Đời sống công nhân Việt Nam

Café Wifi hôm nay mình sẽ nói về một đề tài đặc biệt – đó là đề tài về Đời sống công nhân.
Khánh An, phóng viên RFA
2011.06.07
Vietnam_worker_inflation_051008-305.jpg Nữ công nhân đang trên đường đến làm việc ở công xưởng ngoại thành Hà Nội.
Photo: AFP

Chính vì vậy Khánh An mời 4 bạn là 4 người từ nhiều tỉnh thành ở Việt Nam và các bạn cũng đang là công nhân. Trước khi bắt đầu chương trình này, Khánh An xin các bạn tự giới thiệu một chút xíu về bản thân mình.

Hoài: Mình là Nguyễn Thị Hoài ở Nghệ An, đang làm ở khu công nghiệp trong khu vực Sài Gòn - Bình Dương.

Hà: Em xin tự giới thiệu em là Hà, 21 tuổi, làm việc ở công ty điện tử ở thành phố Vinh.

Minh Lệ: Dạ, em tên là Minh Lệ, hiện đang ở Đồng Nai

Thượng: Mình tên là Thượng, mình nay 36 tuổi rồi, đang làm ở khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TP.HCM.

Khánh An: Vâng, cảm ơn tất cả các bạn. Để bắt đầu cho câu chuyện ngày hôm nay, Khánh An muốn hỏi là các bạn có thể chia sẻ cho Khánh An cũng như các bạn khác biết một ngày làm việc của bạn như thế nào hay không? Bây giờ thì ai muốn lên tiếng trước nè?

Hà: Em .

Khánh An: (Cười) Em là ai vậy? Là bạn nào đấy?

Hkg303435-200.jpg
Hai người phụ nữ ngọai thành bán vải lẻ trên đường phố Hà Nội. AFP PHOTO
Hai người phụ nữ ngọai thành bán vải lẻ trên đường phố Hà Nội. AFP PHOTO
Hà: Em là Hà.

Khánh An: Rồi, mời Hà. Một ngày làm việc của bạn bắt đầu như thế nào?

Hà: Từ 7 giờ 15 tận 4 giờ rưỡi chiều. Công việc cũng bình thường, mỗi ngày em nói chung là làm ăn theo sản phẩm. Nói chung công việc cũng nhàn nhưng mà lương cao hay thấp thì tùy vào khả năng của mình làm nhanh hay chậm thôi.

Khánh An: Sáng sớm bạn phải dậy lúc mấy giờ để đi làm?

Hà: Sáng sớm em dậy (nếu) trời mưa thì 6 giờ, còn trời này tầm 5 rưỡi.

Khánh Hà: Từ nhà bạn đi làm đến chỗ làm cách bao xa?

Hà: 10 cây ạ.

Khánh An: 10 cây số à? Bạn đi bằng phương tiện gì?

Hà: Em đi bằng xe máy.

Khánh An: Ồ! Vâng. Bạn có phải làm theo ca hay không?

Hà: Không ạ. Bọn em nhiều lúc hàng ở các nơi cần thì bọn em tăng ca đến 6 giờ, còn không thì bọn em về 4 rưỡi ạ.

Khánh An: Vâng. Rồi, cảm ơn Hà. Bây giờ Khánh An mời bạn khác. Mời Hoài ạ.

Hoài: Tính một ngày làm việc của công nhân thì hầu hết bạn nào cũng vất vả. Trước khi vào việc thì cũng phải chạy thời lượng, đúng không? tại vì làm cho các công ty liên doanh hoặc là tư nhân thì nó lại khác. Đi làm công nhân thì phải thấy là mệt mỏi lắm, nhưng mà tất cả cũng vì cuộc sống. Cũng như các bạn khác vậy đó, cứ nghĩ là mình làm sẽ có được đồng tiền, tức là có được cái no đủ cho mình nên mình cố gắng làm cho dù mệt mỏi. Còn cái vất vả thì không tính hết được, tại vì đã đi làm thuê thì rất chi là vất vả rồi. Còn phương tiện đi làm thì mỗi người có cái khác nhau, mình thì cứ sáng ra là tung tăng đi bộ (cười), đi bộ khoảng ba bốn cây số gì đó là đến công ty. Chiều tan ca thì có khi được về sớm, có khi phải tăng ca muộn đến tám chín giờ mới về.

Unemployment_labor_inflation_051008-200.jpg
Những thợ mộc bị thất nghiệp đang ngồi đợi bên vỉa hè Hà Nội để được thuê làm việc hàng ngày. Photo: AFP
Những thợ mộc bị thất nghiệp đang ngồi đợi bên vỉa hè Hà Nội để được thuê làm việc hàng ngày. Photo: AFP
Khánh An: Nếu tám chín giờ rồi bạn vẫn đi bộ về?

Hoài: Cũng phải đi bộ về, tại vì không phải riêng mình, bao nhiêu bạn khác cũng vậy mà. Nhiều bạn lắm.

Khánh An: Vâng.

Hoài: Đi cùng với các bạn đi về.

