Nắng hạn miền Trung
2015.08.28
Miền Trung mưa chan và nắng cháy, miền Trung, gần biển mà cũng gần núi, cái eo thon xứ nghèo chưa kịp tránh những trận nóng như đổ lửa từ bên kia dãy Trường Sơn bởi gió Lào thì liền sau đó, những trận bão từ đại dương lại tiến vào bờ hoành hành. Có thể nói rằng trên đất nước này, không nơi nào khắc nghiệt và nhiều tai ương như đất miền Trung. Và suốt ba tháng dài nắng hạn, đất đai, sông ngòi miền Trung gần như kiệt quệ, mùa màng tổn thất nặng nề. Đặc biệt, hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là tổn thất nặng nề nhất.
Đời sống chật vật và đói…
Một nông dân tên Đức ở huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận, chia sẻ: “Trong hai năm nay Ninh Thuận và Bình Thuận thiếu nước liên tục. Người ta phải thay đổi giống cây để thích nghi nhưng cũng không trụ nổi. Người ta bỏ ruộng, nuôi cừu, nuôi dê nhưng cũng không trụ nổi. Phải thuê một điểm nào đó ở các bờ sông để hai loại này tồn tại. Người ta phải trông mong trời mưa, trông mong một vụ mùa nào đó để phất lên… Nhưng thực tế thì mưa chưa về, dê và cừu chết rất nhiều. Mọi thứ rất khó khăn!”.
Theo ông Đức, nắng hạn ở Ninh Thuận kéo dài liên tục suốt ba tháng nay, hầu như chưa có một trận mưa nào đáng kể, đủ để lượng nước ở các con sông trở lại bình thường. Hầu hết các con sông ở đây đã khô cạn, chỉ còn mỗi con sông đi qua thành phố Phan Thiết là còn ít ỏi nước. Các đường mương thủy lợi và những con sông nhỏ đã trơ đáy suốt hai tháng nay.
Và đương nhiên, khi các con sông bị trơ đáy thì nguồn nước sinh hoạt, nước tưới tiêu cho ruộng đồng cũng bị cạn kiệt, khô khốc. Chính vì vậy, suốt hai tháng nay, nguồn nước đưa vào các cánh đồng ở Bình Thuận và Ninh Thuận hoàn toàn bị tắt, các ruộng lúa ở đây bị bỏ hoang. Chỉ còn các ruộng nho do chủ vườn dùng nước máy hoặc tự đào giếng, tìm mọi cách để cứu nên mới tồn tại được qua mùa nắng hạn.
Người ta phải trông mong trời mưa, trông mong một vụ mùa nào đó để phất lên… Nhưng thực tế thì mưa chưa về, dê và cừu chết rất nhiều. Mọi thứ rất khó khăn!.
- Nông dân tên Đức
Để giữ được các vườn nho tồn tại quá cái nắng khô khốc, hầu hết các chủ vườn đều bị phạt tiền điện theo lũy tiến mỗi tháng, có khi phải đóng gấp 400% hoặc 500% so với sử dụng bình thường. Ba tháng hạn kéo qua đây, chỉ riêng gia đình ông Đức đã tốn gần một trăm triệu đồng tiền điện cho việc tưới tiêu, sinh hoạt. Đây là con số quá khủng khiếp cho một gia đình nông dân. Nhưng nếu không chấp nhận tiền phạt đóng điện mỗi tháng thì vườn nho, vườn táo sẽ chết khô, phương tiện sinh sống trong gia đình hoàn toàn tắt nghẽn. Chính vì vậy, ông phải gồng lưng để chịu đựng mọi chuyện.
Cũng theo ông Đức, nguy cơ đói kém của các gia đình nông dân nghèo, chuyên làm ruộng và cày thuê cuốc muớn sẽ rất cao. Bởi năm nay, giá lúa thấp, không có gì đột biến, trong khi đó mùa màng thất thu trên toàn miền Trung bởi nắng hạn. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả là hàng triệu gia đình nông dân miền Trung sẽ lúng túng từ chuyện đi chợ, mua sắm mớ rau, mớ cá cho đến ký gạo. Bởi mua gạo không phải là thói quen của người nhà nông, đặc biệt là khi trong nhà không còn thứ gì để bán, để xoay sở.
