Trong cuộc gặp gỡ tuần trước, cô bạn ký giả trẻ Vân Anh ở Đà Nẵng giải thích về những mặt bị hạn chế, bị cấm đoán của nền báo chí trong nước so với truyền thông của các nước khác trên thế giới, là do: "Đúng là mỗi nước có một cái khác nhau. Đúng là mình không có chuyện đó được… bởi vì dân trí mình không được cao như họ, mình có một tầng lớp dân trí thấp."
Quan điểm này đã nhận được nhiều ý kiến phản biện của thính giả khắp nơi gửi về đài trong suốt tuần qua mà chúng tôi đã có dịp chia sẻ với bạn nghe đài trong chuyên mục Thư Tín tối thứ Sáu vừa rồi.
Còn ý kiến của hai bạn Lê và Quỳnh tham gia hội luận phản hồi với Vân Anh ra sao?
Xã hội hóa báo chí
Giới hữu trách khẳng định rằng hoạt động báo chí trong nước đang đựơc "xã hội hoá". Cụm từ "xã hội hoá báo chí" này nên được hiểu thế nào và báo chí tại Việt Nam được "xã hội hoá" tới mức độ nào?
Đó là nội dung phần tranh luận kế tiếp trên Diễn Đàn hôm nay giữa Quỳnh, một thanh niên từ Hà Nội, Lê, du sinh đang học tập tại Đài Loan, và Vân Anh, đang làm phóng viên tại Đà Nẵng - trong chủ đề thảo luận về tự do báo chí tại Việt Nam.
Trà Mi: Gần đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam thì mình nghe nhắc tới rất nhiều cụm từ gọi là "xã hội hoá". Hai ví dụ điển hình mà các bạn có thể thấy, đó là khi mà Việt nam xã hội hoá trường học thì mình đã có trường tư, xã hội hoá y tế thì mình đã có bệnh viện tư, rồi bây giờ đang nói tới nhiều là "xã hội hoá báo chí", thì nếu như xã hội hoá báo chí thì sẽ dẫn đến những cái lợi như thế nào cho Việt Nam?
Đã có xã hội hoá giáo dục, đã có xã hội hoá y tế, nhưng mà chưa bao giờ có xã hội hoá báo chí và cái dự thảo luật báo chí hiện nay mà cái chủ đề xuyên suốt của nó là không có báo chí tư nhân. Mà tại sao lại không có xã hội hoá báo chí?
Lê, du học ở Đài Loan
Lê : Chị Trà Mi, đã có xã hội hoá giáo dục, đã có xã hội hoá y tế, nhưng mà chưa bao giờ có xã hội hoá báo chí và cái dự thảo luật báo chí hiện nay mà cái chủ đề xuyên suốt của nó là không có báo chí tư nhân. Tư nhân có thể tham gia vào quá trình của báo chí như quảng cáo, phát hành, nhưng tư nhân không thể là chủ báo được. Không có cái khái niệm xã hội hoá báo chí! Mà tại sao lại không có xã hội hoá báo chí?
Trà Mi: Theo nhận định của Lê là khi mà không có báo chí tư nhân là không có xã hội hoá báo chí, phải không? Trong khi đó thì những người lãnh đạo của Việt Nam thì họ khẳng định rằng Việt Nam đang đi theo con đường xã hội hoá báo chí, mặc dù không có báo chí tư nhân. Thì ý kiến của các bạn về khẳng định này của nhà nước như thế nào? Các bạn có đồng ý không?
Vân Anh : Mình nghĩ là, theo Vân Anh nghĩ là điều đó đúng chứ không phải là sai, nghĩa là mình không thể có báo chí tư nhân được, nhưng mà cái muốn xã hội hoá báo chí thì trên tất cả các tờ báo vẫn có trang dành cho chính những người không phải là nhà báo vẫn có thể viết được, không phải cứ là phóng viên thì viết báo.
Có những trang dành cho bạn đọc viết, thì đó cũng là một cách xã hội hoá báo chí. Em thấy tất cả các tờ báo đều đang có xu hướng đó kia mà. Nghĩa là mình đã thấy cái vấn đề này nó đúng chứ không phải là sai.
