Phụ nữ Campuchia còn chịu nhiều áp bức

Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ khi chế độ hà khắc Khmer đỏ ở Campuchia chấm dứt, những đau thương tưởng chừng như đã chấm dứt tại đất nước nhỏ bé xinh đẹp.

0:00 / 0:00

Thế nhưng một báo cáo gần đây của Tổ chức Ân Xá quốc tế lại cho thấy hàng chục ngàn người Campuchia ngày nay đang phải đối mặt với những vụ cưỡng bức đất đai, chịu mất nhà, ruộng vườn, gia đình ly tán vì chính phủ lấy đất của họ để chia cho các công ty.

Người phụ nữ Campuchia là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất nhưng cũng là những người đấu tranh mạnh mẽ nhất với chính quyền để đòi hỏi quyền lợi không chỉ cho họ, gia đình họ mà còn cho cả cộng đồng.

Bị cưỡng bức đất đai

Nụ cười nở rạng trên gương mặt khắc khổ, già hơn cái tuổi 48 của Hoy Mai khi cô múa điệu múa truyền thống của người Campuchia. Thật khó có thể tưởng tượng nổi những gì mà Mai đã trải qua trong suốt hơn 3 năm qua nếu chỉ nhìn vào gương mặt và nghe tiếng cười hạnh phúc của cô lúc này. Mai là một trong số 214 nạn nhân bị mất nhà, mất đất tại làng Bos, tỉnh Oddar Meanchey, miền Tây Bắc Campuchia.

Mai sinh ra và lớn lên tại làng Bos. Nhà cô có đất trồng lúa, mọi người ai cũng đủ ăn và cô đã sống rất hạnh phúc yên ổn với chồng con của mình cho đến một ngày tháng 10 năm 2009.

Khi đang mang trong bụng đứa con thứ 8, Hoy Mai đã phải chứng kiến căn nhà, đất đai của mình bị cháy rụi. Chính quyền đã cho xe ủi đến san phẳng những căn nhà của dân làng Bos, đốt trụi tất cả để lấy đất cho công ty đường Angkor làm nông trường trồng mía. Họ tự tiện chia đất của bà con dân làng cho công ty mà không hề hỏi ý kiến của người dân.

Công ty cho người đến lấy đất của tôi, ủi sạch nhà của tôi. Và khi tôi biết tôi bị mất nhà, thì họ đã có 4 xe tải chở đầy lính và hàng trăm cảnh sát. Họ dùng súng đe dọa tôi. Chúng tôi kêu gào cố gắng tìm cách ngăn cản họ không phá nhà mình nhưng họ chỉ báo chúng tôi tránh ra. Họ đốt rụi căn nhà của tôi, tất cả đều bị thiêu rụi, cả thẻ nhân thân, quần áo tư trang, tất cả đều bị cháy rụi…..

Công ty cho người đến lấy đất của tôi, ủi sạch nhà của tôi. Họ dùng súng đe dọa tôi. Chúng tôi kêu gào cố gắng tìm cách ngăn cản họ không phá nhà mình nhưng họ chỉ báo chúng tôi tránh ra!

Bà Hoy Mai

Bụng mang dạ chửa, nhà cháy, ruộng lúa bị tịch thu, Mai cùng chồng và 6 người khác trong làng quyết định vượt hơn 250 cây số, qua rừng, đầm lầy về thủ đô Phnompenh để tìm sự giúp đỡ từ thủ tướng Hun Sen với hy vọng chính phủ Trung ương sẽ nghe lời cầu cứu của họ mà trả lại đất đai, nhà cửa cho họ.

Thế nhưng, thay vì được cứu, Mai và mọi người lại bị bắt bỏ tù. Chính phủ buộc tội cô đã vi phạm luật về rừng của Campuchia. Chồng Mai may mắn trốn thoát nhưng cô không thể vì đang mang thai. Mai đã phải ở tù 8 tháng và phải sinh con trong tù, trong điều kiện thiếu thốn về mọi mặt. Cô chỉ được thả vào tháng 6 năm 2010 khi đã ký cam kết sẽ rút lại các đơn khiếu nại. Đổi lại chính phủ sẽ đền bù cho cô một khoảng đất khác, một lời hứa vẫn chưa được thực hiện. Mai trở về quê và phải sống trong nhà của người con gái cả ở một làng khác.

