Nữ công nhân và ước mơ khó thành hiện thực

Lên thành phố làm việc có lẽ là mơ ước của rất nhiều bạn trẻ nông thôn Việt Nam ngày nay, trong đó có không ít là nữ.
Việt Hà, phóng viên RFA
2011.12.13
sggp.org.vn-305.jpg Công nhân công ty may Garmex
Photo courtesy of sggp.org.vn

Làm lụng vất vả

Đối với họ, được đi học hay đi làm ở thành phố có nghĩa là đổi đời, cải thiện đời sống cho gia đình. Rất đông trong số họ đã tìm được việc ở các khu công nghiệp tại các thành phố lớn. Thế nhưng cuộc sống của họ lại dường như không mấy ngọt ngào như những giấc mơ đơn sơ mà họ có ở quê nhà.

Rời quê nhà Hà Nam, vào làm công nhân cho nhà máy Canon của Nhật Bản tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội đã được gần 1 năm, nhưng Phượng vẫn chưa thật quen với cuộc sống mới trên này. Đối với cô, cuộc sống của một nữ công nhân trên thành phố thật quá nhiều khó khăn và vất vả. Phượng tâm sự:

"Công việc của em rất vất vả. Nói chung tụi em thời gian làm thì nhiều mà lương thì ít. Bọn em phải kiểm tra sản phẩm bằng mắt thường, nó rất ảnh hưởng đến mắt. Lúc mới vào công ty tụi em mắt rất bình thường, không sao, nhưng em mới làm được thời gian bây giờ em đã có hiện tượng như cận, nhìn không rõ nữa."

Phượng làm trong công đoạn kiểm tra sản phẩm chip điện tử của nhà máy Canon, nơi phần lớn công nhân là nữ. Cô làm việc theo kíp, cứ một tuần làm sáng thì lại có một tuần làm chiều. Mỗi tuần cô làm 4 ngày, mỗi ngày 12 tiếng. Đối với những người xuất thân từ nông dân như Phượng thì việc chỉ ngồi một chỗ nhìn sản phẩm hàng tiếng đồng hồ có lẽ nhàn hơn nhiều so với công việc đồng áng vốn quanh năm phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Thế nhưng thời gian làm việc dài và chạy đua theo sản phẩm, cộng thêm với mức độ căng thẳng của công việc lại là một khó khăn lớn, khác hẳn những gì mà cô đã quen từ ở quê. Phượng cho biết:

Công việc của em rất vất vả. Nói chung tụi em thời gian làm thì nhiều mà lương thì ít. Một ngày làm 12 tiếng mà thời gian nghỉ ngơi thì chỉ đủ để ăn.

Phượng quê Hà Nam

"Tụi em làm rất nhiều thời gian, một ngày 12 tiếng mà thời gian nghỉ ngơi thì chỉ đủ để ăn vì 1 giờ, em phải kiểm tra 300 sản phẩm. Nói chung là không kịp được nhưng phải đua thôi, mắt lúc nào cũng nhìn căng thẳng, tập trung 100% để xem sản phẩm có lỗi gì không."

Đã làm việc tại nhà máy gần 1 năm trời, Phượng cũng đã quen với công việc nên cô có thể đạt được quota mà nhà máy đặt ra. Nhưng cũng có hôm mệt mỏi, cô không thể kiểm tra hết 300 sản phẩm.

Nhà máy quy định công nhân làm ca sáng chỉ có 45 phút ăn trưa, còn công nhân làm ca chiều có 30 phút ăn chiều. Giữa ca, các công nhân có khoảng 7 phút giải lao. Khoảng thời gian này đối với Phượng là quá ngắn cho các công nhân nữ, nhất là khi họ có nhu cầu muốn đi vệ sinh giữa giờ. Phượng nói:

"Giờ nghỉ giải lao giữa ca là 7 phút, mà tụi em ở trong phòng sạch. Tụi em phải thay quần áo, thay đồ, xong mà ra nhà vệ sinh thì hết giờ. Nhiều lúc muốn đi cũng không đi được. Trưa mình có 45 phút, mình ăn cơm dư được 10 phút nhưng mình phải chờ lấy đồ ăn, xếp hàng dài nên nhiều khi 45 phút mà ăn không kịp. Buổi chiều có 30 phút, nhiều khi nuốt chưa khỏi cổ đã phải chạy hồng hộc vào để mặc quần áo để làm."

