Quảng Trị: nước nhiễm phèn nặng, dân mong nước sạch

0:00 / 0:00

“Lâu rồi, phèn này là cả xóm, theo vùng, có vùng phèn ít, vùng phèn nhiều, có vùng nước sạch nước phèn luôn, vùng này là phèn nhiều.”

“Nước toàn phèn, mỗi lần súc bể coi đỏ tươi.”

“Cảnh này lâu lắm rồi, phèn khó hết. Mới chạy, mới hút vô đây là chỗ này khô đi, thấy đỏ lòm.”

Đó là chia sẻ của người dân sống tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do về tình trạng nước nhiễm phèn tại đây vào một ngày đầu tháng 8.

Xã Triệu Long hiện có tám thôn với hơn 8.000 người dân sinh sống. Theo lời kể của người dân nơi đây, họ phải chật vật với cảnh không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày nhiều năm qua.

Không riêng gì xã Triệu Long mà theo ghi nhận của Đài truyền hình Việt Nam trong một phóng sự ngày 1/7/2022 cho hay "trên địa bàn miền núi của tỉnh Quảng Trị, nhiều năm nay, do thiếu nước sạch, người dân phải dùng nguồn nước ở khe suối. Còn tại đồng bằng, việc dùng nước bị nhiễm mặn và nhiễm phèn, mất vệ sinh là điều không hiếm."

Dù biết tình hình khan hiếm nước sạch chung cho toàn tỉnh là vậy, nhưng tại xã Triệu Long, tình trạng nước nhiễm phèn được người dân cho hay ngày càng trầm trọng khi những cách thức lọc nước căn bản trước đây nay đã không còn tác dụng.

“Mình lọc đi lọc lại cũng không thể hết, phải mua cái bình nước lọc, một bình mười ngàn. Tốn cũng phải chấp nhận.

Cái mình lọc đi lọc lại cho hết sức ra thì dùng được, cố gắng mua nước bình để uống. Nước sông dơ, bao nhiêu dơ bẩn họ xả xuống dưới.”

“Phèn chất trắng luôn, từ nguồn nước lọc cát bên máy mô-tơ lên, lọc cát xuống tắm rửa, còn uống bên nước máy chứ không uống kịp.

Mua nước bình tốn chứ, cứ tốn một bình 10 ngàn. Góp cho đủ cái máy mấy triệu, còn lọc nước phèn ra mấy bể cát để rửa, tắm giặt.

Đào sâu xuống chừng nào thì phèn chừng đấy, đào cạn cũng phèn, sâu cũng phèn. Phèn nhiều lắm, cái bể lọc đổ ra nhớp lắm, nhớp không tưởng tượng nổi.”

“Phải lọc qua bể mới giặt áo không vàng, chứ không lọc mà giặt áo vàng khè.”

Ghi nhận từ phía người dân xã Triệu Long, nước nhiễm phèn không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, mà còn gây nguy hiểm đến sức khỏe của họ khi mức độ nhiễm phèn tại đây đã lên vượt ngưỡng cho phép.

Bình lọc nước người dân tự mua.

“Bệnh hoạn trong xóm, người này bệnh này, người khác bệnh khác, ung thư cũng có, xương khớp, dạ dày đủ thứ hết. Người nào cũng đau hết, xóm làng loạn lên.

Khi trước không biết thì không lo, sau cán bộ về xét nghiệm đem mẫu nước ra thử, nước chỗ mình phèn quá từ đó không uống luôn, mua nước bình uống rồi mua máy lọc.”

“Sợ bệnh tật, giờ tôi sợ mang bệnh ung thư nên mua cái máy (lọc) gần một năm. Do dịch bệnh đó, mình không biết bệnh gì hay do nước nên lo sợ, đi mua máy cho rồi.”

“Sợ cũng phải chịu. Bây giờ cảnh khổ ở đây nên phải chấp nhận.”

Theo kết quả từ nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng nguồn nước nhiễm phèn để tắm rửa sẽ tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh về da như dị ứng, viêm da cơ địa, viêm lỗ chân lông.

Ngoài ra, nước nhiễm phèn còn gây bệnh nguy hiểm về đường ruột, nội tạng, các bệnh về máu...

Trước những khó khăn mà người dân phải đối mặt trong nhiều năm trời, chính quyền địa phương đến nay vẫn chưa có những động thái hỗ trợ kịp thời.

“Địa phương làm sao, giờ nhà nước cho bắt nước máy về may ra chứ địa phương ai cũng giống nhau.”

Trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị trong một video phát ngày đầu tháng 8 năm 2022, ông Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Long cũng thầm khẳng định việc cải thiện tình hình nguồn nước tại đây đã vượt qua tầm kiểm soát của chính quyền địa phương, đồng thời bày tỏ mong muốn:

“Chính quyền địa phương xã cũng mong muốn cơ quan chức năng các cấp tiếp tục quan tâm, kiêu gọi các nguồn để về có định hướng đầu tư cho Triệu Long nguồn nước sạch trong thời gian sớm nhất.”

Đây cũng là mong ước trong nhiều năm qua của người dân xã Triệu Long:

“Mong muốn nước sạch. Xã dưới đó họ có nước máy, có nước sạch, xã này chưa có.”

“Mong muốn có nước máy về quê hương miền này.”

“Mong muốn có nước máy để xài an toàn hơn.”

“Trông nước sạch mà vẫn không có, trông nước về còn không có.”