Bài chòi miền Trung khai hội

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2015.02.28
bai-choi-622.jpg Hội Bài Chòi ở miền Trung
RFA PHOTO

Hằng năm, cứ đến hẹn lại lên, bắt đầu từ hai mươi ba tháng Chạp trở đi, khi mọi nhà đã đưa ông Táo về trời, mọi việc đồng áng tạm xếp lại để đón mừng năm mới, đón Tết, hô hát bài chòi ở các tỉnh miền Trung lại vào hội. Có thể nói nghệ thuật hô hát bài chòi là một bộ môn có tính hứng khởi, diễn xướng rất cao và đó cũng là môn nghệ thuật phản ánh đời sống, tâm tư của người dân rõ nét nhất. Hội hô hát bài chòi năm nay ở miền Trung đã phản ánh điều gì trong dân gian?

Đảng quản lý hô hát bài chòi

Một nghệ nhân bài chòi yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Bình Định bài chòi nhiều lắm, hô bài chòi bằng thẻ tre. Những ai mà ít tiếp xúc với bài chòi cũng thích thú lắm, nó lạ, không khí mà!”

Bình Định bài chòi nhiều lắm, hô bài chòi bằng thẻ tre. Những ai mà ít tiếp xúc với bài chòi cũng thích thú lắm, nó lạ, không khí mà!
-Một nghệ nhân bài chòi

Theo nghệ nhân này nhận xét, có thể nói rằng hô hát bài chòi là bộ môn nghệ thuật dân gian có tính thời đại cao nhất không chỉ của riêng miền Trung mà cả với Việt Nam. Bởi nó không có kịch bản, không qua kiểm duyệt và nếu có kiểm duyệt nội dung thì chỉ xảy ra sau khi nghệ nhân đã hô hát, sau đêm bài chòi, cán bộ văn hóa vào cuộc, hoặc là yêu cầu nghệ nhân không được hô hát những nội dung cũ, kỉ luật, phạt tiền hoặc dẹp luôn hội bài chòi, nếu nặng nề có thể đi tù vì đã diễn xướng những nội dung nhạy cảm.

Có lẽ chính vì tính trào lộng và tính giễu nhại xã hội với nồng độ nặng nằm giấu mình trong tâm thế diễn xướng của nghệ nhân mà từ rất lâu, trước cả nghệ thuật hát tuồng và hát bội, bộ môn diễn xướng bài chòi bị nhà cầm quyền quản lý rất chặt và mọi cuộc vui bài chòi đầu năm phải thông qua sự đồng ý, quản lý, kiểm duyệt từ nội dung cho đến lợi nhuận của các cơ quan đảng bộ Cộng sản địa phương.

Nhưng đây cũng chỉ là những trường hợp cá biệt, phần phổ biến nhất vẫn là đảng bộ cấp huyện, cấp xã đứng ra tổ chức hô hát bài chòi và nghệ nhân hô hát phải là những cán bộ văn hóa của các cấp này, thậm chí trong hội bài chòi có ít nhất từ một đến hai đảng viên Cộng sản đứng ra tổ chức, quản lý, bán vé cũng như tổng kết lợi tức.

Ảnh minh họa. RFA PHOTO.
Ảnh minh họa. RFA PHOTO.

Chính vì sự quản lý quá chặt chẽ như vậy mà hầu hết nội dung hô hát bài chòi nhiều năm trước đây đều khô khốc, máy móc, tính ngẫu hứng hoàn toàn bị triệt tiêu, thậm chí trong hội hô hát bài chòi còn có cả những trò ca ngợi đảng Cộng sản, ca ngợi Hồ Chí Minh, ca ngợi các lãnh tụ Cộng sản khác… Và điều này đã làm cho hô hát bài chòi miền Trung một thời bị xếp vào chỗ không chơi được, người già và trẻ em dần thay đổi thói quen ba ngày Tết, họ dành thời gian đi du ngoạn và chơi bầu cua tôm cá.

Mãi cho đến vài năm trở lại đây, khi các hội bài chòi tư nhân hoặc của các hội Người Cao Tuổi mọc lên, kĩ năng diễn xướng và tính ngẫu hứng trong bài chòi lại quay về. Người già trở nên máu lửa với bài chòi, trẻ em háo hức với bài chòi còn thanh niên, nam nữ thì ưa bài chòi bởi diễn ngôn của nó hàm chứa những ẩn ức tuổi trẻ, ẩn ức thời cuộc và ẩn ức chính trị mà lẽ ra họ không cần phải kìm nén những ẩn ức vô lý này.

