Bạo động và Chủ nghĩa dân tộc

Kính Hòa, phóng viên RFA
2014.05.29
000_Hkg9808527-600.jpg Khói và lửa từ cửa sổ một nhà máy ở Bình Dương bị đốt phá do biểu tình bạo động vào ngày 14 tháng 5 năm 2014
AFP photo

 

Cuộc bạo động vừa qua tại Bình Dương và Vũng Áng làm tổn hại nhiều đến tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nhiều người đến từ Đài Loan, gây nên cả những cuộc biểu tình chống đối ở lãnh thổ này. Diễn đàn bạn trẻ hôm nay có sự tham gia của hai bạn từ Đài Loan, mong muốn khơi lên sự chú ý nơi các bạn trẻ Việt Nam đến những vấn đề có thể là sẽ ảnh hưởng lớn đến dân tộc Việt Nam trong một tương lai gần.

Kính Hòa: Chào tất cả các bạn, hôm nay chúng ta có ba bạn, hai bạn đến từ Đài Loan và Tuấn từ Hà Nội. Các bạn cũng biết là cuộc bạo động vừa qua nhiều xí nghiệp Đài Loan bị tàn phá. Có lẽ là đầu tiên hai bạn bên đó cho biết phản ứng của người Đài Loan như thế nào?

Ray: Người dân Đài Loan đầu tiên rất là sợ. Người ta thậm chí là biểu tình phản đối trước văn phòng đại diện kinh tế và văn hóa Việt Nam ở Đài Bắc, đòi Việt Nam bồi thường. Em có người bạn Việt Nam đi học tiếng Hoa, khi vào lớp, cô giáo làm dấu ra hiệu là chúng tôi là người Đài Loan, không phải người Trung Quốc, đừng giết chúng tôi.

Tường: Em xin bổ sung một ít quan sát của em. Em có hỏi những người quan tâm tới thời cuộc, hay cập nhật tin tức, thông tin, thì họ khá là trung dung trong chuyện này. Khi em nói lời xin lỗi đến 1 người bạn thân về những gì xảy ra ở Việt Nam thì bạn ấy nói rằng những chuyện như thế cũng từng xảy ra ở Đài Loan rồi, sự phân biệt không tốt người Trung Quốc và người Đài Loan dẫn đến sự việc đó.

Kính Hòa: Tuấn từ trong nước nhận xét thế nào chuyện này?

Tuấn: Mong hai bạn ở Đài Loan hiểu cho, người Việt Nam thường coi trọng người nước ngoài, không phân biệt, kỳ thị gì cả. Sự việc vừa rồi là đáng tiếc. Người dân nói chung đều lên án hành động đó, mong các bạn bên Đài Loan nói với họ là người Việt Nam rất chuộng hòa bình.

Kính Hòa: Có một nhận định trên tờ Petrotimes rằng cuộc bạo loạn này do các phần tử phản động lưu vong giật giây. Ba bạn nghĩ thế nào về nhận định này?

Ray: Trước hết em rất ngạc nhiên là lần đầu tiên có một lực lượng đông như thế lên tới hàng chục ngàn người công nhân. Để tổ chức được như thế cần phải có một lực lượng, thậm chí cả tiền bạc. Em nghĩ rằng các tổ chức chính trị ở hải ngoại không có khả năng đó. Các cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm lược biển đảo trước đây giỏi lắm huy động được vài trăm người, cho nên chuyện này rõ ràng có một thế lực nào đó, thậm chí ở thượng tầng chính trị bật đèn xanh.

Các cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm lược biển đảo trước đây giỏi lắm huy động được vài trăm người, cho nên chuyện này rõ ràng có một thế lực nào đó, thậm chí ở thượng tầng chính trị bật đèn xanh.
- Ray, Đài Loan

Kính Hòa: Từ trong nước Tuấn thấy thế nào?

Tuấn: Có thể là có một tổ chức, một nhóm nào đó họ đứng ra họ làm. Cái tổ chức đó hiện chưa điều nghiên ra được. Còn chuyện nói về các tổ chức ở nước ngoài, các tổ chức lưu vong thì em cho là không có. Như ở đây hay nói đến Việt Tân, em nghĩ Việt Tân cũng không đủ khả năng làm chuyện này. Đây cũng là câu thắc mắc của nhiều người, chờ câu trả lời từ cơ quan chức năng là ai đứng sau vụ này, tại sao lại để kéo theo nhiều người như vậy.

