể cả con trai hay con gái nếu mình gần gũi với con từ rất sớm thì có thể con sẽ trao đổi với mình. Điều quan trọng là sự chuẩn bị tâm thế, cũng như cho con ý thức về chính cơ thể của con cần phải được bảo vệ, quý trọng đến mức nào. Gia đình, người thân, bạn bè của bố mẹ hay một cộng đồng là những nhân tố rất cần thiết cho con để con biết khi con cần sự giúp đỡ con có thể tâm sự với mọi người.
Ngoài cách gần gũi, thường xuyên tâm sự, trò chuyện với các con, bà Thúy còn gợi ý một cách khác để ba mẹ chuẩn bị sự đề phòng cho các con:
Ngay từ bé cho các con được đọc sách, được nghe những câu chuyện, những đồng thoại, những câu thơ, câu đồng giao để con có thể nhận biết được người lạ.
Chính quyền cần làm gì?
Theo Bác sĩ Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), ấu dâm thực chất cũng chỉ là một khuynh hướng tình dục, tuy nhiên lại bị xã hội lên án gay gắt, bị pháp luật can thiệp và bị mang tiếng là biến thái vì đối tượng bị xâm hại là những em tuổi đời còn rất nhỏ, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Hiện tại ở nhiều quốc gia người dân đã có cái nhìn cởi mở hơn đối với những đối tượng có khuynh hướng ham muốn tình dục với trẻ em. Người ta cũng đưa ra những giải pháp giàu tính nhân văn để giúp đỡ những người này chẳng hạn như ở Đức, Hà Lan, nhiều câu lạc bộ, những nhóm đồng đẳng được thành lập để những người có khuynh hướng tình dục khác thường có cơ hội được nói ra nhu cầu của mình, và có thể giải quyết nhu cầu đó bằng cách sử dụng tranh ảnh, hay búp bê tình dục trẻ em.
Ở nhiều quốc gia khác mà Mỹ là ví dụ điển hình, người ta còn tạo điều kiện cho những người mắc chứng ấu dâm đến gặp các chuyên gia tâm lý để được tư vấn, điều trị.
Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ bị xâm hại tình dục thường có những biểu hiện sợ hãi, thường xuyên gặp ác mộng, mặc cảm khi lớn lên, bị bạn bè xa lánh, có thể bị rối loạn chức năng tình dục, muốn bỏ nhà, bỏ học hoặc thậm chí không muốn tiếp tục sống. Vụ ấu dâm mới đây xảy ra ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, mẹ nạn nhân cũng chia sẻ một clip ghi lại cảnh con chị gặp ác mộng, khóc trong mơ sau khi bị xâm hại.
Giúp con đề phòng và nhận biết nguy hiểm
Qua hàng loạt vụ xâm hại được loan tải gần đây, chị Tuyết, hiện là giáo viên ở Hà Nội, cũng là một bà mẹ có hai con tuổi còn nhỏ, cho biết suy nghĩ của bản thân:
Quan điểm cá nhân của một người mẹ có con gái thì hiện giờ ở Việt Nam không phải một mình chị mà mọi người đều hoang mang, hoảng sợ, mất an toàn khi gửi con vào các trường. Xu hướng bây giờ các mẹ đều chọn các trường có thể là đắt đỏ nhưng đảm bảo được an toàn cho con cái nói chung và đặc biệt là con gái.
Nạn nhân ấu dâm thường là những đứa rất bé, chưa có nhận thức, 2 tuổi 3 tuổi cũng có thể trở thành nạn nhân của những người có sở thích kỳ quặc ấy. Theo mình thì nên gần gũi với con và tập cho con cái thói quen kể chuyện với mình. Mỗi hôm con đi học về thì đều gần gũi hỏi han con, gợi cho con kể những câu chuyện xảy ra trên lớp, hoặc kiểm tra thân thể, quần của con để xem có gì khả nghi không. Nếu có dấu vết gì thì mình cần đặt ra câu hỏi chứ không thể cứ hồn nhiên như trước.
Sự âu lo như bản năng của người mẹ, thúc giục chị tìm hiểu các phương cách để giáo dục con, giúp con đề phòng và nhận biết nếu con có những biểu hiện bất thường:
Chị bắt đầu dạy cho con những khu vực nào thì ai có thể tiếp cận được. Chẳng hạn khu vực nhạy cảm của con thì mẹ và bà có thể tiếp cận được, còn đàn ông thì thường tránh không cho tiếp cận. Chỗ này của con để đi vệ sinh thì mẹ, bà hay cô giáo có thể đụng vào để giữ vệ sinh cho con, còn những người khác không có nhiệm vụ thì không được đụng vào.
