Người nông dân trồng vải tìm đường thoát thân

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2014.06.23
Điểm tập kết vải ở thị xã Chí Linh (huyện Chí Linh) và huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), cảnh mua bán khá đìu hiu, người bán nhiều hơn người mua. Điểm tập kết vải ở thị xã Chí Linh (huyện Chí Linh) và huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), cảnh mua bán khá đìu hiu, người bán nhiều hơn người mua.
Nguồn: 24h.com.vn

Kể từ ngày giàn khoan HD 981 của Trung Quốc cắm vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, hàng ngàn câu chuyện không tốt lành ập xuống nhân dân Việt Nam, trong đó, đáng kể nhất vẫn là những người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời lại chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi cái gián khoan này. Những nông dân trồng vải ở Hưng Yên và các tỉnh phía Bắc phải dở khóc dở cười ra sao với cái giàn khoan này?

Trái vải bị bỏ rơi…

Một nông dân tên Tuất, ở Lục Ngạn, chia sẻ: “Nói chung là giá vải năm nay không cao như năm ngoái, năm ngoái giá vải nó cao hơn thì thu hoạch được nhiều hơn, năm nay thì không được mấy. Năm nay giá vải nó rẻ hơn, năm nay tình hình như thế này thì mình không xuất cho nó – Trung Quốc, mà nó cũng không lấy của mình. Nhưng mà năm nay giá không được tốt, đầu mùa thì giá khoảng 20 ngàn một ký, còn giờ thì chỉ có gần mười ngàn một ký thôi!”

Theo ông Tuất, mùa vải năm nay trái sung mãn, phải nói là bội thu về sản phẩm, những trái vải tròn, căng mẩy và không có sâu bọ đã khiến ông nhiều lần nhìn vườn vải thiều mà khấp khởi hy vọng rằng năm nay sẽ khấm khá hơn mọi năm, chuyện sắm sửa trong nhà cũng như cho con cái tiền ăn học sẽ rộng tay hơn một chút. Thế nhưng đến ngày thu hoạch, mọi chuyện lại hoàn toàn khác!

Kế hoạch trồng trọt đều tùy thuộc vào chỉ định của thương nhân TQ. Chính vì thế, khi thương lái Trung Quốc bỏ thị trường Việt Nam thì người nông dân chỉ còn biết chép miệng và loay hoay tìm hướng để tự cứu mình

Nếu như năm ngoái, vải đầu mùa được thương lái mua với giá hai mươi ngàn đồng trên mỗi kí lô, nhưng năm nay, vải đầu mùa chỉ bán được cao nhất là mười lăm ngàn đồng trên một kí lô trong khi đó, chất lượng vải năm nay đạt hơn rất nhiều so với năm ngoái. Và cũng khác với không khí mua bán tấp nập mọi năm, mùa vải năm nay việc mua bán diễn ra chậm chạp, nhiều vườn vải rơi vào tình trạng chín bói, chuyển sang trạng thái lên men và gây thối… Và năm ngoái, vải giữa mùa bán được từ bảy đến mười hai ngàn đồng trên một ký thì hiện tại, chỉ cần bán được với giá năm ngàn đồng một ký là chủ vườn đã mừng khấp khởi. Vì nguồn vải thiều bị khủng hoảng thừa trong khi đầu ra không có bởi thương lái Trung Quốc đã bỏ hẳn thị trường vải thiều Việt Nam. Trong khi đó, mọi kế hoạch nông nghiệp ở các tỉnh Tây Bắc đều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ở đây từ cam, quýt, nhãn lồng, vải thiều… đều nhắm đến Trung Quốc, kế hoạch trồng trọt đều tùy thuộc vào chỉ định của thương nhân Trung Quốc. Chính vì thế, khi thương lái Trung Quốc bỏ thị trường Việt Nam thì người nông dân chỉ còn biết chép miệng và loay hoay tìm hướng để tự cứu mình.

Được mùa nhưng nông dân không phấn khởi lắm. Ảnh tinngan.vn
Được mùa nhưng nông dân không phấn khởi lắm. Ảnh tinngan.vn
Ảnh tinngan.vn

Và hướng tự cứu của nhà nông Tây Bắc nói riêng cũng như các tỉnh miền Bắc nói chung trong mùa vải thiều này chính là thị trường miền Nam. Mặc dù không dần dập và chộn rộn như thị trường Trung Quốc, nhưng thị trường miền Nam lại mang đến cho nông dân miền Bắc một niềm tin mới.

Miền Nam hứa hẹn

Nếu như trong những năm 1980, khi miền Bắc rơi vào nạn đói do nền kinh tế tập trung bao cấp, nhiều gia đình miền Bắc không còn gì để sống, phải dắt díu nhau vào miền Nam tìm đất hứa và miền Nam đã mở rộng vòng tay hào hiệp để đón những người Bắc xa xứ bằng nhiều hướng khác nhau, trong đó có người làm ăn thành đạt, cũng có người xin ăn lây lất qua ngày… Thì hiện tại, thị trường miền Nam một lần nữa làm mảnh đất hứa cho trái vải thiều miền Bắc.