Trà Mi: Ý của Vân Anh nói xã hội hoá báo chí có nghĩa là bây giờ dân chúng, những người công dân bình thường cũng có thể góp tiếng trên báo chí, đó là xã hội hoá báo chí theo sự hiểu biết của Vân Anh. Thế còn các bạn khác? Các bạn hiểu xã hội hoá báo chí như thế nào?
Vân Anh: Dạ. Nhưng mà nó phải có định hướng nữa, chị. Vân Anh nói nó phải được định hướng, nó phải đựoc kiểm soát, nghĩa là nó phải coi, chẳng hạn những thông tin mà người dân mình nói ra, người dân mình bức xúc người dân mình đưa lên, như vậy phải được thẩm định coi đúng hay không, phải thông qua một cái gọi là "ban biên tập" đó.

Người ta phải thẩm định, kiểm tra coi nó có đúng không người ta mới đưa lên được. Em nghĩ cái gì thì nó cũng phải nằm trong một khuôn khổ nhất định dù có xã hội hoá hay không.
Định hướng và Thẩm định truyền thông
Lê : Mình có một câu hỏi nữa cho Vân Anh này. Bây giờ giả sử Vân Anh sau này làm tổng biên tập một tờ báo chẳng hạn. Có một phóng viên đến xin làm việc cho tờ báo của Vân Anh, và Vân Anh biết người phóng viên này người ta có tinh thần tự chủ rất cao và người ta sẽ có thể viết những cái bài mà không theo ý của Vân Anh, thì Vân Anh có tuyển người phóng viên này không?
Vân Anh : Bạn quên mất một điều là báo chí là nghề tự đào thải, nghĩa là anh làm được là anh tự đứng được, không ai giúp đỡ. Người này dù viết rất là tốt nhưng mà không theo cái dòng báo, nghĩa là cái định hướng của tờ báo, thì đương nhiên mình không tuyển được. Anh phải có cái định hướng rõ ràng.
Lê : Đó, đó chính là cái chuyện mà báo chí tư nhân sẽ không bao giờ có thể hiện hữu được ở Việt Nam nếu mà vẫn còn chế độ một đảng, tại vì một khi tư nhân tham gia vào báo chí, xã hội hoá báo chí, thì đảng sẽ không thể điều khiển được tất cả mọi người, và có những người mà người ta thích thì người ta sẽ nói hay cho đảng CSVN và có những người mà người ta sẽ phơi bày ra những sự thật, những mặt trái và cái điều đó...
Vân Anh : Bởi vậy mới có một cơ quan thẩm định cơ mà, chứ làm sao mà có thể tự do nói được, nghĩa là mình không bao giờ nói tới vấn đề báo chí tư nhân ở đây nữa.
Báo chí phải được định hướng, phải đựoc kiểm soát. Người ta phải thẩm định, kiểm tra coi nó có đúng không người ta mới đưa lên được. Em nghĩ cái gì thì nó cũng phải nằm trong một khuôn khổ nhất định dù có xã hội hoá hay không.
Nữ ký giả Vân Anh
Lê : Chính cái cơ quan thẩm định! Cái cơ quan thẩm định là cái cơ quan sẽ gạt bỏ đi tất cả những bài nào làm phương hại đến lợi ích lãnh đạo của Đảng CSVN. Bạn thấy có đúng không? Ví dụ bây giờ nếu bạn đưa một bài nói chính sách kinh tế của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là sai hoàn toàn, gây lạm phát hơn 30%, đời sống của nhân dân đi xuống. Cái điều đó là đúng, đúng không? Nhưng mà không ai dám đăng cả.
Vân Anh : Không. Chưa chắc là đúng đâu bạn ơi, bởi vì một người mà muốn nhận định được cái vấn đề đó đúng hay sai hoàn toàn là người ta phải đứng trong cái vị trí đó nữa. Người ta chưa chắc nói câu này đúng. Nghĩa là có những cái người ta không thể thoát ra đựoc, người ta không thể làm hơn được, mà cũng có thể người ta chỉ dừng lại ở mức độ đó thôi thì làm sao có thể sai được. Mà đôi khi có những cái, dân trí mình ở mức độ đó thì ở mức độ đó nó thích hợp với dân mình hơn, nó có lợi cho dân mình hơn.