Khánh An: Vâng. Cảm ơn Hoài. Không biết là hai bạn còn lại có muốn chia sẻ một ngày làm việc của bạn hay không?

Thượng: Tất nhiên là có chứ. Bây giờ Thượng nói được chớ ạ?

Khánh An: Vâng. Xin mời anh Thượng ạ.

Thượng: Ca làm việc của mình đúng ca là bảy rưỡi, bắt đầu từ bảy rưỡi sáng cho đến 4 giờ chiều, nhưng mà tùy theo công việc, theo hàng của công ty. Nếu thời gian nào hàng nhiều thì tăng ca sớm một tiếng, tức là sáu rưỡi làm, rồi đến 5 giờ chiều hoặc 6 giờ tùy theo sức khỏe mình có khả năng thì mình đăng ký. Nếu làm bảy rưỡi thì thường ở nhà sáu rưỡi mình đi, đi trước một tiếng, tại vì giờ đó là giờ cao điểm, đường phố rất đông, mình phải nhắm đi trước một tiếng. Nếu tăng ca sơm một tiếng, sáu rưỡi làm, thì mình sáu giờ kém mười đi vẫn còn kịp vì giờ đó đường còn vắng. Từ nhà đến chỗ làm thì khoảng 11 cây số, công việc thì rất là nặng, vì làm cơ khí nên công việc rất là nặng.

Khánh An: Dạ vâng. Bây giờ thì chắc Khánh An phải mời bạn Lệ nhé? Không biết là bạn làm ở khu công nghiệp Đồng Nai thì công việc có vất vả lắm không?

Minh Lệ: Dạ, em thì cũng giống như các anh chị kia thôi, nhưng mà công việc của em buổi sáng bắt đầu từ bảy rưỡi cho tới bốn rưỡi chiều, nhưng em thì gần nhà thôi, từ đây mà em đi xe máy lên tới công ty là khoảng có 10 phút thôi, bảy giờ mười hay bảy giờ năm đi rồi. Còn công việc của em là làm nhân viên kiểm hàng, kiểm viên chất lượng đó chị. Nói chung, công nhân tụi em cũng vất vả nhưng em không làm theo ăn lương sản phẩm. Em chỉ khi nào có hàng thì làm thôi. Chiều nếu em tăng ca khoảng 1 tiếng cho đến 1,5 tiếng, tới khoảng 6 giờ chiều là kết thúc, rồi đi về thôi. Nhà thì có bố mẹ lo hết rồi, em chẳng phải lo gì hết nữa.   

Chất lượng bữa ăn

Khánh An: Ừ. Vâng, trong những điều mà các bạn chia sẻ thì có lẽ Lệ là người có hoàn cảnh may mắn hơn phải không, được bố mẹ lo lắng mọi chuyện ở nhà cho mình đi làm. Nhưng qua các chia sẻ của các bạn thì Khánh An muốn hỏi các bạn là đã vất vả về mặt công việc rồi thì không biết những chế độ khác mà công ty đối với các bạn thì như thế nào, chẳng hạn như là chuyện ăn uống.

Tại  vì Khánh An theo dõi nhiều tin tức nói về những chuyện như thực phẩm làm ngộ độc ở các khu công nghiệp và rất nhiều công nhân phải nhập viện, chẳng hạn như gần đây có 40 công nhân ngộ độc ở Bình Dương, hoặc ở Thanh Hóa có tới 200 công nhân phải nhập viện, Khánh An muốn hỏi các bạn là việc ăn uống của các bạn khi các bạn đi làm như thế nào?

Công ty lo hay các bạn tự lo?

Hoài: Thức ăn hay là ngộ độc gì đó thì đối với công ty là không có công ty nào là không sai sót. Suất ăn của công nhân hiện nay là có công ty nào làm ăn lớn thì có 8.000 – 9.000 đồng, còn công ty như công ty bình thường thì chỉ có 6.000 – 7.000 đồng thôi. Vì vậy với số tiền đó hiện nay thì không thể nói là thức ăn người ta làm cho mình ăn cho đúng với tiêu chuẩn của mình được, đúng không?

Khánh An: Vâng.

Hoài: Vì vậy nên đôi lúc mệt mỏi nhìn đồ ăn cũng thấy ngán lắm, nhưng mà cũng phải ăn để mà làm chứ, biết làm sao! Hoài cũng như các bạn thôi, làm vất vả cũng đành phải ăn thôi vì bao nhiêu người ăn được thì mình cũng ăn được. Cũng có công nhân lên án công ty hay đình công gì đó thì nó cũng thêm cho mình được tí xíu để giảm bớt tiếng đồn không hay.

Ngộ độc thì nhiều lắm. Thí dụ như Khánh An nghe 40 công nhân ở Bình Dương bị ngộ độc thức ăn, nhưng mà đó là Khánh An chỉ nghe được một phần con số lẻ thôi, còn những chuyện mà công ty bị ngộ độc thức ăn thì nhiều lắm.

