Chôn thuốc trừ sâu, hại sức khoẻ công chúng

0:00 / 0:00

Vụ tai tiếng Công ty Nicotex Thanh Thái tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa chôn các thùng phuy thuốc trừ sâu cả chục năm qua đến nay mới bị người dân trong vùng phản ứng mạnh lại làm dấy lên quan ngại về tình trạng các doanh nghiệp bỏ qua công tác xử lý chất thải độc hại, trong khi đó cơ quan chức năng theo dõi tình trạng này hoạt động lơ là, thiếu hiệu quả.

Thực trạng phát hiện sau cả chục năm

Một số báo trong nước như Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên và cộng đồng cư dân mạng hiện nay đang xôn xao và liên tục cập nhật thông tin về việc Công ty Cổ Phần Nicotex Thanh Thái cho chôn hơn 20 phuy hóa chất có dung tích 220 lít, tương đương chừng 10 tấn thuốc sâu trong khuôn viên của công ty này.

Thông tin cho biết Công ty Cổ Phần Nicotex Thanh Thái được Sở Kế Hoạch- Đầu Tư tỉnh Thanh Hóa cấp phép hoạt động từ năm 1998 với ngành nghề là sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật.

Hoạt động sản xuất của công ty này tại địa phương bị người dân trong vùng từ khi bắt đầu hồi năm 1998 phản ánh về những tác động gây hại đến môi trường sống của họ. Các cơ quan chức năng cũng có tiến hành kiểm tra, xử phạt hành chính và cho phép công ty tiếp tục hoạt động.

Một người từng làm bảo vệ tại công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái trong thời gian từ năm 2001 đến năm 2003 được báo Lao Động trích dẫn cho biết bản thân ông này lúc đó chứng kiến một xe IFA chở những phuy chứa chừng 5 tấn hóa chất về và sau đó được chôn ngay trong khuôn viên của công ty. Cách thức chôn được người chứng kiến thuật lại là hố đào có láng một lớp mỏng xi măng bên dưới, thưng gạch bốn bên một cách hời hợt, sau đó chôn các phuy xuống. Trên mặt hố đổ một lớp bê tông dày chừng 50 centimet. Ở đáy hố chôn và trên nắp phuy còn rải thêm vôi bột.

Tờ Lao Động cho biết, ông Nguyễn Đức Việt, giám đốc Công ty CP Nicotex giai đoạn ban đầu cho đến năm 2005, trong cuộc làm việc với đoàn kiểm tra của Công an tỉnh Thanh Hóa hồi ngày 28 tháng 8 vừa qua, nói rằng thời ông chỉ cho chôn 380 kilogram hóa chất mà thôi. Và ông này thừa nhận loại hóa chất được chôn đó là cực độc; không thể đào lên được vì làm thế sẽ nguy hại đến sức khỏe có thể làm chết người.

Chính người bảo vệ cho Công ty Cổ Phần Nicotex Thanh Thái hồi năm 2001 đến năm 2003 vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua lên tiếng tố cáo sự việc với công an tỉnh Thanh Hóa. Ông này yêu cầu không được làm thay đổi hiện trạng ở Công ty Cổ Phần Nicotex Thanh Thái để tiến hành điều tra.

Cũng theo tờ Lao Động vào ngày 29 tháng 8 vừa qua, đoàn kiểm tra của Công an Thanh Hóa ra thông báo về hoạt động chấp hành qui định pháp luật của Công ty CP Nicotex như sau:”Chất thải nguy hại bao gồm thùng chứa hóa chất, chai lọ hư hỏng, hóa chất, nguyên liệu không sử dụng được, bao bì dính thuốc bảo vệ thực vật, giẻ lau dính hóa chất được công ty thu gom, lưu giữ tại kho, định kỳ hợp đồng với công ty TNHH Nghiên cứu ứng dụng hóa nông dược Nicotex vận chuyển, xử lý”. Trong khi đó Sở Tài Nguyên- Môi trường Thanh Hóa thì nêu lại báo cáo của Công ty CP Nicotex Thanh Thái cho hay hiện một lượng thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng từ năm 2000 đến nay vẫn đang lưu giữ tại công ty.

Sở Tài Nguyên- Môi trường tỉnh Thanh Hóa khi được phóng viên tờ Lao Động hỏi lâu nay họ có biết gì về những tố cáo của người dân hay không thì câu trả lời đều là rất ngạc nhiên khi thấy dân chúng đào lên những thùng thuốc trừ sâu bị chôn dưới đất công ty như thế.

<i>Miền bắc để lại bao nhiêu kho thuốc trừ sâu từ hồi thời kỳ hợp tác xã, những vùng đó đều bị ung thư cả. -TS Lê Bá Thừa</i>

Dân chúng địa phương khi được hỏi cho biết lâu nay họ phải chịu đựng tình trạng ngửi mùi hôi của thuốc trừ sâu. Nhiều người chết vì ung thư và cá nuôi không phát triển…

Mức độ độc hại của hóa chất trừ sâu

Một nhà chuyên môn từng hoạt động trong lĩnh vực hóa nông dược, giáo sư Trần Mạnh Trí từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết một số thông tin liên quan việc sản xuất thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật tại Việt Nam, mức độ độc hại của những loại hóa chất như thế, cũng như những qui định nghiêm nhặt trong xử lý bảo vệ môi trường đối với hoạt động này như sau:

Nói chung để chế ra những thứ đó ( thuốc trừ sâu) bây giờ phải dùng những nguyên liệu nhập, nhập về rồi pha chế thôi chứ tổng hợp tại Việt Nam chưa có, chưa có nhà máy. Những loại chất độc nhập thì nhiều lắm, tùy chủng loại. Các chất đó là những hợp chất độc hại- những chất hữu cơ chứa những nguyên tố độc hại. Mức độ bị hạn chế, nếu nhiều quá không được phép. Nồng độ được cho phép sử dụng trong giới hạn nào chứ không thể sử dụng tràn lan được.

