20 tháng 11 tại VN được xem là ngày lễ dành cho ngành giáo dục nói chung và nhằm tôn vinh những người thày và người cô, nói riêng. Ngày này cũng là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn với những người thầy. Tuy nhiên,với tình trạng xã hội hiện nay thì liệu truyền thống tôn sư trọng đạo có còn giữ được giá trị như xưa hay không? Đó cũng là chủ đề cho diễn đàn bạn trẻ kỳ này cùng với sự tham gia của các bạn trẻ một thời từng là học sinh, sinh viên. Thu Hoài, Lê Trí và Gia Bảo.
Vẫn nhớ các thầy cô
Chân Như: Các bạn có dự định gì cho ngày 20 tháng 11 và các bạn có trở về thăm lại trường xưa hay thăm thày cô giáo cũ hay không?
Thu Hoài: 20 tháng 11 này, có lẽ em chắc chỉ có thể quay về thăm lại những thầy cô giáo cũ từ hồi cấp một hoặc cấp hai thôi, còn thời cấp ba có lẽ là thầy cô giáo mãi trong tận miền nam, chắc phải chờ đến dịp tết thì mới về thăm lại thầy cô được.
Lê Trí: Dạ, em đã đi làm và cũng xa quê nên cũng không sắp xếp được công việc để về thăm lại thầy cô ở trường cấp ba. Còn với thầy cô ở giảng đường đại học thì mình cũng ít gần gũi, nên không có sự thân thiết nhiều. Vì vậy, em cũng chỉ có thể nhắn tin hoặc gọi điện chúc các thầy cô ở trường cấp ba mà thôi.
Gia Bảo: Đối với em thì có lẽ em may mắn hơn 2 bạn, 20 tháng 11 hằng năm thì lớp em đều có truyền thống sẽ họp mặt nhau. Do nhà của tất cả mọi thành viên trong lớp đều ở trong một khu với nhau cho nên rất dễ dàng để liên lạc với nhau và cùng nhau đến nhà các thầy cô để thăm các thầy cô. Đa số là những thầy cô dạy học những năm phổ thông. Đây cũng là dịp để tất cả các thành viên trong lớp họp mặt với nhau và ôn lại những kỷ niệm cũ cũng như kể cho nhau nghe về những thành tích mà mình đã đạt được những năm gần đây. Khi đó sẽ rất vui.
Chân Như: Trong quãng thời gian là học sinh hoặc là sinh viên thì điểm ấn tượng nhất mà người giáo viên để lại cho bạn là gì?
Lê Trí: Trong thời gian học trung học, thầy cô em thấy rất gần gũi với học trò. Thầy cô đưa ra được những lời khuyên dạy mình các bài học về đạo đức, và có thể nói là mối quan hệ của học sinh và thầy cô trong giai đoạn này khá tốt. Em cũng cảm thấy là thầy cô cũng lo lắng cho mình và cho các bạn cũng giống như là cha mẹ ở nhà vậy. Có nhiều khi có những biến đổi trong bản thân mình mà thầy cô còn biết trước cả cha mẹ nữa. Đối với thời sinh viên em nghĩ mối quan hệ của thầy cô cũng khác đi chút xíu, mang tính chất mua bán kiến thức nhiều hơn. Tuy vậy, trong thời gian đi học đại học cũng có một vài thầy cô cũng quan tâm nhiều đến sinh viên hơn, cũng tận tình với sinh viên. Nhưng theo đánh giá của em mối quan hệ của sinh viên với thầy cô ở giảng đường đại học thì không sâu sắc như thời trung học.
Tuy vậy, trong thời gian đi học đại học cũng có một vài thầy cô cũng quan tâm nhiều đến sinh viên hơn, cũng tận tình với sinh viên. Nhưng theo đánh giá của em mối quan hệ của sinh viên với thầy cô ở giảng đường đại học thì không sâu sắc như thời trung học
Lê Trí
Thu Hoài: Em cũng đồng tình với ý kiến của bạn Trí. Thời còn là học sinh thì đúng là mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh cũng thân thiết và gần gũi hơn thời sinh viên. Thời học sinh phổ thông, thầy cô đối với học trò của mình như là những người bạn, chia sẻ tất cả mọi thứ trong cuộc sống từ những chuyện yêu đương như thế nào, tình cảm học trò ra sao, học hành bài vở, chuyện gia đình. Lên đến thời sinh viên em thấy có một chút gì đấy khoảng cách hơn giữa thầy cô và sinh viên. Mặc dù là nhiều thầy cô có độ tuổi cũng khá là gần với độ tuổi của sinh viên nhưng em thấy nó cũng có khoảng cách không được thân thiết như thầy cô của thời học sinh phổ thông.
Gia Bảo: Em cũng đồng tình với cách trả lời của hai bạn. Thật sự khi học đại học, sự quan tâm gần gũi của các giảng viên trường đại học thì không được như ở trường phổ thông. Đối với em, ngày xưa em được học với rất nhiều thầy cô, mỗi thầy cô có một phong cách và phương pháp dạy riêng. Nhưng mỗi người đều có cái chung đó là rất gần gũi, tận tụy và quan tâm đến học sinh của mình. Đó là điều em ấn tượng nhất về thầy cô.