Đối với bọn Hoài đi từ Nghệ An vào Sài Gòn làm, cách nhà mấy ngàn cây số thì vào ở trọ, tiền phòng trọ nó cũng kinh doanh nó lên nhiều, rồi cũng phải ăn, rồi cũng phải làm, cũng phải tăng ca nhiều để cho đủ chứ bây giờ sống xa quê hương nếu mà mình bỏ việc một ngày hay là mình bỏ ăn một ngày thì lấy tiền đâu bù đắp vào, đúng không?

An toàn thực phẩm

Khánh An: Các bạn khác có gặp tình trạng bị ngộ độc hay là thức ăn giống như Hoài nói là nhiều khi nhìn rất là ngán ngẩm nhưng mà cũng phải ăn không?

000_Hkg4285787-250.jpg
Một quán ăn ở vỉa hè Hà Nội phục vụ cho đối tượng công nhân các xí nghiệp. AFP photo
Một quán ăn ở vỉa hè Hà Nội phục vụ cho đối tượng công nhân các xí nghiệp. AFP photo
Thượng: Ờ, tại vì khẩu phần ăn trong công ty thì cũng tùy theo công ty, có những công ty người ta nấu trong công ty, có công ty người ta đặt ở bên ngoài đem vô từng bữa một. Bình thường nếu mà nấu trong công ty thì theo Thượng nghĩ là đương nhiên an toàn hơn là đặt bên ngoài vì ở ngoài đương nhiên cũng có những công ty nấu ăn riêng để chở khẩu phần ăn tới từng công ty khác, theo Thượng nghĩ thường thường cái đó hình như không bảo đảm an toàn bằng trong công ty nấu vì ở đó người ta nấu rất là nhiều, số lượng rất là nhiều.

Còn nếu là công ty của Thượng nấu tại công ty thì từ đó tới giờ chưa có trường hợp nào ngộ độc thức ăn. Nhưng mà tình trạng thức ăn, ăn để mà đủ thì cũng chỉ vừa đủ thôi đối với một số người làm công đoạn hay công việc nhẹ, nhưng đối với những công đoạn làm việc nặng nhọc như bên của Thượng thì ăn không đủ.

Mà có ý kiến lên thì người ta cũng không giải quyết ngay được, mà có giải quyết thì cũng phải giải quyết cho toàn công ty. Còn ngộ độc thức ăn bên công ty của Thượng thì từ đó tới giờ chưa có. Ăn thì vừa đủ thôi chớ không có khi nào được ăn thoải mái. Đó là như vậy.

Khánh An: Dạ, cảm ơn anh Thượng. Còn bạn Hà thì sao?

Hà: Ở công ty bọn em thì mỗi buổi trưa giám đốc cho 15 nghìn trên một người cho một phần ăn. Ở công ty thì thường thường buổi trưa tầm 11 giờ 20 bọn em được đi ăn cơm. Muốn ăn bao nhiêu thì ăn, nói chung là ăn đến không thể ăn nổi nữa. Thức ăn nói chung là hôm nào cũng có cá, có thịt.

Khánh An: Vâng, cảm ơn Hà. Còn bạn Lệ ở Đồng Nai thì bạn có được ăn uống tốt không?

Lệ: Dạ, trong khẩu phần của em thì công ty mà em đang làm đó tại trước đây đã từng có ngộ độc thức ăn rồi mà không hiểu là lý do là vì gạo hay vì nước, nhưng mà cuối cùng em cũng không biết. Khi công nhân ăn xong thì cơm có mùi hôi, đến khi công nhân ăn xong thì người ta đau bụng phải đi cấp cứu. Nói chung thì em cũng không rõ lắm vấn đề này.

Nhưng mà từ đó thì người ta có vẻ thay đổi hơn, đồ ăn thì gạo cũng ngon nhưng mà em cũng chẳng biết sao lúc thì thấy nấu cơm cũng được, lúc thì thấy cơm khô quá, hôm thì nhão quá, còn đồ ăn nói chung thì em thấy rất là dở, chẳng có gì gọi là ngon hết.
Một tuần công ty cho ăn ngon một ngày thứ bảy, một tháng chỉ được một ngày ăn thịt gà chiên thôi, chớ còn ngoài ra thì hôm nào cũng thịt heo, viên chiên làm đủ thứ nhưng mà em thấy ăn rất là dở. Không có gì gọi là ngon hết. Đi làm vô công ty mình phải ăn chứ thật sự không muốn ăn nhưng mà cũng phải ăn, không ăn thì chắc không làm việc nổi.

Khánh An: Quý vị và các bạn vừa nghe các bạn công nhân ở một số tỉnh thành của Việt Nam chia sẻ một phần về công việc và tình trạng suất ăn thiếu chất lượng của một số khu công nghiệp, khu chế xuất.

Khánh An mời quý vị tiếp tục đón nghe các bạn công nhân nói về vấn đề an toàn lao động trong chương trình Café Wifi vào tối thứ Hai tuần sau. Mọi thư từ liên lạc và tham gia vào chương trình, xin gửi vào email khanhan@rfa.org hoặc wificoffee.rfa@gmail.com. Khánh An xin thân ái kính chào quý vị.  

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.