Công việc vất vả là vậy nhưng đồ ăn mà nhà máy phục vụ cho công nhân ca sáng và chiều cũng không được mấy cảm tình. Phượng phàn nàn:

"Công ty nấu cho mình ăn nhưng bữa ăn của mình cũng không ra sao. Nói chung bữa nào mà có người trên văn phòng đi giám sát thì còn có thức ăn một chút. Còn ngày thứ 7, chủ nhật mà làm kíp thì chả có gì, đồ ăn chỉ có một món cá hoặc gà hoặc đậu. Ra hỏi nhà bếp thì họ bảo ăn được thì ăn, không ăn được thì thôi. Mang tiếng là đến công ty ăn mà công nhân ăn chả mấy, ăn để có lệ thôi chứ còn ăn uống chán lắm."

Thu nhập thấp

080502_labor_coming_to_HANoi-250.jpg
Mặc dầu cảnh sống khó khăn ở thành phố, người miền quê tiếp tục kéo về Hà Nội kiếm sống. AFP PHOTO
Mặc dầu cảnh sống khó khăn ở thành phố, người miền quê tiếp tục kéo về Hà Nội kiếm sống. AFP PHOTO
Phượng ước tính thu nhập cô nhận được hàng tháng khoảng 3 triệu đồng trong đó bao gồm cả tiền làm ca và tiền hỗ trợ tay nghề. Khoản tiền này nghe thì có vẻ lớn nhưng thực ra không đáng bao nhiêu so với giá cả leo thang hiện nay, trong khi cô còn phải trả đủ các khoản tiền như thuê nhà, tiền điện nước, ăn uống, rồi tích cóp gửi về gia đình.

Phượng sống trong một căn phòng trọ cấp 4 ở Đông Anh, Hà Nội, cách nhà máy khoảng 4 cây số. Căn phòng nhỏ chỉ rộng khoảng 12 mét vuông, kê được một cái giường rộng 1 mét 8 cho ba người ngủ. Phần diện tích còn lại vừa đủ để một cái bếp ga nhỏ, vài cái nồi, bát ăn và đồ dùng cá nhân. 3 cô công nhân làm cùng nhà máy tiết kiệm thuê chung căn phòng này với giá 600 ngàn một tháng chưa kể tiền điện và nước. Họ cũng có hàng xóm ở các phòng trọ kế bên là những công nhân khác làm cùng khu công nghiệp. Cả dãy phòng trọ có 10 phòng thì có khoảng 30 người ở. Tất cả đều dùng chung một phòng tắm và nhà vệ sinh xây bên ngoài.

Đây là kiểu ở khá phổ biến của công nhân các khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Một số nhà máy cũng xây chung cư khang trang hơn nhà trọ cho công nhân nhưng thường là không đáp ứng đủ nhu cầu. Một con số thống kê gần đây cho thấy các khu công nghiệp Hà nội có khoảng hơn 66,000 công nhân với hơn 60% là lao động ngoại tỉnh. Trong khi đó dự án nhà cho công nhân chỉ mới đáp ứng chỗ ở cho khoảng hơn 16 ngàn người.

Vì vậy phần đông công nhân các khu công nghiệp phải ra ngoài thuê phòng trọ ở các dãy phòng trọ được xây cất đơn sơ, mùa hè thì nóng hầm hập mà mùa đông thì gió rét.

Nhiều tháng em hết tiền trước khi lĩnh lương. Em phải tích từ tháng này sang tháng kia. Em muốn mua gì thì em phải nhắm mắt nhắm mũi em mua….

Hoa quê Nghệ An

Cũng có những công nhân có điều kiện hơn chút xíu thì tìm cách thuê các căn hộ khép kín bao gồm cả bếp và nhà vệ sinh. Đó là trường hợp của Thanh Hoa, nữ công nhân của một nhà máy chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh ở Hà Nội.

Hoa rời quê Nghệ An lên Hà Nội đã được gần 5 năm. Đó cũng là 5 năm cô gắn bó với công ty làm sạch môi trường. Cô may mắn có chị đã làm ở Hà Nội một thời gian dài, và đã lập gia đình. Vợ chồng chị gái cùng một con nhỏ với Hoa và một người bạn thuê một nhà trọ ở Thanh Xuân, phía Nam Hà Nội. Căn hộ nói là khép kín cũng chỉ khoảng 25 mét vuông cho 5 người ở, bao gồm một căn bếp nhỏ và một phòng tắm. Giường của gia đình chị gái chỉ được ngăn cách với giường của Hoa và người bạn gái bằng một tấm rèm. Căn hộ có giá thuê là 1 triệu hai trăm ngàn đồng một tháng chưa kể tiền điện và nước. Hoa nói dù chật hẹp nhưng cô cũng không còn cách nào khác: "Ở thế thì bọn em và anh chị sinh hoạt hạn hẹp lắm nhưng vì không có điều kiện nên phải sống thế thôi."

