Những câu chuyện về ngày 30 tháng 4
2014.04.29
Sau 39 năm, thời gian đủ để một đứa bé ra đời, lớn lên, có vợ và sinh con, và đó cũng là thời gian đủ để một đứa bé từ chỗ vô tư, hồn nhiên, ngây thơ đến chỗ trưởng thành, biết suy tư về thân phận con người cũng như thân phận một quốc gia. Hơn nữa, thời gian 39 năm đủ để làm lành mọi vết thương nếu như thịt da trên cơ thể lành tính, ngược lại, đó cũng là thời gian quá đủ để một vết thương cắn xé làm đau nhức và dẫn đến hoại thư. Câu chuyện sau 39 năm của một đời người, một dân tộc cùng những nỗ lực hòa giải, hòa hợp cũng chính là câu chuyện làm lành vết thương trên cơ thể Việt Nam.
Những thế hệ lớn lên
Một người bạn yêu cầu giấu tên, sinh đúng vào ngày 30 tháng Tư năm 1975, anh ra đời trong lúc mẹ anh đang trên đường di chạy từ Xuân Lộc vào Sài Gòn, chia sẻ: “Nói chung là mình chưa thấy đó là một thiện ý thật sự cho những người muốn đặt ra vấn đề hòa hợp hòa giải, tức là đặt vấn đề với những người có quyền lực ấy. Mà mình thấy cái thiện ý đó chưa chân thành, người ta chỉ nói cái gì đó để tuyên truyền là chính thôi. Mình cứ nghe ti vi, đài ra rả đó, đại khái là những vết tích xưa cũ như là tự hào ấy. Cái đó mình cho rằng hòa hợp hòa giải khó mà đạt được, người ta chưa tin. Với những người Sài Gòn cũ thì còn lâu mới đạt được, nói nôm na ví dụ như Sài Gòn, hãy đổi hãy trả lại cái tên Sài Gòn đi sẽ thấy hòa hợp hòa giải liền.”
Theo người bạn này, sau ba mươi chín năm, sau một quá trình gia đình anh vất vả để cưu mang người cha bệnh tật sau khi rời trại cải tạo và sau đó không lâu ông qua đời, anh nhận ra rằng cuộc đời anh buồn nhiều hơn vui. Và khái niệm quê hương, đất nước gắn trong ký ức anh cùng với mùi khoai mì, mùi hạt kê độn và bánh tráng sắn thời thơ ấu. Tuổi thơ của anh bị ám ảnh bởi tiếng kẻng họp đội, tiếng loa phát thanh ngoài đầu xóm và tiếng gõ mõ liên hồi báo động an ninh… Dường như tất cả những ký ức tuổi thơ của anh đều mang mang một thanh âm đượm buồn trong sắc màu trầm, nặng của nó.
Khi lớn lên, anh phải bỏ học sớm và bươn bả ngoài cuộc đời với cái lý lịch không được tốt cho mấy bởi vì cha của anh là “ngụy quyền”. Mặc dù anh học rất giỏi và ước mơ được học đại học như bao bạn khác nhưng hoàn cảnh nghèo túng của gia đình đã khiến anh phải bỏ học, theo làm bốc vác ở bến xe, sau đó sắm xe ba gác để chở hàng và hiện tại, anh đã có xe tải để chở rau cho chợ đầu mối nhưng anh vẫn thấy tiếc nuối thời đi học của mình. Bởi ngày từ nhỏ, anh luôn tâm niệm rằng không có vốn liếng nào tốt hơn vốn liếng tri thức.
Và anh cũng cay đắng nhận ra rằng nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam, trong đó có thế hệ của anh đã không có được thứ vốn liếng quí giá của tri thức mà có chăng chỉ là cơ hội để làm việc cật lực và tích lũy tiền bạc. Nhưng rất tiếc, một khi nền tảng tri thức của con người bị hạn chế thì kéo theo vốn văn hóa cũng có nguy cơ bị hạn chế. Có nhiều tiền trên tay nhưng hạn chế về văn hóa là một tai họa. Anh đã nhìn thấy tai họa đó ngay trong thế hệ của anh cũng như nhiều thế hệ khác khi con người, xã hội mỗi ngày thêm lạnh lùng, vô cảm và tham lam.
Anh nói rằng nếu như có một cơ hội làm trẻ thơ trở lại, anh sẽ tìm đến một chân trời khác để trưởng thành, bởi vì sự trường thành mà mẹ anh đã dạy chính là phải tích lũy văn hóa, phải biết chia sẻ cùng đồng loại và phải tôn trọng quyền con người. Anh luôn dạy cho con cái mình điều này nhưng anh cũng luôn lo lắng trước môi trường giáo dục quá ư thực dụng hiện tại. Đó là anh chưa muốn nghĩ đến một xã hội đầy rẫy thù hận, tham lam, tranh giành… Như vậy, ít có sự hòa hợp hay hòa giải nào giữa con người với con người một khi quyền làm người không được tôn trọng đúng mức.