Mai bặt tin chồng, còn các con thì mỗi người một ngả lo kiếm ăn. Cô cố gắng duy trì một ngày hai bữa cơm không đủ no cho mình và các con nhỏ. Thực phẩm này cũng là sự trợ giúp mà Mai nhận được từ các tổ chức phi chính phủ và những người hảo tâm trong làng.

Câu chuyện của Mai là một trong 5 câu chuyện phụ nữ Campuchia là nạn nhân của tình trạng cưỡng bức đất đai được Tổ chức Ân Xá Quốc tế đưa ra trong báo cáo mới đây vào ngày 24 tháng 11.

Những phụ nữ dũng cảm

Tình trạng cưỡng bức đất đai đang trở nên phổ biến tại Campuchia trong những năm từ 1990 trở lại đây, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng chục ngàn người Campuchia từ thành thị đến nông thôn. Cũng theo Tổ chức Ân Xá Quốc tế thì những phụ nữ Campuchia là nạn nhân của những vụ cưỡng bức lại đang đi đầu trong cuộc chiến đấu chống lại làn sóng lấy đất đang lan rộng ở Campuchia.

000_Hkg4809221-250.jpg
Phụ nữ Campuchia tại khu tưởng niệm các nạn nhân cánh đồng chết Choeung Ek vào ngày 17 tháng 4 năm 2011. AFP photo (Phụ nữ Campuchia tại khu tưởng niệm các nạn nhân cánh đồng chết Choeung Ek vào ngày 17 tháng 4 năm 2011. AFP photo)

Bản báo cáo và những thước phim mới được công bố của Tổ chức Ân xá quốc tế đã cho thấy một bức tranh khá rõ nét về những gì mà những người phụ nữ Campuchia như Mai đã trải quả để đấu tranh đòi quyền lợi cho mình và cộng đồng. Bà Donna Guest, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương của tổ chức Ân Xá Quốc tế cho biết:

Đây là những câu chuyện về những người phụ nữ trong khó khăn đã trở thành những người lãnh đạo trong cộng đồng của mình, và khi họ bị bắt phải rời bỏ chỗ ở của mình, họ đã không còn cách nào khác là trở thành những người lãnh đạo trong cộng đồng của mình. Theo tôi đây là những câu chuyện gây cảm hứng…. Tôi nghĩ nó cho thấy sức mạnh và cả những nỗi lo sợ của họ. Đây là cả một chặng đường mà họ đã đi qua để chống lại sự đàn áp, cưỡng bức rời bỏ chỗ ở từ phía chính phủ.

Vụ cưỡng bức đất tại vùng hồ Boeung Kak nổi tiếng ở Phnompenh cũng được đề cập trong bản báo cáo này của Tổ chức Ân Xá Quốc tế. Năm 2007, chính phủ Campuchia đã cấp hợp đồng cho thuê 99 năm vùng đất tại hồ Beung Kak ở trung tâm thủ đô Phnompenh cho một công ty để xây dựng khu đô thị mới. Việc làm này đã đẩy hàng chục ngàn cư dân sinh sống lâu năm tại đây phải đối mặt với khả năng bị mất nhà, cơ sở làm ăn. Tiền đền bù mà chính phủ đưa cho mỗi gia đình phải rời đi là 8,500 đô la hoặc một căn hộ ở ngoại ô, xa trung tâm.

Đây là những khoản đền bù mà người ân cho là bất hợp lý. Những người chấp nhận khoản đền bù này sau đó đã phải sống rất chật vật. Những người ở lại muốn tìm công lý qua tòa án đều thất bại. Vanny, một phụ nữ 31 tuổi đã lập gia đình và đang sinh sống tại vùng hồ cho biết "tòa án không có công lý cho người nghèo, bởi người nghèo không có tiền để đút lót cho họ để giải quyết các vấn đề."

Là một phụ nữ có hai con nhỏ, chủ một cơ sở sản xuất khung tranh và một tiệm tạp hóa, Vanny rất bận rộn trong công việc gia đình nhưng cô cũng là người phụ nữ đi đầu trong các cuộc tranh đấu đòi công bằng cho những người dân vùng hồ Boeung Kak:

Tôi cảm thấy được khích lệ khi tham gia vào cuộc tranh đấu với mọi người, nhưng tôi cũng gặp khó khăn vì phải làm tròn công việc nội trợ, chăm sóc con cái cùng lúc, vì vậy mà sức khỏe tôi kém đi.

Tôi không sợ chết, tôi tin vào những gì tôi có được, những gì mà trời đã định, cho nên dù có khó khăn thế nào, tôi sẽ vẫn chiến đấu để được sống trong căn nhà, tổ ấm của tôi, tôi sẽ chiến đấu đến tận cùng.