Chân Như: Với cuộc sống hiện đại ngày nay theo các bạn nó tác động thế nào đến quan hệ thầy – trò?
Gia Bảo: Theo quan điểm của em, với sự phát triển quá nhanh của xã hội ngày nay cùng với sự phát triển công nghệ thông tin thì cũng có những mặt tốt và chưa tốt. Ví dụ như người học sinh thì có thể tiếp xúc được với giáo viên ở mọi lúc mọi nơi. Điều đó có mặt tốt vì học sinh có thể trao đổi và liên lạc với giáo viên về bài học cũng như bài tập qua mạng hoặc điện thoại. Từ đó, mình sẽ gần gũi với người giáo viên đó hơn; Và cũng từ đó người thầy sẽ dễ dàng hiểu được những tâm tư, tình cảm của học sinh nên dễ hướng các em vào những mục đích sống tốt và giải quyết những khó khăn trong cuộc sống hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi gần gũi quá cũng sẽ tạo nên những việc không tốt. Chẳng hạn, hình ảnh người thầy trong mắt của học sinh không được quá tôn trọng như trước nữa bởi vì xem những người thầy như bạn, cho nên không còn giữ được hình ảnh như xưa. Đó là quan điểm của em.
Thu Hoài: Mối quan hệ thầy trò hiện nay, em thấy cũng có tác động hai chiều. Mặt tốt em thấy thầy cô và học trò thời nay rất nhiều thầy cô cũng dùng mạng xã hội, cũng hòa vào thế giới học trò của mình thì sẽ hiểu hơn về những học trò của mình đang sống như thế nào có những suy nghĩ ra sao. Em thấy mặt đấy rất tốt. Tuy nhiên, bù lại cũng có rất nhiều mặt trái. Bây giờ em thấy một số những vấn đề trên báo chí cũng đưa là mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh có nhiều bất đồng. Điều này chắc một phần cũng do xã hội thay đổi.
Lê Trí: Theo em do cuộc sống hiện đại bây giờ mang tính thực dụng nhiều hơn, nên thời gian dành cho công việc nhiều, áp lực cuộc sống kể cả đối với thầy cô và học sinh sinh viên. Từ đó mối quan hệ cũng thay đổi ít nhiều không còn như lúc trước vì họ có nhiều mối quan tâm hơn, nên có vẻ mờ nhạt hơn. Đặc biệt, em thấy đối với những vùng đô thị, những vùng kinh tế phát triển, người ta tập trung vào phát triển những mối quan hệ mang mục đích để cho kinh tế của mình khá hơn; Không còn lưu giữ mối quan hệ cho nhận mà không tính toán của thầy cô và học trò trước đó nữa.
Em nghĩ là truyền thống tôn sư trọng đạo nó vẫn không hề mất đi mà ngày nay càng được trân trọng hơn. Ví dụ ngay như những cô giáo ở những miền núi chẳng hạn, các cô giáo ấy được các học sinh quý mến, thầy trò rất yêu mến nhau, chứ không hề có chuyện đánh đập
Thu Hoài
Truyền thống tôn sư trọng đạo
Chân Như: Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Đó là quan niệm từ xưa đến nay, và tình cảm thầy trò trước giờ vẫn được xem là tình cảm thiêng liêng. Tuy nhiên thời gian gần đây thì việc học trò cãi lại thầy cô trong lớp, hoặc thầy cô đánh học trò hay thầy trò đánh nhau. Theo các bạn thì truyền thống tôn sư trọng đạo ngày nay có còn giá trị như xưa hay không?.
Thu Hoài: Theo em, truyền thống tôn sư trọng đạo thời nào vẫn được lưu giữ như nhau chẳng qua ngày nay với công nghệ phát triển các bạn học sinh sinh viên đi học có điện thoại hoặc máy quay, các bạn ấy ghi lại những hình ảnh ấy và đưa lên các trang mạng xã hội thôi. Em nghĩ là truyền thống tôn sư trọng đạo nó vẫn không hề mất đi mà ngày nay càng được trân trọng hơn. Ví dụ ngay như những cô giáo ở những miền núi chẳng hạn, các cô giáo ấy được các học sinh quý mến, thầy trò rất yêu mến nhau, chứ không hề có chuyện đánh đập. Chỉ có vài trường hợp em nghĩ rất ít số nhỏ, con sâu làm rầu nồi canh thôi; Chỉ là xích mích gì đấy thì thầy trò có vấn đề đánh nhau như những trường hợp trên báo chí vừa rồi gần đây đưa.

Lê Trí: Nhận định của em cũng giống như bạn Hoài. Em nghĩ truyền thống thì không mai một đâu. Trước giờ mình cũng phải biết trân trọng và quý đối với những người đã dìu dắt mình, mình mới thành công. Tuy nhiên, hiện tượng tiêu cực trong giáo dục thì thật ra trong thời gian đi học, em cũng chứng kiến hiện tượng đó. Lúc đó kinh tế của mình cũng không có khá giả, không có điều kiện về công nghệ nên những cảnh đó không được biết đến. Và thường thì sẽ được giải quyết êm xuôi giữa giáo viên và phụ huynh của học sinh thôi. Vì vậy, theo em nghĩ, tinh thần tôn sư trọng đạo thì mình vẫn luôn lưu giữ tại vì đối với những người theo quan niệm của em là họ càng thành công thì họ càng biết ơn. Đặc biệt là những người đã dẫn dắt họ.
