Một đơn vị sản xuất xả thải trực tiếp ra sông gây ô nhiễm môi trường suốt mấy năm qua tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 11 vừa qua bị buộc ngưng hoạt động trong nửa năm để khắc phục hệ thống xử lý theo đúng qui định. Đó là Công ty thuộc da Hào Dương tại khu công nghiệp Hiệp Phước.
Tuy nhiên biện pháp ấy có thực sự phản ánh quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc triệt để loại trừ dạng tác nhân gây ô nhiễm công nghiệp như thế hay không?
Xả thải gây hại
Chuyện Công ty thuộc da Hào Dương gây ô nhiễm môi trường cũng không khác mấy với những trường hợp gây xôn xao dư luận tại Việt Nam trong những năm qua như Vedan, Sonadezi, . Đó là công ty qua mặt cơ quan chức năng kiểm soát môi trường xả những chất thải độc hại trực tiếp ra sông khiến cho nguồn thủy sản bị tiêu diệt và môi trường nước ô nhiễm trầm trọng gây hậu quả lớn cho người dân sinh sống quanh nhà máy.
Nhà máy Công ty Thuộc da Hào Dương nằm cách thành phố Hồ Chí Minh chừng 25 kilomet về phía nam. Để thuộc da, nhà máy sử dụng chất chromium. Theo các chuyên gia, chất này nếu lẫn vào nước uống và thẩm thấu vào các nông phẩm khi con người uống phải hay sử dụng có thể bị loét bao tử, hư gan thận.
Giáo sư Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường thuộc Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nói về những tác hại của các hóa chất sử dụng trong công nghệ thuộc da như sau:
Chrom và các hợp chất của nó rất độc hại vì nó là loại diệt sinh vật. Nếu sử dụng cho cây cối chỉ ở mức vi lượng thôi – một vài milligram trên một kilogram đất thì có thể chấp nhận được; nhưng nếu tập trung ở nồng độ cao thì gây độc cho đất, nước. Nó hòa vào nước rồi thông qua không khí vào mũi con người gây ra ung thư, viêm phổi; còn tích tụ trong mỡ đến thời kỳ sẽ gây ra bệnh ung thư. Nói chung đó là những hóa chất độc hại; không những chrom và hợp chất của nó mà những hợp chất khác dùng trong thuộc da đều rất độc. Độc của mùi từ nó cũng gây hư hại thần kinh khứu giác.
Chrom và các hợp chất của nó rất độc hại vì nó là loại diệt sinh vật...Nó hòa vào nước rồi thông qua không khí vào mũi con người gây ra ung thư, viêm phổi; còn tích tụ trong mỡ đến thời kỳ sẽ gây ra bệnh ung thư
Giáo sư Lê Huy Bá
Tóm lại những hóa chất mà họ thải ra đã độc như vậy mà không được xử lý: nguy hiểm lắm.
Tờ Tuổi Trẻ cho biết những chất thải dùng cho công nghệ thuộc da của nhà máy được xả trực tiếp vào sông Đông Điền và rồi nước sông này đổ vào dòng chính sông Đồng Nai.

Tuy nhiên như các trường hợp xả thải những chất độc hại thẳng ra môi trường của các đơn vị sản xuất khác tại Việt Nam như Vedan, Sonadezi, … chưa hề có những đánh giá chính thức nào về những tác động gây hại của những loại hóa chất xả thẳng vào nguồn nước và môi trường như thế. Trong khi đó dân chúng trong vùng chịu tác động nêu rõ những thiệt hại mà họ phải gánh chịu từ chuyện cây trồng, tôm cá chết và những loại bệnh tật mà họ phải gánh chịu từ ngoài da cho đến ung thư…
Tở Tuổi Trẻ số ra ngày 30 tháng 10 vừa qua trích dẫn phát biểu của một người dân tại khu vực sông Đông Điền nói rõ là kể từ khi nhà máy Hào Dương đi vào hoạt động từ năm 2003 nguồn thủy sản mà gia đình bà này đánh bắt trên sông giảm hẳn đi một nửa. Trước kia, mỗi ngày gia đình bà đánh được từ 10 đến 15 kilogram.
Biện pháp của cơ quan chức năng
Trong sáu năm trời, Công ty Hào Dương từng bị phạt đến cả chục lần thế nhưng rồi đơn vị vẫn ung dung sản xuất mặc cho những tác động nguy hại mà người dân sống quanh nhà máy phải hứng chịu. Lần bị bắt gần nhất khi nhà máy xả thải trực tiếp ra sông là vào hồi trung tuần tháng 10 vừa qua. Thông tin cho biết vào ngày 14 tháng 10, lực lượng phối hợp giữa cảnh sát môi trường cấp bộ và thành phố tiến hành một vụ đột kích vào nhà máy sản xuất của công ty Hào Dương. Lực lượng này bắt quả tang ba công nhân đang bơm nước thải trực tiếp ra sông Đông Điền. Điều tra của cảnh sát môi trường kết luận rằng cứ ba lần mỗi tuần vào ban đêm nhà máy thuộc da Hào Dương cho xả nước thải ra sông để tránh bị phát hiện.
Theo tờ Tuổi Trẻ thì trong chục lần bị phạt đối với công ty Hào Dương, lần có mức phạt cao nhất là 340 triệu đồng hồi tháng 8 năm 2012. Tuy nhiên theo các chuyên gia nước ngoài thì nhiều công ty vẫn thấy nộp phạt rẻ hơn là phải bỏ chi phí đầu tư và vận hành hệ thống xử lý xả thải theo đúng qui định.