Vì miền Nam ít trồng được cây vải mà người miền Nam lại rất thích trái vải, chính vì thế, việc tiêu thụ trái vải ở miền Nam trở nên dễ dàng, thuận lợi. Hơn nữa, người miền Nam rộng lượng và chi tiền không bị ki bo, keo kiệt

Một người chuyên bỏ mối vải thiều ở miền Trung và miền Nam, tên Hóa, chia sẻ: “Hai bốn ký bỏ tại trên này thì ba trăm lẻ năm nghìn, sáng xuất ra là ba trăm mốt, nhưng bỏ sỉ thì ba trăm lẻ năm nghìn, bảo đảm hàng đẹp chứ không phải vải hư vải thối. Có hai loại là vải đai xanh với đai đỏ, là vải thiều chứ không phải vải u, vải này hạt nhỏ. Năm nay được mùa vải nên giá mới rẻ thứ chứ, mọi năm đâu có rẻ thế này, mọi năm tầm này phải bán hai lăm ba mươi nghìn một ký chứ giờ có hai mươi, mười tám nghìn một ký chứ mấy. Rẻ hơn nhiều, rẻ hơn năm bảy giá, do nó không sang Trung Quốc được, mọi năm Trung Quốc nó thu mua nhiều thì hàng mình mới đắt.”

Theo ông Hóa, ban đầu, cứ ngỡ rằng Trung Quốc không mua vải của người Việt, nông dân sẽ chết đói vì không tiêu thụ được vải và một viễn cảnh những gốc vải bị chặt tả tơi để trồng cây khác hiện dần trước mắt. Thế nhưng khi những nhà buôn miền Bắc quyết định đổ xô vào miền Nam thì câu chuyện đã hoàn toàn khác.

Vì miền Nam ít trồng được cây vải mà người miền Nam lại rất thích trái vải, chính vì thế, việc tiêu thụ trái vải ở miền Nam trở nên dễ dàng, thuận lợi. Hơn nữa, người miền Nam rộng lượng và chi tiền không bị ki bo, keo kiệt, chính vì thế việc mua bán ít có chuyện “cò kè bớt một thêm hai”, việc trả chác chua ngoa hiếm xãy ra, chỉ cần phải giá là mua, không phải giá thì đi, chuyện mua bán đối với người miền Nam vừa dễ thương vừa hào sảng, phóng khoáng.

Và có lẽ chính vì thế mà một số nhà buôn miền Bắc đã bỏ hẳn ý định nối lại thị trường với Trung Quốc, đào sâu vào thị trường miền Nam. Chính thị trường miền Nam đã cứu cây vải thiều xứ Bắc. Với giá thành hiện tại, có những ngày nhà vườn mang vải ra chợ đầu mối quá nhiều, mỗi kí lô vải sụt xuống còn ba ngàn đồng, nghĩa là một kí vải mua chưa được nửa ổ bánh mì thịt. Nhưng tại các chợ miền Nam, giá mỗi kí vải vẫn dao động từ hai mươi đến hai mươi lăm ngàn đồng, vẫn bán rất chạy và không khí chợ miền Nam luôn làm cho nhà buôn miền Bắc lần đầu đưa vải vào miền Nam lâng lâng hy vọng.

Khác với việc buôn bán với nhà buôn Trung Quốc, bắt nhà buôn Việt Nam phải hầu hạ, chầu chực và đôi khi gài thế để ứ hàng, cuối cùng phải bán đổ bán tháo… Các nhà buôn miền Nam luôn nói thẳng và cảm thấy không vừa giá thì tuyên bố không mua, nếu đúng giá thì vui vẻ nhận hàng. Hầu như làm việc với nhà buôn miền Nam luôn tạo cảm giác gần gũi, dễ sống gấp triệu lần so với việc phải chơi với nhà buôn Trung Quốc.

Chính vì thế, theo ông Hóa, thị trường miền Nam sẽ thay thế cho thị trường Trung Quốc trong nhiều năm tới và ông lấy làm hối tiếc tại sao không nghĩ sớm đến việc đưa nông sản vào miền Nam mà bán để dễ dàng và thuận tiện nhiều thứ mà lại dây dưa với người Trung Quốc quá lâu dài để rồi hàng trăm thứ hệ lụy không đáng có đã ập lên đầu người dân Việt Nam.

Câu chuyện trái vải thời giàn khoan Trung Quốc xâm lược Việt Nam là một câu chuyện dài, bởi nó liên quan đến người nông dân và nó phản ánh tâm tư của nhà nông Việt Nam trước bối cảnh lịch sử hết sức rối ren của đất nước mà trong đó, phần lỗi lại thuộc về một thứ gì đó thuộc cấp độ vĩ mô.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.