Lê : Ồ! Đấy là cái tư tưởng là tự mình coi thường dân tộc của mình. Bạn có hiểu không?
Vân Anh : Không phải. Ý mình nói cái chung chung thôi chứ không phải mình đánh giá dân trí mình thấp. Bạn phải hiểu điều đó nghĩa là người ta nói là nói dành chung cho tất cả, nghĩa là mình đang ở một mức độ nhưng mình còn phải nhìn xuống và mình còn nhìn lên nữa.
Nước mình còn rất là nhiều nơi nghèo bạn ơi. Bạn đang đứng ở Hà Nội bạn có thể "ừ, dân trí Hà Nội rất là cao!" nhưng bạn có hiểu được ở các vùng dân tộc không? Một người lãnh đạo là người ta có thể dung hoà được các thành phố lớn với cả những vùng thôn quê chứ đâu phải ở một thành phố lớn mà thôi, đúng không?
Trà Mi: Trở lại với chủ đề mà chúng ta đang bàn luận...
Vân Anh : Chệch hướng rồi đó, chị.
Dân trí và tự do báo chí?
Trà Mi: Chính quan chức Bộ Thông Tin Truyền Thông khẳng định với báo chí nước ngoài rằng Việt Nam sẽ không có báo chí tư nhân, chắc chắn Việt Nam không chấp nhận, thì các bạn có đặt ra dấu hỏi cho mình là vì sao các nước khác trên thế giới có báo chí tư nhân mà Việt Nam không được phép có báo chí tư nhân không?
Lê : Có, cái câu hỏi này thì mình đã suy nghĩa rất là nhiều. Như thế này, này! Cho đến nay đảng CSVN cũng như là đảng cộng sản ở các nước Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, hoặc là Cuba, người ta tồn tại được, người ta lãnh đạo được là dựa trên sự bưng bít thông tin. Người ta bưng bít thông tin để người dân không biết sự thật đang xảy ra nhiều mà chỉ biết được một phần sự thật, mà một phần thì không phải là sự thật.
Đảng cộng sản biết rõ sức mạnh của báo chí là như thế nào. Sức mạnh của báo chí, ở các nước khác người ta gọi là "quyền lực thứ tư". Ngoài hành pháp, lập pháp, tư pháp, thì báo chí là quyền lực thứ tư, “quyền lực mềm”, thì bây giờ mà để tự do báo chí ra một cái, người ta muốn nói cái gì người ta nói, thì khi đó sự lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bị đe doạ nghiêm trọng.
Đấy là lý do mà không bao giờ, mình nghĩ là, khi nào Đảng CSVN còn tồn tại thì chừng đó người ta sẽ không bao giờ cho tự do báo chí. Và cái điều này đúng cho tất cả những nước còn đảng cộng sản lãnh đạo.
Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của Lê. Còn Quỳnh thì sao? Bạn có ý kiến nào khác? Vì sao Việt Nam không có báo chí tư nhân?
Dân trí bắt nguồn từ thông tin và thông tin đầy đủ, trung thực, đa chiều thì dân trí sẽ cao, chứ không thể nói là dân trí thấp nên chúng ta không cho tự do báo chí được. Nói như vậy thì hoá ra chúng ta đi giật lùi.
Quỳnh, Hà Nội
Quỳnh : Mình xin đóng góp ý kiến với. Mình rất là vui với cái ý kiến của Vân Anh. Vân Anh nói là tại vì Việt Nam dân trí thấp vì vậy báo chí có kiểm duyệt sẽ có lợi cho đất nước. Mình rất lý thú về câu nói này. Thứ nhất là dân trí, tức là trí tuệ của đại chúng, của người dân, mà trí tuệ là khả năng suy nghĩ, mà khả năng suy nghĩ thì bắt nguồn từ thông tin.