Ở Việt Nam người thân trong gia đình hay có thói quen đụng chạm vào bộ phận sinh dục của trẻ con như một hình thức trêu đùa. Chị bắt đầu khuyên nhủ họ cần cẩn trọng khi làm những việc đó. Kể cả con chị, trước đây còn cả nể, nghĩ thôi thế cũng được nhưng bắt đầu từ bây giờ cần nghiêm túc hơn nhìn nhận những việc đó để con nhận thức được bộ phận nào ai đụng chạm được còn ai thì không.
Trách nhiệm của cha mẹ
Trước đó Bộ lao động, Thương binh & Xã hội công bố tại hội nghị Quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội năm 2016, mỗi năm ở Việt Nam có đến hơn 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục. Trước con số đáng lo ngại như vậy, một tổ chức bảo vệ trẻ em ở Anh đã tuyên truyền một bộ quy tắc có tên là PANTS Rules, tạm hiểu là quy tắc đồ lót để các bậc phụ huynh giáo dục con em mình. Bộ quy tắc này đưa ra 5 tiêu chí mà các con luôn luôn cần phải nhớ, đó là: cái gì của riêng con là của riêng con, luôn nhớ cơ thể con thuộc về con, nói không với những gì con không thích, nói ra những điều bí mật khiến con buồn, và lên tiếng với người con tin tưởng.
Chị Quỳnh, một bà mẹ khác ở Sài Gòn, hiện cũng có con gái nhỏ, chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ của chị:
Cũng cảm thấy lo lắng. Thấy báo đài đăng như vậy về cũng cố gắng dạy con mình để cho con đề phòng. Cũng hướng dẫn cho bé rằng không cho người lạ tiếp cận với con, không cho đụng vào những vùng nhạy cảm.
Sau hàng loạt những vụ xâm hại tình dục xảy ra gần đây, chị có để ý thấy một đặc điểm chung của đa phần các vụ việc này:
Thực ra những việc báo chí đăng chủ yếu ở các vùng quê, ba mẹ không quan tâm nhiều đến con cái. Chứ ở những khu như Sài Gòn hay những vùng phát triển thì ba mẹ kèm cặp con hàng ngày. Cho nên nếu con có gì bất thường thì cha mẹ cũng dễ dàng phát hiện ra hơn.
Chuyện này xảy ra mà để qua hết ngày này qua ngày nọ cũng là do ba mẹ không quan tâm đến con cái nhiều. Ở những vùng quê người ta cũng không thấy những chuyện đó là những chuyện cần đề phòng, cần phải dạy con cái.
Cũng hướng dẫn cho bé rằng không cho người lạ tiếp cận với con, không cho đụng vào những vùng nhạy cảm.
- Chị Quỳnh, Sài Gòn
Ở nhiều quốc gia, ấu dâm có thể bị coi là trọng tôi và được pháp luật quan tâm, xử lý nghiêm khắc. Tại Indonesia, thủ phạm hiếp dâm trẻ em có thể bị tử hình, bị hoạn bằng hóa chất để "tiêu diệt dục tính". Ngoài ra, những kẻ này có thể chịu mức án tối thiểu 10 năm tù giam và phải đeo thiết bị điện tử để theo dõi 24/24h sau khi được ra tù. Tại Hàn Quốc cũng đã áp dụng những phương pháp này.
Ngoài ra, một số quốc gia như Ba Lan, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Nga và một số bang của Mỹ từ lâu đã áp dụng hình phạt thiến bằng cách tiêm chất hóa học với tội phạm ấu dâm.
Hiện tại pháp luật Việt Nam cũng đã can thiệp vào tội danh xâm hại tình dục trẻ em, tuy nhiên vẫn còn ở mức độ hạn chế và tiến độ xử lý chưa được đảm bảo, mà vụ Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu là một điển hình. Vì vậy các bậc làm cha mẹ càng cần phải cố gắng hơn nữa trong việc giáo dục con cái, trò chuyện, tâm sự với con hàng ngày để các con cảm nhận được sự quan tâm và tin tưởng nói ra nếu bị kẻ xấu xâm hại. Đồng thời việc hướng dẫn để các con biết hành động nào là sai trái mà các con cần nói không với, và tự bảo vệ thân thể của mình cũng hết sức quan trọng.
Mọi đóng góp của quý vị để trang Phụ nữ thêm sinh động hơn, xin gửi về địa chỉ peymane@rfa.org.