Trong khi đó, nắng hạn cũng làm cho nhiều trẻ em bị bệnh, người và gia súc cảm thấy ngột ngạt, khó thở, dịch bệnh kéo đến. Chuyện heo gà, trâu bò bị chết bởi dịch bệnh đã xảy ra trong gần một tháng nay. Nguồn nước sinh hoạt trở nên khan hiếm vô cùng, nhiều gia đình suốt cả tuần mới dám tắm một lần bởi nguồn nước quá khan hiếm, giá tiền mỗi mét khối nước lên đến ba mươi ngàn đồng, có khi lên đến một trăm ngàn đồng vì quãng đường vận chuyển từ sông chính đến nơi cần nước lên đến cả gần trăm cây số, đường nắng nóng và bụi bặm.
Đặc biệt, theo ông Đức, những gia đình không có nước để sinh hoạt này đều là những gia đình khá nghèo và rất nghèo, nhà của họ chỉ lợp vài tấm tôn tạm bợ, thấp lè tè, không có cây cối chung quanh và quanh năm chỉ chờ vào vụ thu hoạch lúa để duy trì đời sống. Trong trường hợp nắng hạn và mất mùa như mùa hè năm nay, không hiểu những người dân ở đây sẽ sống ra sao và tuơng lai con cái của họ sẽ ra sao. Bởi vì với người nghèo, chỉ cần mất mùa một năm thì xem như họ phá sản.
Những cánh đồng chết và giấc mơ thảo nguyên
Một người nông dân khác tên Huyền, ở Ninh Sơn, Ninh Thuận, chia sẻ: “Thì nóng lắm, ở Phan Rang thì chắc chắn phải nóng rồi. Ở đây nguồn nước khó lắm, có nơi phải đi mua nước, có nơi có nguồn nước giếng có sẵn. Những nhà có giếng bán nước cho nhà không có giếng…”.
Theo bà Huyền, cái nắng như thiêu như đốt, suốt ba tháng trời không có một trận mưa đủ lớn để cứu cây cỏ, ruộng đồng, đã có nhiều cánh đồng ở Ninh Thuận trở thành đồng chết, cỏ cây khô cháy, chỉ cần ném một cái tàn thuốc thì cây cỏ sẽ bén cháy từ đầu này sang đầu kia đám ruộng và cháy lan sang những đám ruộng khác. Nhưng đám cháy này không bao giờ thành một đám cháy lớn bởi cây cỏ ở đây cụt ngũn, trơ trọi, phủ một lớp khô và mỏng trên mặt đất.
Riêng gia đình bà, mọi đám ruộng hoàn toàn khô cháy, trâu bò thì bà đã bán tháo vì nếu để đến giờ sẽ không còn con nào. Một khi cây cỏ cháy trơ trọi thì trâu bò không còn đất sống. Nếu có duy trì bằng rơm khô qua mùa đói thì ít nhất cũng phải có nước để duy trì sự sống. Nhưng nguồn nuớc khô kiệt, nắng như thiêu như đốt, lại phải ăn rơm khô thì không có con bò con trâu nào mà sống sót. Chính vì vậy mà khi nhiệt độ lên quá cao, người nông dân phải tìm cách bán tháo trâu bò, vớt vát được chừng nào hay chừng đó.
Ở đây nguồn nước khó lắm, có nơi phải đi mua nước, có nơi có nguồn nước giếng có sẵn. Những nhà có giếng bán nước cho nhà không có giếng…
- Nông dân tên Huyền
Bà Huyền mô tả về buổi trưa khô khốc ở quê bà bằng hình ảnh sa mạc Sahara mà bà được xem qua truyền hình. Theo bà, bắt đầu từ 10h sáng đến 15h chiều, không tài nào có thể bước ra khỏi nhà mà không mang theo một ít nước trong chai, khoác áo mũ, lá thật kĩ. Mặc dù làm nông vốn quen với nắng nóng nhưng bước ra khỏi nhà là không khí như đang có lửa, đất đá khô khốc, bụi bay mù mịt bởi chung quanh nhà chỉ toàn đất đá và bụi đỏ.
Hiện tại, chỉ có vài con cừu còn trụ được với nắng nóng, dê cũng không chịu nổi, các chủ dê phải lùa bầy dê sang các tỉnh lân cận ít nắng nóng hơn để tránh. Hầu hết các vườn nho, vườn táo đều trong tình trạng khát nước mặc dù mỗi ngày chủ các vườn phải tốn từ vài chục đến vài trăm khối nước để bơm tưới.
Tình trạng nắng hạn ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận e rằng vẫn còn kéo dài và tiếp tục đe dọa đến những vườn nho, vườn táo còn sống sót ở đây.