Tường: Em nghĩ Việt Tân không có ảnh hưởng trong bạo loạn ở Bình Dương vừa qua. Nên nhớ ở Việt Nam công an họ nắm rất là rõ, người ta sẽ biết và ngăn được thôi. Nhưng những gì chúng ta quan sát được thì họ không có ngăn. Hơn nữa là chúng ta có những bức ảnh rất có giá trị của nhạc sĩ Tuấn Khanh với một anh chàng đội mũ cối, mặc áo may ô đi hướng dẫn đập phá ở một công ty. Thậm chí bức ảnh đó được đưa lên một tờ báo ngày của Đài Loan để dẫn chứng rằng có những đối tượng kích động đập phá. Em nghĩ là có thế lực chính trị trong nước nhân cơ hội này mà làm loạn lên.

Tuấn: Em thấy rằng ở hai thành phố là Hà nội và TP HCM thì công an đảm bảo trật tự rất tốt. Nhưng mà còn ở Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng thì em không rõ lực lượng an ninh họ có coi trọng vấn đề này hay không. Theo em biết thì cái chuyện đội mũ cối đấy thì xã hội đen ở Việt Nam có nhiều.

Ray: Về quan điểm này thì đúng là lực lượng an ninh ở hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn thì dày đặc. Nhưng nên nhớ rằng Việt Nam còn có các quân khu, có tất cả chín quân khu. Khi bạo động lên cao thì chắc chắn quân đội sẽ có mặt. Vậy mà khi bạo động lên đến mức khó kiểm soát mới thấy sự hiện diện của quân đội thì rõ ràng có chuyện gì đó mình không biết ở đây.

Những người biểu tình tụ tập trên đường phố bên ngoài nhà máy xây dựng tại Bình Dương vào ngày 14 Tháng 5 năm 2014. AFP photo
Những người biểu tình tụ tập trên đường phố bên ngoài nhà máy xây dựng tại Bình Dương vào ngày 14 Tháng 5 năm 2014. AFP photo
Những người biểu tình tụ tập trên đường phố bên ngoài nhà máy xây dựng tại Bình Dương vào ngày 14 Tháng 5 năm 2014. AFP photo

Tuấn: Đúng, đúng. Không rõ nguyên nhân thế nào mà để kéo dài thời gian quá.

Tường: Hoặc là do muốn kéo dài cuộc bạo loạn ra để lấy lý do ngăn cấm biểu tình hay tụ tập đông người.

Kính Hòa: Mình gút lại là cuộc bạo loạn vừa qua để lại nhiều câu hỏi. Chắc các bạn đồng ý?

Tuấn: Vâng còn chờ cơ quan chức năng.

Kính Hòa: Mình muốn đặt cho các bạn câu hỏi cuối là các bạn có cảm thấy lo ngại về chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người Việt trong những diễn biến vừa qua và trong tương lai hay không?

Sự việc vừa rồi là đáng tiếc. Người dân nói chung đều lên án hành động đó, mong các bạn bên Đài Loan nói với họ là người Việt Nam rất chuộng hòa bình.
- Tuấn, Hà Nội

Ray: Cái gọi là chủ nghĩa dân tộc có phần cực đoan là khá đặc trưng của các dân tộc sống ở vùng Đông Á. Cũng do cái tinh thần này mà mình thấy phong trào bài Nhật ở Hàn Quốc và đặc biệt ở Trung Quốc rất là nghiêm trọng khi mà người Trung Quốc cũng làm y những cái gì người Việt Nam hôm nay làm.

Tuấn: Chắc là hai bạn bên Đài Loan không rõ, nhưng còn mình sống ở Việt Nam thì mình thấy như thế này, cái gọi là dân tộc cực đoan thì Việt Nam không có. Việc bạo động vừa rồi là do quá khích và một số nhóm đối tượng họ kích động lên thành khó kiểm soát. Những người Việt Nam, những người tham gia đấu tranh dân chủ lẫn không tham gia đấu tranh đều phê phán chuyện đấy. Họ không có gì là kỳ thị nước ngoài cả.

Tường: Cám ơn anh Tuấn. Theo mình thấy thì chủ nghĩa dân tộc cực đoan của mình nó không nhiều đâu. Nhưng riêng với Trung quốc thì họ có một chút nghi ngờ, nghi kỵ. Chúng ta có một lịch sử lâu dài với Tàu.

Ray: Người ta không phân biệt lòng yêu nước với lại yêu lá cờ và yêu lãnh tụ.

Tuấn: Cho mình có ý kiến chổ này chút. Nói về lòng yêu nước thì người Việt Nam ai cũng yêu nước, và yêu nước ở đây là gắn với chủ quyền lãnh thổ. Ví dụ nếu như không có cái vụ giàn khoan HD 981 thì nhiều người dân chưa chắc đã bức xúc.