Cô Vanny

Những người dân vùng hồ bị đe dọa, bắt buộc phải rời khỏi nơi ở. Vanny cũng phải đối mặt với khó khăn, đe dọa khi cô dẫn đầu các cuộc đấu tranh phản đối, nhưng cô vẫn không sợ:

Tôi nghĩ điều tôi làm là đúng. Tôi không sợ chết, tôi tin vào những gì tôi có được, những gì mà trời đã định, cho nên dù có khó khăn thế nào, tôi sẽ vẫn chiến đấu để được sống trong căn nhà, tổ ấm của tôi, tôi sẽ chiến đấu đến tận cùng.

Vụ cưỡng chế tại vùng hồ Boeung kak đã khiến Ngân hàng thế giới phải lên tiếng cảnh báo sẽ ngưng cho chính phủ Campuchia mượn tiền nếu chính quyền vẫn tiến hành trục đuổi những người dân ở khu vực này khỏi nhà của họ.

Sức ép từ quốc tế đã khiến ông thủ tướng Hun Sen gần đây phải ra lệnh cho thành phố Phnompenh phải trích hơn 12 hecta đất để cấp cho hơn 750 gia đình đã bị cưỡng chế khỏi hồ Boeung Kak.

Quyền phụ nữ bị xâm phạm

000_Hkg809911-250.jpg
Phụ nữ Campuchia tại tỉnh Svay Riêng, cách Phnom Penh 122 km. AFP photo (Phụ nữ Campuchia tại tỉnh Svay Riêng, cách Phnom Penh 122 km. AFP photo)

Các vụ cưỡng chế đất ở Campuchia cũng cho thấy quyền của phụ nữ vẫn chưa được đảm bảo đầy đủ tại đất nước này. Tổ chức Ân Xá Quốc tế cho rằng chính phủ Campuchia đã không tôn trọng và bảo vệ quyền cơ bản về nhà ở cho phụ nữ. Mặc dù Campuchia đã tham gia Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ của Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là CEDAW) vào năm 1992, trong đó có quyền về nhà ở, nhưng việc thực thi công ước này lại không được đầy đủ. Bà Donna Guest nhận xét:

Đã có những bước tiến đáng chú ý từ phía chính phủ Campuchia khi họ phê chuẩn CEDAW và cam kết trong công ước này là phụ nữ sẽ không bị phân biệt đối xử, nhưng điều này vẫn còn tồn tại ở không chỉ Campuchia mà còn một số nơi khác trên thế giới. Theo tôi thì có rất nhiều yếu tố dẫn đến việc phân biệt đối xử với phụ nữ, một phần là do truyền thống, phụ nữ không được tiếp cận với giáo dục để có thể bắt đầu các doanh nghiệp của mình, hay để trở thành những nhà lãnh đạo.

Theo Tổ chức Ân Xá Quốc tế thì các tổ chức quốc tế về nhân quyền khi xem xét vấn đề cưỡng chế đất đai tại Campuchia cần phải khuyến nghị các nhà tài trợ nước ngòai cho Campuchia không tài trợ cho các dự án có thể dẫn đến hoặc tạo cơ hội cho những trường hợp vi phạm nhân quyền tại nước này, trong đó bao gồm cả quyền về phụ nữ.

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến việc phân biệt đối xử với phụ nữ, một phần là do truyền thống, phụ nữ không được tiếp cận với giáo dục để có thể bắt đầu các doanh nghiệp của mình, hay để trở thành những nhà lãnh đạo.

Bà Donna Guest

Cho đến lúc này, những vụ cưỡng chế đất vẫn còn xảy ra ở Campuchia. Vẫn còn nhiều phụ nữ ở đất nước này đang là nạn nhân của những vụ cưỡng chế này. Cuộc chiến đấu của những người phụ nữ như Mai hay Vanny vẫn còn tiếp tục. Với Mai, cô chỉ mong sẽ lấy lại được nhà và đất trồng lúa của mình để gia đình cô có thể xum họp. Còn với Vanny, cô kiên quyết sẽ tiếp tục con đường mà cô chọn, khích lệ tinh thần cho cộng đồng, và cô hy vọng bằng cách này họ có thể thuyết phục được chính phủ thay đổi quyết định.

Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

Opens in new window

Video: Phụ nữ Châu Á vẫn bị phân biệt đối xửOpens in new window ]

Theo dòng thời sự: