Những hiểu lầm về người đồng tính nữ

Hải Ninh, phóng viên RFA
2014.12.28
Ảnh minh họa Ảnh minh họa
Photo: RFA

Nhiều người ở Việt Nam vẫn cho rằng đồng tính có nghĩa là một loại bệnh lây lan, là xấu xa, là đua đòi. Để thay đổi được điều này không phải chỉ một sớm một chiều. Trong tạp chí phụ nữ tuần này, Hải Ninh sẽ cùng quý vị tìm hiểu thêm về những hiểu lầm và định kiến đối với giới đồng tính nữ ở Việt Nam.

Cách đây khoảng 4-5 năm, mỗi khi người đồng tính xuất hiện trên báo chí, đa phần những bài báo đó chứa đựng những thông tin xấu. Yến Trang, một nhà hoạt động cho phong trào cổ vũ quyền cho người đồng tính Viet Pride, cho biết:

Yến Trang: Trên báo có những vụ án giết người, cướp của, vũ trường, bà, rất tiêu cực và đặc biệt đối tượng là nhóm đồng tính. Nhóm đối tượng đó còn nổi tiếng trong vấn đề tình dục, mại dâm, được đưa lên báo và bị chỉ trích nhiều. Mại dâm, tệ nạn xã hội, ăn chơi lừa đảo, ghen tuông dẫn đến sát lại lẫn nhau. Mọi người nói đồng tính hư như vậy thì bố mẹ càng không thích con mình bị như vậy.

Bệnh lây lan

Một trong những hiểu lầm phổ biến nhất đối với người đồng tính đó là đây là một căn bệnh có thể lây lan từ người này sang người khác. Chẳng hạn như khi tin ông tân đại sứ Mỹ là người đồng tính tới Việt Nam được đưa ra, nhiều bình luận ở trên mạng tỏ ra lo ngại rằng ông ấy sẽ mang theo “dịch bệnh đồng tính” phát tán khắp nơi.

Một bạn gái xin được gọi với biệt danh là Yuki, 23 tuổi, nhận định:

Yuki: Hiểu lầm lớn nhất là sự ghê sợ vô hình dành cho giới LGBT. Ai mà nói tôi là LGBT, lập tức bị phản ứng lại là ghê quá đi, biến thái quá đi, ở gần bị lây đó. Đó là nỗi sợ vô hình, trong khi em nghĩ chính họ cũng không thể nào hiểu được nỗi sợ của họ và họ cũng không biết chính xác nó là cái gì.

Hiểu lầm rằng những người đồng tính là bệnh dẫn tới một quan điểm sai lầm khác đó là những người LGBTQ là những người “bị bẻ cong” và cần phải chỉnh cho “thẳng” trở lại, để trở thành người bình thường. Nhiều người đồng tính nữ bị “chỉnh sửa” lại giới tính một cách tàn bạo.

Trên thế giới có nhiều câu chuyện người trong gia đình thuê một người đàn ông cưỡng đoạt con gái họ để con gái họ có thể trở lại bình thường. Hoặc khi một người chồng biết về giới tính thật của vợ, người chồng liên tiếp cưỡng ép tình dục để cho vợ tỉnh sau cơn mê.

Đan Thanh, 19 tuổi, vừa tốt nghiệp một trường đại học cộng đồng ở Seattle, Mỹ, từng trải qua hai năm kinh hoàng như vậy. Đó là năm cô mới 15 tuổi, khi cô bị mẹ phát hiện ra là người đồng tính. Thanh đùa rằng mẹ cô suýt bị hậu sản sau khi hay tin động trời này. Thanh kể rằng suốt hai năm liền, ngày nào Thanh cũng bị đòn roi của mẹ đến mức cô chỉ muốn tự tử. Thanh kể:

Hiểu lầm lớn nhất là sự ghê sợ vô hình dành cho giới LGBT. Ai mà nói tôi là LGBT, lập tức bị phản ứng lại là ghê quá đi, biến thái quá đi, ở gần bị lây đó. Đó là nỗi sợ vô hình, trong khi em nghĩ chính họ cũng không thể nào hiểu được nỗi sợ của họ và họ cũng không biết chính xác nó là cái gì

Yuki

Đan Thanh: Nhiều khi vừa bước vào nhà là bị đánh rồi và bị chửi mắng, quát tháo, chị trì triết, bị nguyền rủa rất nhiều. Gần như không có ngày nào là không như vậy, đến mức mẹ con không nhìn mặt nhau. Bởi vì em sợ, em cứ phải trốn chui trốn lủi, còn mẹ em thì vừa ghê tởm vừa ghét bỏ em. Mình chưa kịp có tình thân với nhau mà mình lại có trách nhiệm với nhau. Bây giờ mình lại phát hiện ra nó là một cái phạm trù gì đó rất xa vời, thật là là kinh dị, trong đầu óc của mình, mình với không tới. Nó lại là con mình, mình vẫn phải có trách nhiệm với nó. Nó tạo ra một mối quan hệ rất đau đớn, khủng khiếp. Mẹ em nói tại sao mày lại mang hoạ này đến cho tao, tại sao mày lại mang cái chuyện này đến cho gia đình này.

Suốt hai năm đó, Thanh cũng bị gia đình quản thúc nghiêm ngặt, không cho gặp người yêu. Thanh kể:

Đan Thanh: Dù các chị người yêu em đều là người trưởng thành, nhưng ai cũng sợ mẹ em. Nếu mẹ em bật chế độ hung dữ hay là cảnh giác, đe doạ lên thì ai cũng sợ. Giống như là mày làm gì con tao, mày lây cho con tao đúng không, con tao từ trước tới giờ không như vậy.

Có những bậc cha mẹ dù đã chấp nhận việc con họ là đồng tính, thì trong sâu thẳm, họ vẫn nghĩ rằng đây chỉ là một giai đoạn khủng hoảng trong cuộc sống của con gái họ. Một ngày kia, con gái họ sẽ nghĩ lại và sẽ lấy chồng, sinh con như người bình thường. Thanh nói:

Đan Thanh: Họ nghĩ xu hướng tình dục là có thể thay đổi được từ đồng tính sang dị tính. Đó cũng là một cái định kiến, vì có định kiến ấy thì mới có cảnh làm con mình bị hiếp, con mình thẳng trở lại. Không bao giờ họ nghĩ con mình là như thế, chẳng qua là do cộng đồng xấu xa, đê tiện làm ảnh hưởng. Cho nó tiếp xúc với đàn ông một cách cưỡng ép thì nó chắc là được.

Người đồng tính nữ thường phân ra hai loại, một bên được gọi theo tiếng Anh là “butch”, nghĩa là người có tính nam hơn. Họ thường ăn mặc, đi lại, thể hiện giống con trai. Một bên được gọi theo tiếng Anh là “feme”, nghĩa là người có tính nữ...thể hiện tính cách cũng như các cử chỉ giống con gái hơn

Rắc rối ngay trong cộng đồng

Không chỉ bị người ngoài cộng đồng bên ngoài, những người thuộc giới LGBTQ cũng kỳ thị và hiểu lầm lẫn nhau. Người đồng tính nữ thường phân ra hai loại, một bên được gọi theo tiếng Anh là “butch”, nghĩa là người có tính nam hơn. Họ thường ăn mặc, đi lại, thể hiện giống con trai.

Một bên được gọi theo tiếng Anh là “feme”, nghĩa là người có tính nữ. Những người này giống những người nữ dị tính, họ ăn mặc, thể hiện tính cách cũng như các cử chỉ giống con gái hơn. Đơn giản hơn có thể nói là họ phân vai chồng, vợ giống như trong thế giới những người dị tính.

Yuki, vừa nhắc tới ở trên, không thấy hài lòng với kiểu phân vai giống như giới dị tính này. Cô nói:

Yuki: Nó áp đặt cái cách suy nghĩ của hệ nhị phân lên cộng đồng các bạn dị tính, rất là lạ. Các bạn butch mạnh mẽ thì có quyền ra ngoài kiếm tiền, có nghĩa vụ đi ra ngoài kiếm tiền mang về, còn các bạn feme thì ở nhà lau nhà, quét nhà, dọn dẹp nhà và đóng vai trò là người dọn dẹp trong gia đình.

Sự phân định đó vẫn theo chuẩn của nhóm dị tính, có nghĩa rằng chính nhiều người LGBTQ vẫn coi mối quan hệ giữa người nam và người nữ là mối quan hệ lý tưởng và điển hình. Yuki nói:

Bọn em hô to khẩu hiệu LGBT, quyền cho người đồng tính. Mọi người đi qua cũng cười, rồi bố mẹ, người lớn tuổi cũng đi theo bọn em. Thái độ của mọi người rất tích cực. Các anh công an còn chặn xe cho bọn em đi qua.

Yến Trang

Yuki: Vì thế, cách đây nửa năm thì em với bạn gái đã chia sẻ với nhau là “ờ, tai sao chúng ta lại phải phân ra một bạn là chồng, một bạn là vợ như vậy. Nó thật không công bằng cho cả hai và chúng em phân vai là đều là vợ với nhau thì có nhiệm vụ và trách nhiệm như nhau”.

Thay đổi

Hiện ở Việt Nam xuất hiện nhiều hoạt động đấu tranh vì quyền của người đồng tính. Chẳng hạn như từ năm 2012, một phong trào Viet Pride, tuần hành vì quyền của người đồng tính, bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội và Sài Gòn. Đến năm 2014, phong trào này lan rộng ra khắp 16 tỉnh thành ở Việt Nam. Yến Trang, 23 tuổi, cho biết cuộc đạp xe diễu hành khắp Hà Nội trong năm nay cũng nhận được nhiều sự ủng hộ. Trang kể lại:

Yến Trang: Bọn em hô to khẩu hiệu LGBT, quyền cho người đồng tính. Mọi người đi qua cũng cười, rồi bố mẹ, người lớn tuổi cũng đi theo bọn em. Thái độ của mọi người rất tích cực. Các anh công an còn chặn xe cho bọn em đi qua.

Hải Yến, nhân viên của tổ chức phi chính phủ vận động cho quyền của giới LGBTQ có tên là ICS, nhận định rằng phần lớn người Việt có quan điểm cởi mở với giới thứ ba. Tuy nhiên, khi “dịch” đồng giới lan tới gia đình của họ, phản ứng của họ thường dữ dội hơn. Yến cho biết trong các cuộc hội thảo của ICS dành cho gia đình của những người đồng giới, có người chia sẻ những cảm xúc giận dữ khi biết con mình là người đồng tính. Hải Yến kể:

Hải Yến: Có cô nói là “tôi biết con tôi có những người bạn đồng tính, tôi cảm thấy đó là điều vui vẻ, không có vấn đề gì cả. Tuy nhiên, khi tôi biết con tôi là người đồng tính, tôi cảm thấy không thể chấp nhận được, bầu trời như sụp đổ trước mắt tôi.

Thay đổi là điều có thể làm được nhưng cần có thời gian, Hải Yến nói. Sau tám năm trời giấu kín bố mẹ về chuyện giới tính, Hải Yến, 32 tuổi, cuối cùng phải bật mí bí mật động trời đó. Sau những cú sốc ban đầu giống như các ông bố bà mẹ bình thường, bố mẹ của Hải Yến đã thông cảm với cô hơn. Họ hàng của Hải Yến thậm chí còn bảo vệ cô, mỗi khi có bất cứ ai đặt câu hỏi về cuộc sống của cô gái này. Hải Yến tự hào kể về cuộc phỏng vấn của bố cô với đài phát thanh VOV về chuyện kết hôn giữa người đồng giới, cô nói:

Hải Yến: Họ có gọi điện về và nói chuyện với bố em. Họ cũng nói xem cảm xúc của bố em như thế nào thì bố em cũng nói rằng bố em rất vui, lâu lắm rồi mới được vui như vậy. Cuộc sống của em ở trong này cũng rất ổn định. Bố mẹ em cũng biết và ủng hộ cho em cùng bạn em xây dựng cuộc sống với nhau.

Hiện tổ chức ICS mà Hải Yến đang làm việc để cổ vũ quyền lợi của những người đồng tính. Những nỗ lực của các tổ chức như ICS dường như đã đạt hiệu quả phần nào khi chính phủ Việt Nam vừa công bố kể từ đầu năm tới, Việt Nam không cấm người đồng giới kết hôn.

Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Hải Ninh xin cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Mọi ý kiến liên quan tới các bài viết hoặc chủ đề của tạp chí phụ nữ, xin quý vị thư về địa chỉ email phamn@rfa.org hoặc gửi tới trang Facebook tại www.facebook.com/haininhrfa. Hải Ninh chào tạm biệt quý vị và xin hẹn gặp lại tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.