Việc xử lý rất nghiêm nhặt, chôn như thế là không có trách nhiệm. Làm như thế và bị dư luận phản đối là đúng rồi. Cách để xử lý gồm nhiều biện pháp lắm, khó nói trong một hai điều; thế nhưng chôn là không được, không được phép chôn; mà phải làm phân hủy hết tác dụng độc hại chứ không được chôn. Chôn không bao giờ làm giảm tác dụng độc hại hết mà chỉ tồn tại trong môi trường đất và trước sau gì cũng lan truyền ô nhiễm đó ra, nên cấm không được chôn.

Cách làm phân hủy phải có công nghệ phức tạp lắm mà ở Việt Nam chưa có. Hiện nay chỉ có cách đốt ở nhiệt độ cao, chứ đốt ở nhiệt độ bình thường 600-700 độ C còn độc hại hơn vì tạo ra dioxin phát tán ra môi trường. Phải nung cao ở trong lò thiêu 1000,1200 độ C mới có thể hủy hết được. Vì khó nên người ta thường thoái thác, trốn tránh.Xử lý ‘cái này’ công nghệ phức tạp lắm, đòi hỏi tiền bạc. Giờ phải cô lập lại không được chôn, chờ đến khi nào có điều kiện để phân hủy hoàn toàn chứ không có cách nào khác.

Phản ứng của cơ quan chức năng

Sau khi truyền thông trong nước vào cuộc lên tiếng về tố cáo của người dân địa phương cho thấy Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu dưới lòng đất gây ô nhiễm suốt cả chục năm qua, cho đến nay các cơ quan chức năng đều cho biết phải chờ đến khi có kết quả điều tra chính thức.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục Trưởng Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn cho biết:

Hiện nay trong đó ủy ban nhân dân tỉnh đang chỉ đạo Cảnh sát Môi trường, Sở Tài Nguyên- Môi trường tạm dừng hoạt động của công ty đó và điều tra cụ thể tình hình như thế nào. Trên cơ sở những kết quả điều tra đó mới có giải pháp xử lý cụ thể. Về xử lý các vi phạm đang trong giai đoạn xác minh, làm rõ các nguyên nhân và vi phạm của đơn vị này, nên chưa thể có ý kiến gì được cả. Chúng tôi đang chờ.

Theo Luật Hóa chất và Luật Bảo vệ Môi trường thì các đơn vị hành nghề gia công tham gia đóng gói, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải có đánh giá tác động môi trường được sở tài nguyên môi trường của từng địa phương phê duyệt và phải cam kết thực hiện đúng việc bảo vệ môi trường. Định ký có các đoàn kiểm tra của địa phương để đánh giá mức độ thực hiện điều đó. Vấn đề ấy hiện nay trong Thanh Hóa đang điều tra làm rõ, xác minh; kết quả thế nào chưa công bố trên các cơ quan quản lý nhà nước nên chúng tôi chưa thể phát ngôn gì. Có thể các doanh nghiệp có những che giấu như thế nào, có thể các cơ quan chức năng chưa làm đúng theo các yêu cầu, vấn đề đang điều tra để làm rõ các nguyên nhân về vụ việc này.

Ở cấp địa phương, chánh văn phòng huyện Cẩm Thủy, ông Phạm Quốc Bảo cũng có cùng ý kiến:

Bây giờ các cơ quan chức năng và cảnh sát môi trường đang điều tra làm rõ, phải đợi kết quả mới có thông tin, chứ bây giờ chưa có thông tin gì. Các ngành chức năng đang niêm phong chỗ đó để tiến hành điều tra. Bà con cũng mong muốm làm rõ và có kết luận cho người ta thôi.

Trong khi đó tin cho hay công an địa phương có những hành vi làm người dân nghi ngờ tiếp tay với Công ty CP Nicotex Thanh Thái nhằm phi tang vật chứng là những thùng hóa chất được chôn trong công ty này lâu nay. Ngoài ra, phía công an điều tra lại làm việc với những người tố cáo khiến họ thấy bất bình; trong khi lẽ ra phải làm việc với phía công ty đang vi phạm qui định bảo vệ môi trường, xem thường luật pháp và mạng sống của dân chúng địa phương như thế.

Suốt cả chục ngày qua, dân chúng tại các xã Cẩm Tâm, Cẩm Vân huyện Cẩm Thủy và Yên Lâm, huyện Yên Định phải đến khu vực nhà máy dựng lều bạt không cho xe của công ty vào để phi tang những thùng hóa chất độc hại bị đào lên gần đây để chứng minh cho tố cáo mà dân chúng địa phương nêu ra lâu nay.

Chuyện hóa chất để pha chế thành thuốc bảo vệ thực vật không được xử lý đúng cách không phải đến lúc này mới bị phát hiện mà theo tiến sĩ Lê Bá Thừa thì từng diễn ra lâu nay:

Miền bắc để lại bao nhiêu kho thuốc trừ sâu từ hồi thời kỳ hợp tác xã, những vùng đó đều bị ung thư cả.

Gia Minh chào tạm biệt