Công việc mà Hoa làm là quét dọn vệ sinh cho các văn phòng. Mỗi ngày cô làm từ 8 giờ rưỡi sáng đến 7 giờ tối chưa kể khoảng thời gian đạp xe đi về mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Thu nhập một tháng của cô trung bình khoảng 2 triệu 400 ngàn đồng. Đây là khoản tiền mà Hoa phải cố gắng tích cóp lắm mới có thể dư ra chút đỉnh để tiết kiệm hoặc để mua sắm các đồ dùng cá nhân cho mình:

"Nhiều tháng em hết tiền trước khi lĩnh lương. Em phải tích từ tháng này sang tháng kia. Em muốn mua gì thì em phải nhắm mắt nhắm mũi em mua…."

Cũng chính vì vậy mà Hoa rất ít mua áo quần, giầy dép mới, không dùng mỹ phẩm, không đi chơi, hay xem phim ngoài rạp dù cô mới 23 tuổi.

Ước mơ đổi đời

DV125952-250.jpg
Một phụ nữ từ miền quê lên thành phố kiếm sống với ước mơ đổi đời. AFP
Một phụ nữ từ miền quê lên thành phố kiếm sống với ước mơ đổi đời. AFP
Có rất nhiều nữ công nhân hiện đang làm việc tại các khu công nghiệp ở khắp bắc trung nam. Việt Nam hiện có khoảng 173 khu công nghiệp với hơn 1 triệu 600 ngàn công nhân, trong đó lao động nữ chiếm từ 60 đến hơn 70%.  Rất đông trong số họ đến từ nông thôn. Mơ ước của họ cũng rất giản đơn, đó là cải thiện cuộc sống, tích cóp chút tiền để gửi về cho gia đình.

Phượng cũng đã phải bỏ chồng và con trai nhỏ hơn 1 tuổi ở quê nhà để lên Hà Nội làm việc. Công việc dù vất vả nhưng so với cuộc sống làm nông ở dưới quê cô thì còn đỡ hơn rất nhiều:

"Về quê thì lương còn thấp hơn, gần nhà thì không có công ty, không có công ăn việc làm nên tụi em phải ra ngoài này. Nếu làm ruộng thì thu nhập cực kỳ thấp. Tụi em làm công nhân thì còn đỡ hơn. Làm ruộng mà được mùa thì không sao, còn mất mùa thì chả có gì."

Còn đối với Thanh Hoa, cô cũng không có ý định gắn bó với nơi phồn hoa đô thị lâu dài. Công việc của một công nhân trên thành phố không vất vả nhiều như làm ruộng, tạo thu nhập ổn định hơn, nhưng cô không cảm thấy hạnh phúc như khi được sống ở quê nhà với cha mẹ, bạn bè. Cô muốn lúc nào đó sẽ trở về quê và mở một cửa hàng buôn bán nhỏ. 5 năm làm lụng tích cóp, Hoa cũng tiết kiệm được hơn 7 triệu đồng, một số tiền quá ít để cô có thể bắt đầu một công việc kinh doanh mới của mình ở quê.

Cũng đã có những nữ công nhân tìm cách đi học tại chức để lấy một tấm bằng đại học trong thời gian ở thành phố để một lúc nào đó có thể tìm được một công việc đỡ vất vả hơn như trường hợp của Mận, nữ công nhân làm cùng nhà máy Canon với Phượng. Cô sẽ tốt nghiệp đại học tại chức khoa kế toán vào tháng 6 này. Cô nói sau khi tốt nghiệp cô sẽ nghỉ việc ở Canon để đi xin làm kế toán tại một công ty nào đó. Nhưng cô cũng không chắc có thể tìm được việc trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay.

Mỗi người một lựa chọn trong cuộc đời, những nữ công nhân đến từ nông thôn không mơ ước gì khác hơn là một cuộc sống có thu nhập ổn định và chăm lo được cho gia đình. Nhưng liệu có mấy người trả lời được câu hỏi đến bao giờ họ mới có thể thực hiện được ước mơ của mình?

Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.