Kính Hòa: Có vẻ như vấn đề chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam và Trung Quốc có liên quan đến sự cầm quyền của đảng cộng sản?

Ray: Có thể có một chút, nhất là ở Việt Nam, khi biểu tình người ta quá chú trọng đến lá cờ, các khẩu hiệu và ảnh lãnh tụ. Các cuộc biểu tình bài Nhật ở Trung Quốc thì người ta không mang ảnh Mao Trạch Đông nữa.

Tuấn: Theo em quan sát thì không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác khi biểu tình thì người Việt Nam giương lá cờ đỏ sao vàng lên, đó là một đặc trưng.

Ray: Vừa qua ở Paris có một cuộc biểu tình nghe nói là của những người từ Việt Nam qua học tập và sinh sống, họ giương cờ đỏ sao vàng lên và bảo là có đến 2000 người, trong khi đó thì những người bên Pháp nói cái quảng trường đó chỉ có thể chứa 600 người… (cười)

Kính Hòa, Ray, Tường, Tuấn…. (cười)

Liên quan đến chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa của đảng cộng sản, mấy chục năm đảng cầm quyền dùng cái chủ nghĩa của mình để ngu dân, họ đánh đồng chủ nghĩa cộng sản với quốc gia.
- Tường, Đài Loan

Tuấn: Ai mà nói vống lên thế (cười)

Tường: Liên quan đến chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa của đảng cộng sản, mấy chục năm đảng cầm quyền dùng cái chủ nghĩa của mình để ngu dân, rồi cái bộ máy mấy triệu đảng viên nữa, họ đánh đồng chủ nghĩa cộng sản với quốc gia.

Tuấn: Theo mình thì thế này, đảng cộng sản hay bất kỳ ai, nhường đất cho Trung Quốc hay ai đó thì đều phải trả giá. Vừa rồi đi biểu tình thì thấy nhiều nơi không hẳn là nghe theo lời kêu gọi của đảng.

Tường: Cho mình tranh biện với bạn Tuấn một chút. Tất nhiên là mình tôn trọng cái lý tưởng đó của bạn, cái đó đúng. Nhưng mà hãy quan sát bài phát biểu của ông Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng. Ông ta nói là chúng ta có trách nhiệm bảo vệ hòa bình cho khu vực. Dĩ nhiên ông ta cũng có lòng yêu nước, nhưng ông ta nói thế này, xin được trích dẫn,…

Nếu mà đời này chúng ta đòi không được đất biển đảo thì thế hệ sau sẽ đòi, nhưng nên nhớ riêng chuyện Hoàng Sa thì chúng ta không còn thời gian nữa.

Ray: 10 năm nữa...

Tường: 10 năm nữa thôi bởi vì nếu để Trung Quốc chiếm đóng quá lâu thì mình không thể kiện ra tòa quốc tế nữa, nhưng tại sao bây giờ chúng ta không kiện?

Ray: Thực ra không phải ai trong đảng cộng sản cũng sợ và phụ thuộc vào Trung Quốc, chỉ tiếc là sau khi Việt Nam sa lầy trong quá nhiều cuộc chiến tranh, bị kiệt quệ, mới dẫn đến hội nghị Thành Đô năm 1991, từ đó Việt Nam có vẻ là thần phục Trung Quốc. Trong đảng cộng sản chắc là có những người muốn thay đổi nhưng có sự e ngại là đi với phương Tây thì không những đảng cộng sản mà thế lực, lợi ích của họ cũng bị ảnh hưởng, do đó đó là lực cản cho sự phát triển của Việt Nam.

Tuấn: Cái chuyện mà đảng cộng sản có tồn tại hay không phụ thuộc vào chính đảng cộng sản. Đảng cộng sản mà đánh mất dân, đi xa dân thì đến lúc nào đó sẽ không còn tồn tại nữa. Còn cái chuyện giàn khoan thì kiểu gì thì kiểu Trung Quốc phải rút đi, còn nếu không thì coi như đã nhường vùng đó cho Trung Quốc.

Kính Hòa: Xin cám ơn các bạn tham gia diễn đàn bạn trẻ hôm nay.

Kính Hòa rất vui mừng đón nhận mọi bạn trẻ Việt Nam từ khắp năm châu tham gia Diễn đàn bạn trẻ. Các bạn có thể gửi yêu cầu tham gia Diễn đàn cùng với địa chỉ email, số điện thoại liên lạc đến kinhhoa@rfa.org hoặc vietweb@rfa.org hay có thể gọi vào hộp thư thoại tại số: 202-530-7775, hoặc liên lạc đến https://www.facebook.com/kinhhoa.rfa Kính Hòa sẽ liên lạc ngay với các bạn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.