Loài người khác loài vật ở chỗ có khả năng xử lý thông tin rất tốt, dựa trên các thông tin và đưa ra những kết luận. Đó thể hiện cái dân trí của một nước, như nước Mỹ chẳng hạn dân trí cao bởi vì họ có rất nhiều thông tin để lựa chọn các cơ hội và rất nhiều người nhận được các cơ hội. Phải hiểu dân trí là như vậy, tức là có nhiều thông tin thì dân trí sẽ cao.
Nếu bạn nói là dân trí thấp và chúng ta không cho đầy đủ thông tin như vậy thì xem chừng có ngược quá không? Định nghĩa như vậy e chừng có làm buồn cho các nhà khoa học không?
Rõ ràng là dân trí bắt nguồn từ thông tin và thông tin đầy đủ, trung thực, đa chiều thì dân trí sẽ cao, chứ không thể nói là dân trí thấp nên chúng ta không cho tự do báo chí được. Nói như vậy thì hoá ra chúng ta đi giật lùi, phải không?
Trà Mi: Vân Anh có gì phản đối không?
Vân Anh : À, không. Mình không phải nói là mình không có tự do báo chí là do dân trí thấp, mà mình đang nói vấn đề là dân trí mình bao nhiêu đó cho nên mình có những cái chính sách của thủ tướng mình hay của nước mình nó phải phù hợp.
Trà Mi : Tức là ý của Vân Anh nói rằng là vì tình hình dân trí chưa được cao cho nên cái chính sách tự do báo chí cũng phải phù hợp với cái mức độ dân trí đó, có phải không?
Vân Anh : Dạ không. Ý em nói là cái chính sách mà thủ tướng chính phủ ban hành với người dân thì nó sẽ phù hợp. Chính vì điều đó cho nên dù cái chính sách của thủ tường mình, như bạn gì vừa nói, là có sai thì các bạn có dám nói là ông thủ tường này phát biểu sai không? Có dám nói điều đó không? Thì chắc chắn là Việt Nam mình không ai dám nói rồi.
Quỳnh : Quỳnh luôn luôn dám nói.
Lê: Quỳnh dám nói nhưng mà không ai dám đăng (Vân Anh : Đúng rồi. Quỳnh nói nhưng không ai đăng.) tại vì cái người đăng thì đăng hôm trước hôm sau người ta đã mất chức rồi. Các bạn thấy ngay cái vụ điển hình rõ ràng ngay trước mắt các bạn là cái vụ PMU 18, đúng không ạ?
Tức là khi phanh phui ra cái vụ tham nhũng đó thì các bạn thấy rõ ràng là có tham nhũng, đúng không ạ? Bùi Tiến Dũng có tham nhũng, có đi tù, đúng không ạ? Nhưng mà nhà báo thì cũng đi tù theo Bùi Tiến Dũng.
Vân Anh : Có hai nhà báo đó thôi.
Quỳnh : Không phải chỉ có hai nhà báo. Hai nhà báo đi tù và 7 nhà báo vừa mới bị tước thẻ báo chí.
Vân Anh : Ừ, tước thẻ thì mới sau này.
Quỳnh : Mà rõ ràng đấy là người ta góp phần vào để phanh phui ra một vụ án rất là lớn như thế mà cuối cùng người ta cũng phải đi tù. Vì sao ạ? Tại vì đụng chạm đến hai ông thứ trưởng và ông Bùi Tiến Dũng là con một ông tuớng rất là to nữa. Và người ta phải trả giá. Đó là cái nền báo chí Việt Nam đó các bạn.
Trà Mi: Mời quý vị cùng trở lại "Diễn Đàn Bạn Trẻ" với những tranh luận sôi nổi tiếp theo trên làn sóng này tối Thứ Hai tuần sau.
Quý thính giả muốn góp tiếng với Diễn Đàn, xin mời email về địa chỉ vietweb@rfa.org, hoặc để lại lời nhắn qua hộp thư thoại 001- (202) 530 - 7775. Quý vị muốn trực tiếp tham gia thảo luận, xin vui lòng để lại số phone, chúng tôi sẽ liên lạc mời quý vị góp tiếng.
Trà Mi thân ái kính chào.