Phụ nữ tuổi về hưu
2010.07.27

Vị thế của người phụ nữ càng ngày càng được khẳng định trong nhiều lãnh vực: kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa…
Tuy nhiên, qui định về hưu cho phụ nữ ở tuổi 55 hình như đang là sự cản trở cho họ một khi đã tích lũy được kinh nghiệm với bề dày đáng kể. Mới đây, nhà nước Việt Nam đã có chủ trương xem xét lại việc qui định tuổi về hưu cho chị em phụ nữ.
Một số ý kiến cho rằng: trong lĩnh vực lao động trí óc, về hưu ở tuổi 55 mặc dù còn nhiều sức khỏe để cống hiến cho xã hội là tước quyền làm việc của họ.
Ngược lại, với những chị em làm việc tay chân trong các xí nghiệp, nhà máy thì nghỉ hưu ở tuổi này lại là để đảm bảo quyền lợi của họ, được nghỉ ngơi sau nhiều năm lao động.
Trong chuyên mục Trang Phụ Nữ kỳ này, Phương Anh xin đề cập đến vấn đề nghỉ hưu của chị em phụ nữ tại VN ngày nay cùng gửi tới quí vị tâm tư của 3 chị phụ nữ ở Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ.
Tuổi nghỉ hưu hợp lý
Vào khi dự luật Bình Đẳng Giới được đệ trình ở Quốc Hội đề cập đến vấn đề tuổi nghỉ hưu của chị em phụ nữ, đã có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc này. Có ý kiến cho rằng, người phụ nữ có thiên chức làm mẹ, sinh con, nuôi dạy con nên so với nam giới, sức khỏe hạn chế và họ cần phải được quan tâm nhiều hơn, nhất là chị em lao động chân tay.
Cho nên, họ phải được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với nam giới. Thế nhưng, điều này lại không phù hợp với các chị em làm việc về trí óc. Trên thực tế, với những chị em là cán bộ hành chính, quản lý hay công tác trong ngành giáo dục, y tế thì tuổi này chính là thời điểm mà khả năng đóng góp của họ là cao nhất, với bề dày kinh nghiệm lâu năm. Có lẽ chính vì sự khác biệt này mà gần đây, nhà nước Việt Nam đã thay đổi từng bước với qui định mới cho việc về hưu. Chị Nhung, chủ tịch Hội Liên Hiệp Hội Phụ Nữ tỉnh Cần Thơ cho hay:
Gần đây, Bộ Chính Trị vừa có chủ trương là từ Thứ Trưởng trở lên, nữ là thường vụ của TPHCM và Hà Nội, phó chủ tịch Ủy Ban, Phó Chủ Tịch HĐND thì được công tác đến 60 tuổi, tức là mới có bổ sung, còn thì mọi người đang hội thảo về vấn đề này nhiều lắm, để đề nghị với Quốc Hội đề ra tuổi hưu với phụ nữ Việt Nam. Nhưng mà căn cứ vào từng độ tuổi, từng đối tượng khác nhau nhưng cũng có những đối tượng lao động nữ mà cần xem xét để cho về hưu sớm hơn, từ 55. Đó là tâm tư nguyện vọng của chị em phụ nữ.
... thí dụ những công việc về lao động trí óc, tích lũy nhiều kinh nghiệm, thì lứa tuổi 55 là lứa tuổi làm việc tốt nhất, còn những công việc lao động làm việc tay chân thì tôi nghĩ tuổi 55 là cũng vừa khi về hưu.
Bà Trần Thị Lệ - Hà Nội
Bà Trần Thị Lệ, cư ngụ ở Hà Nội cũng đồng quan điểm và cho rằng:
Cũng tùy sức khỏe của mỗi người, tùy công việc, thí dụ những công việc về lao động trí óc, tích lũy nhiều kinh nghiệm, thì lứa tuổi 55 là lứa tuổi làm việc tốt nhất, còn những công việc lao động làm việc tay chân thì tôi nghĩ tuổi 55 là cũng vừa khi về hưu.
Tuy nhiên, không hẳn ai cũng cùng quan điểm như thế vì trên thực tế, có những chị em nào làm cho nhà nước nhưng lại rất muốn về hưu sớm, như lời chị Thanh Xuân ở TPHCM:
Lương chính thức của họ quá “bèo” nên họ muốn về hưu sớm để họ ra kinh doanh . Những nguời phụ nữ năng động, giỏi, họ muốn về hưu sớm để họ có thời gian làm việc riêng của họ hay hơn. Họ muốn làm cho xong nghĩa vụ để nhà nước "nuôi". Nuôi có nghĩa là hàng tháng có lương tối thiểu, có sổ bảo hiểm khám chữa bịnh. Họ có thời gian lo cho gia đình, lo kinh doanh.
Điều đáng quan tâm ở đây là một khi về hưu thì tâm tư tình cảm của họ như thế nào và họ đã chuẩn bị ra sao? Chị Nhung, tuy chưa đến tuổi về hưu, nhưng có nhận xét rằng:
Đang ở trạng thái làm việc mà phải chuyển sang một trạng thái khác thì người nào cũng vậy, nhưng sau đó thì người ta sẽ cân bằng ngay thôi. Bao nhiêu năm cống hiến rồi thì khi nghỉ hưu, quay về với cuộc sống gia đình, được hưởng chế độ lương hưu, buồn thì không buồn nhưng nó thay đổi trạng thái thì mình phải thích ứng thôi.
Chuẩn bị cho tuổi hưu
Có thể nói, cái tâm trạng “mình đã già” đều đến với hầu hết những chị em khi bước vào tuổi 55 và chờ ngày lãnh quyết định nghỉ hưu. Vì thế, đa số chị em khi đã ngoài 50, chỉ còn vài năm làm việc là phải nghĩ đến ngày mai khi về hưu và phải chuẩn bị một điều gì đó cho riêng bản thân mình. Chị Xuân ở TPHCM, 53 tuổi, hiện đang làm kế toán trưởng cho một trường cấp 1 ở Bình Thạnh tâm sự rằng:
Theo lời chị Xuân cho hay, tuy nhiên, không phải ai cũng được may mắn có sẵn nơi mời làm việc. Để có được việc làm ngay và không phải trông chờ vào số lương hưu với mức 70% , thì cần phải có sự quen biết và giới thiệu ngay từ bây giờ. Chị nói:
Phải quen biết và có sự giới thiệu. Họ làm có uy tín, có người quen giới thiệu, còn nếu không quen biết thì khỏi có công ăn việc làm.
Khi được hỏi chị có cảm giác hụt hẫng hay cảm thấy mình trở nên già đi không, chị cho biết:
Già chứ, nhưng mà mình phải chấp nhận vì tới tuổi đó, xã hội không cần mình nữa, đó là tâm lý chung. Nhưng người nào giỏi, thích ứng lẹ thì không buồn, còn không thì buồn lắm. Bản thân tôi thì không thấy buồn, vì còn dự tính làm cái khác nữa, chứ làm nhà nước hòai thì cũng mệt lắm vì lương ít, chiếm thời gian quá nhiều, lo cho gia đình không chu toàn. Ở đây ( Việt Nam) còn có chế độ về hưu sớm nữa, người ta thích về hưu non, ùn ùn về hưu non, còn kéo dài với nhà nước thì lương “ba cọc, ba đồng”, mà thời gian rảnh thì ít quá.
Với bà Trần Thị Lệ, ở Hà Nội, về hưu đã vài năm qua, thì cho hay rằng, quả thực có những phụ nữ khi cầm quyết định nghỉ hưu trong tay thì cảm thấy hụt hẫng và buồn tủi, nhất là đối với những ai không có việc gì làm. Nhưng trong trường hợp của bà thì lại khác, bà nói:
Một số người cho rằng những người đang làm việc mà về hưu thì sẽ hụt hẫng, nhưng hoàn cảnh của tôi thì có quá nhiều việc phải làm. Vì đồng lương của tôi đi làm rất thấp, nên luôn luôn phải đi làm thêm để kiếm sống, là dạy tiếng Anh, nên khi nghỉ hưu thì vẫn tiếp tục đi dạy thêm, tôi không có cảm giác buồn, hụt hẫng. Về hưu rồi, tôi có con gái út sanh nở thì cũng phải giúp, cô con gái lớn thì có cậu con trai lên 7 thì cũng phải dậy thêm cho cháu. Nói chung, công việc của tôi rất nhiều. Hồi đi làm thì quá bận rộn, nghỉ hưu thì lại có vấn đề về sức khỏe kém đi. Do đó, các hoạt động cũng chậm rất nhiều. Tuy nhiên, cái cảm giác hụt hẫng hay như thế nào đó thì tôi không có.
Già chứ, nhưng mà mình phải chấp nhận vì tới tuổi đó, xã hội không cần mình nữa, đó là tâm lý chung. Nhưng người nào giỏi, thích ứng lẹ thì không buồn, còn không thì buồn lắm.
Chị Xuân ở TPHCM
Theo nghiên cứu của Viện Khoa Học Lao Động và Xã Hội vào năm 2009, thì tuổi nghỉ hưu bình quân của lao động nữ tại VN mới đạt 51 tuổi, ít hơn 4 năm so với qui định và nam là 55 tuổi. Trong khi đó thì đến 80% các nước trong khu vực châu Á, đã có qui định tuổi nghỉ hưu của hai giới bằng nhau. Chẳng hạn, ở Nhật Bản tuổi về hưu là 65 cho cả hai giới, Thái Lan là 55 cho cả hai giới, Lào là 60 cho cả hai giới.
Vì thế, dựa theo báo cáo của nghiên cứu này, Bộ LĐTBXH đã đề nghị hai giải pháp để điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu cho cả hai giới. Một là lao động nữ được quyền lựa chọn nghỉ hưu sớm 5 năm, nhưng nếu muốn làm việc đến 60 thì tiếp tục đóng tiền bảo hiểm xã hội. Thời điểm thực hiện là vào năm 2011. Giải pháp thứ hai là tăng tuổi nghỉ hưu cho nữ và cũng đồng loạt áp dụng vào năm 201. Nhưng với những trường hợp lao động nữ của các ngành nghề nặng nhọc hay độc hại thì vẫn duy trì như cũ. Tuy nhiên, cho đến nay, kiến nghị về việc sửa đổi tuổi về hưu vẫn còn đang trong quá trình xem xét. Và như thế, chị em phụ nữ vẫn về hưu ở tuổi 55 với nhiều nỗi trăn trở như lời chị Xuân tâm sự:
Chân mỏi gối mòn, nhưng mình nhiều kinh nghiệm. Việt Nam thì không như nước ngoài…Mình cũng chưa biết làm gì, chừng đó rồi tính, cũng lo nhiều…
Trang Phụ Nữ xin ngừng nơi đây. Hẹn gặp lại các bạn vào kỳ sau.