Khi đi kiểm tra phải báo trước có cán bộ xóm, phường đi theo; chưa kiểm tra người ta biết rồi thì còn kiểm tra gì nữa. Thanh tra môi trường của Sở bị vô hiệu hóa hết...cả trăm vụ chỉ bắt được một hai vụ
GS Lê Huy Bá
Giáo sư Lê Huy Bá nói về điều này:
Nếu đầu tư ‘đằng thẳng’ phải chiếm đến từ 25 -30% vốn đầu tư toàn bộ. Nếu họ không làm thì lời khoản đó. Tại những nước văn minh trên thế giới như Mỹ người ta làm rất kỹ. Họ phạt khiến phải sợ. Ở Việt Nam khi đi kiểm tra phải báo trước có cán bộ xóm, phường… đi theo; chưa kiểm tra người ta biết rồi thì còn kiểm tra gì nữa. Thanh tra môi trường của Sở bị vô hiệu hóa hết, chỉ có công an môi trường may ra làm được; thế nhưng cả trăm vụ chỉ bắt được một hai vụ.

Hồi tháng 8 năm ngoái, Ban Quản lý các Khu chế xuất & Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh- HEPZA, đưa ra kêu gọi đóng cửa nhà máy của công ty thuộc da Hào Dương vì cứ liên tiếp vi phạm luật bảo vệ môi trường. Theo HEPZA thì mức xả thải của công ty này cao gấp hơn 22 lần cho phép. Ngoài ra khí thải của nhà máy cũng quá cao.
Tuy vậy giữa các cơ quan phụ trách về môi trường của thành phố Hồ Chí Minh cũng không có thống nhất về đánh giá xả thải của công ty Hào Dương. HEPZA thì công bố mức độ như vừa nêu, trong khi đó Sở Tài Nguyên Môi trường thành phố thì lại cho rằng nhà máy này đã không còn xả thải gây ô nhiễm môi trường sau thời điểm tháng 9 năm 2010, nguồn nước thải của công ty được đưa vào hệ thống xử lý tập trung tại khu công nghiệp Hiệp Phước.
Mãi cho đến trung tuần tháng 11 vừa qua, các cơ quan chức năng tại thành phố Hồ Chí Minh thống nhất được với nhau về biện pháp xử lý công ty Hào Dương vi phạm luật gây ô nhiễm môi trường.
Biện pháp mới nhất được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra là buộc nhà máy phải ngưng sản xuất trong vòng sáu tháng để thực hiện công tác được gọi là khắc phục hệ thống xử lý nước thải, chất thải của nhà máy cho phù hợp với những tiêu chuẩn yêu cầu.
Nhận xét về biện pháp xử phạt của thành phố Hồ Chí Minh đối với công ty thuộc da Hào Dương, giáo sư Lê Huy Bá có ý kiến:
Tôi cho rằng cách giải quyết của thành phố, lãnh đạo thành phố đối với công ty này là mềm quá. Theo người Việt Nam nói ‘quá tam ba bận’, mà đây vi phạt đến 10 lần có tang chứng, vật chứng mà vẫn hoạt động không dám đóng cửa. Thế thì hy vọng gì ở những nhà đầu tư coi thường tính mạng, cuộc sống của người dân mà chỉ vị lợi của họ. Tôi cho rằng biện pháp của thành phố như thế có thể nói là nhút nhát cũng được!
Tôi cho rằng cách giải quyết của thành phố, lãnh đạo thành phố đối với công ty này là mềm quá. Theo người Việt Nam nói 'quá tam ba bận', mà đây vi phạt đến 10 lần có tang chứng, vật chứng mà vẫn hoạt động không dám đóng cửa.
GS Lê Huy Bá
Hệ thống xử lý hiện hành
Trung tâm Quản Trị Môi trường Quốc tế, ICEM- một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hà Nội hồi năm ngoái đưa ra báo cáo nói rằng hệ thống kiểm soát ô nhiễm hiện nay của Việt nam không đáp ứng được qui mô tình trạng gây hại môi trường tại Việt Nam hiện nay.
ICEM liệt kê ra hằng chục yếu tố dẫn đến tình trạng vừa nói; đơn cử như trình độ hạn chế, công nghệ kém, nguồn năng lực thiếu thốn, tài chính không đủ và những qui định chồng chéo nhau… ICEM đưa ra giải pháp đề nghị gói tài trợ cho các công ty lắp đặt hệ thống trang thiết bị xử lý chất thải.
Tờ Tuổi Trẻ đăng tranh biếm họa của họa sĩ Sa Tế với ảnh hai cảnh sát môi trường đứng cạnh nhà máy Hào Dương đang cười tươi với hằng chục quyết định phạt nằm trên những ống xả thải vào dòng sông.
Giáo sư Lê Huy Bá đưa ra nhận định về lý do khiến cho tình trạng vi phạm trong lĩnh vực môi trường tại Việt Nam vẫn tiếp diễn mà việc phát hiện theo ông này chỉ mới chưa được 10% các vụ vi phạm:
Tình trạng như vậy không được cải thiện trước hết phải qui trách nhiệm cho những người quản lý, hệ thống quản lý không được chặt chẽ, luật pháp không nghiêm minh, thực thi luật pháp không được nghiêm minh và xử phạt không đủ mức để răn đe. Thứ nữa pháp luật của Việt nam chỉ phạt cơ quan mà không phạt bỏ tù người đứng đầu được, chỉ phạt tiền thôi, không giải quyết vấn đề hình sự được. Nên người ta làm cùng lắm chỉ bồi thường về mặt tiền bạc, kinh tế thôi chứ không có tính răn đe để cho đối tượng cầm đầu, người đứng đầu phải chịu tù. Từ trước đến nay chưa bỏ tù ai được về gây ô nhiễm môi trường cả.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn các bạn trong chương trình kỳ tới.