Gia Bảo: Em cũng đồng tình với ý kiến của hai bạn. Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn như vậy, không thay đổi. Do sự phát triển của xã hội ngày nay quá nhanh cùng với sự phát triển công nghệ thông tin nên khoảng cách giữa giáo viên và học sinh được rút ngắn lại một cách đáng kể. Từ đó sinh ra nhiều việc, như học sinh không còn tôn trọng hình ảnh người thầy được như ngày xưa nữa, thường hay có những thái độ như cãi lại giáo viên. Các giáo viên đôi khi cũng bị áp lực trong cuộc sống, cho nên đôi khi cũng nóng tính mà không kiềm được mình. Nhưng em nghĩ cũng chỉ là một số ít giáo viên và học sinh có biểu hiện như vậy thôi. Tóm lại, truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn như vậy; Không thay đổi, và ai cũng biết về điều đó.
Do sự phát triển của xã hội ngày nay quá nhanh cùng với sự phát triển công nghệ thông tin nên khoảng cách giữa giáo viên và học sinh được rút ngắn lại một cách đáng kể. Từ đó sinh ra nhiều việc, như học sinh không còn tôn trọng hình ảnh người thầy được như ngày xưa nữa
Gia Bảo
Chân Như: Dẫu thời thế có đổi thay, dẫu bao nhiêu điều không hay xảy ra trong ngành giáo dục thì người Việt chúng ta có lẽ sẽ chẳng ai quên rằng: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Vậy các bạn có lời gì muốn gởi gắm đến với các thầy cô của mình?.
Thu Hoài: Cũng lâu lắm rồi đối với những thầy cô của trường cấp ba của em ở trong miền Nam, thỉnh thoảng em cũng có liên lạc qua các mạng xã hội và điện thoại. Nhân ngày 20 tháng 11 em muốn gởi trước hết là lời cảm ơn tới thầy cô đã dìu dắt em từ một cô bé bỡ ngỡ từ đất Hà Nội vào trong miền Nam để giúp em có thể có những thành tích học tập như bây giờ, để em có thể bước chân vào cánh cổng đại học. Hơn nữa, em cũng chúc cho thầy cô luôn có sức khỏe, luôn tận tâm để có thể mang được những bến bờ trí thức cho các em học sinh khóa sau và cho cả các học sinh khác, những học sinh không học với thầy cô mà chỉ quen biết qua các mạng xã hội như em thấy đã trò chuyện với thầy cô. Còn đối với thầy cô ở trường đại học em cũng mong thầy cô có sự gần gũi hơn với sinh viên và chúc thầy cô luôn vui tươi khỏe mạnh, hòa đồng với sinh viên để có thể làm bạn với sinh viên. Em cũng gởi lời chúc tới tất cả các thầy cô giáo trên toàn đất nước Việt Nam một ngày 20 tháng 11 thật ý nghĩa.
Lê Trí: Đối với em, thầy cô là những nhân tố quan trọng nhất trong những năm đầu đời của cuộc sống. Thầy cô truyền đạt cho mình rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức để mình trưởng thành và có khả năng xử lý được nhiều vấn đề trong cuộc sống. Em rất cảm kích tất cả những thầy cô đã dạy em trong những thời gian qua. Em mong các thầy cô luôn có sức khỏe để có thể truyền đạt thêm kinh nghiệm cho các lớp đàn em phía sau. Nhân 20 tháng 11 này em cũng chúc các thầy cô giáo đã dạy mình luôn có sức khỏe dồi dào và được nhiều học trò yêu quý và nhớ đến hơn vì những tình cảm, trải nghiệm mà thầy cô đã truyền cho các bạn. Em xin chúc cho các thầy cô giáo ở VN có một ngày 20 tháng 11 thật vui và ngày càng yêu nghề hơn. Đặc biệt có nhiều học sinh thành công hơn.
Gia Bảo: Còn đối em, thầy cô như là người cha người mẹ thứ hai của em. Thông qua chương trình em muốn gởi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả những thầy cô đã từng dạy em ở những năm tiểu học, những năm trung học cơ sở, những năm trung học phổ thông và những năm đại học, lời cám ơn chân thành nhất. Xin chúc cho tất cả các thầy cô và tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục vui vẻ luôn có nhiều sức khỏe và luôn thành công trong công việc đưa tất cả những học sinh đến những bến bờ trí thức mới.
Cám ơn ba bạn Gia Bảo, Lê Trí và Thu Hoài đã dành thời gian đến với diễn đàn bạn trẻ kỳ này.
Các bạn có thể gởi email về cho Chân Như qua địa chỉ email: hoangc@rfa.org hoặc theo dõi Chân Như qua facebook tại facebook.com/Channhu.rfa