Những bài hát bài chòi của các hội Người Cao Tuổi thường xoay quanh các vấn đề nổi cộm trong xã hội đương đại, từ tai nạn giao thông, tham nhũng, bán dâm trá hình, hối lộ bằng tình dục, mua quan bán chức, mua bằng giả, thủ đoạn chính trị dơ bẩn… Tất cả được phơi bày trong những diễn ngôn vừa tinh tế lại vừa bộc trực, đánh thẳng vào cái xấu và kêu gọi điều tốt đẹp hãy quay trở về nhân dịp đầu năm.

Bài chòi tan nát cõi lòng

Cụ ông Trần Liệu, người Hội An, Quảng Nam, chia sẻ: “Bài chòi giờ thì được tổ chức nhiều hơn, quay lại với bài chòi xưa. Thì hô hát nhưng cũng bị khuôn khổ rồi.”

Theo cụ Liệu, với ông, bài chòi, hát tuồng hay hát bội là những bộ môn nghệ thuật làm tan nát cõi lòng. Nếu như hát tuồng, hát bội với tính hàn lâm, có kịch bản hẳn hoi và sau khi bị quản lý chặt chẽ, các nghệ nhân đã chuyển sang làm ông công đám tang để giải bày nỗi lòng trước nhân tình thế thái thì hô hát bài chòi, sau nhiều năm im hơi lặng tiếng vì bị quản lý, hiện tại những diễn ngôn đầy tính ngẫu hứng và giễu nhại xã hội đang phát triển mạnh.

Bài chòi giờ thì được tổ chức nhiều hơn, quay lại với bài chòi xưa. Thì hô hát nhưng cũng bị khuôn khổ rồi.
-Cụ Trần Liệu

Không riêng gì các hội bài chòi tự phát trong nhân dân hay các hội bài chòi của Hội Người Cao Tuổi tổ chức với nhau mà ngay cả trong các hội bài chòi do đảng bộ Cộng sản địa phương tổ chức, những diễn ngôn có tính bất mãn xã hội, bất bình thời cuộc ngày càng cất tiếng nói mạnh mẽ, không còn e dè như trước đây.

Những diễn xướng theo kiểu “Ăn gì mà ăn tận cái đáy nồi/ Da trơn mặt trắng đứng ngồi không yên/ Dân hỏi thì nói quàng nói xiên/ Lần này xin lỗi sai liền lần sau/ Dân ngồi chịu cảnh nước đau/ Cái thằng mặt láng làm rầu lê thê… là con bạch huê”. Hay “Bữa nay anh cấm tôi đi/ Vô lăng bỏ lại cũng vì ngực xương/ Dân ta thiếu sữa thiếu đường/ Lấy đâu cho mập ngực không xương thì ngực gì/ Hoan hô các bác chây lì/ Cướp ngày ráo máng cũng vì cái rún… ấy là con năm rún!”.

Có nhiều diễn xướng bài chòi còn nặng nề hơn, đương nhiên là các diễn xướng này thường nằm trong các hội hô hát bài chòi của Hội Người Cao Tuổi tự tổ chức với nhau trong các xóm, các làng. Ví dụ như: “Thằng nào xin lỗi triền miên/ Ăn không biết nhục đảo điên dân lành/ Đất nước nó phá tanh bành/ Nhơn nhơn cái mặt ra vẻ lành với dân/ Tiền dân nó bỏ nhà bân (tức nhà băng)/ Ôm riết cái ghế nổi sần mọc chông/ Dân phát ngông dân phát phiền… ấy là con tam tiền!”.

Nhìn chung, có vẻ như nghệ thuật diễn xướng bài chòi sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, nhường chỗ cho nghệ thuật tuyên truyền của nhà cầm quyền nay đã trở lại với đầy đủ ý nghĩa và sứ mệnh của nó. Vừa là trò chơi vui, cầu may cho ba ngày Tết, vừa là áp suất kế đo độ căng của xã hội thông qua những diễn ngôn đầy chất ngẫu hứng của các nghệ nhân dân gian. Một năm mới đã bắt đầu khởi sự!

Nhóm phóng viên tường trình từ  Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.