Chuyện hòa giải, hòa hợp dân tộc
Một bạn trẻ khác, tên Dũng, có người thân là thuyền nhân của những năm 1980 thế kỉ trước, chia sẻ: “Sau năm 1975 có sự sai lầm là người Việt với người Việt đối xử tàn khốc với nhau, rồi từ đó sinh ra những người trung lập, họ yêu đất nước, họ muốn hòa bình không muốn có chiến tranh gì nữa. Nhưng sự thật là người Việt với người Việt đối xử quá tàn khốc sau chiến tranh. Sau ba mươi tháng tư năm bảy lăm thì có sự thay đổi về văn hóa, chính trị… Tức nước thì vỡ bờ thôi!”
Theo Dũng, vấn đề hòa giải hòa hợp giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại là cả một câu chuyện dài không có hồi kết thúc. Vì lẽ, sự khác nhau về phông văn hóa và ý thức hệ cũng như hằng ngàn mối trở ngại xuất phát từ ý thức hệ đã dẫn đến hệ quả nếu có chăng hòa giải hòa hợp thì cũng chỉ trên hình thức chứ khó mà có sự hòa hợp về mặt nội tâm.
Giải thích thêm, Dũng cho rằng mọi sự hòa hợp đều phải có qui trình hòa giải của nó, mà muốn có hòa giải, người ta phải biết lắng nghe nhau và phải biết tôn trọng giá trị cũng như quyền lợi của nhau. Hiện tại, chỉ riêng những ngôi mộ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với thành quách xiêu vẹo, tượng đài bị giật sập, bảng ghi công bị đập nham nhở. Điều này cho thấy có sự phân biệt quá lớn giữa ta và thù, kẻ chiến thắng và người chiến bại cũng như sự tồn tại mọi biểu tượng của đối phương đều không được chấp nhận.
Nhưng, riêng vấn đề người đã khuất, mọi biểu tượng ghi công, nhớ ơn chỉ đóng vai trò thể hiện và biểu cảm những giá trị văn hóa đương đại dành cho người đã khuất, điều này không mảy may đụng chạm đến sự tồn vong của một chế độ nào nếu không muốn nói là là còn nâng tầm cho chế độ hiện tại bởi nét nhân văn và tính tôn trọng quá khứ của họ. Nhưng rất tiếc, điều này thật là khó khăn. Và đáng nói hơn là chính những đồng đội, những cha anh trong chế độ cũ không được mồ yên mả đẹp trong hiện tại sẽ là một bức rào cản rất lớn đối với tiến trình hòa giải để đi đến hòa hợp.
Một bạn trẻ khác, yêu cầu giấu tên, chia sẻ, sự hòa giải, hòa hợp dân tộc như bạn vẫn thường thảo luận với bạn đồng lứa phải đến từ hai hướng, hòa giải giữa người trong nước với nhau và hòa giải giữa người trong nước với người Việt ở nước ngoài. Trục chính của hòa giải gồm những ai? Cũng theo nhận định của bạn trẻ này, ranh giới hòa giải ở đây không phải là đường biên giới quốc gia mà là đường biên ý thức hệ và đường biên quyền lợi.
Về đường biên ý thức hệ, chỉ cần trả lời được câu hỏi rằng liệu mọi đảng viên đảng Cộng sản có thể cùng “người phía bên kia” ngồi chơi, cùng làm việc và cùng chia sẻ trách nhiệm cũng như quyền lợi về quốc gia, dân tộc với nhau hay không? Nếu câu trả lời là có thì mọi việc sẽ dễ dàng đi đến hòa hợp. Về đường biên quyền lợi, chỉ cần trả lời rằng mọi người dân Việt Nam có ai không bị oan, có ai bị ức chế, uất ức hay không? Nếu câu trả lời là không thì vấn đề hòa hợp dân tộc sẽ diễn ra nhanh chóng bởi vì lúc đó, mọi quyền lợi đã được chia đều trên toàn cõi, con người không bị chặn đứng nếp nghĩ trong biên kiến quyền lợi phe nhóm và nhân dân thấp cổ bé miệng.
Một bạn khác tên Ngọc, hiện là giảng viên đại học kinh tế Đà Nẵng thì tỏ ra lạc quan hơn khi bạn nói rằng sau 39 năm, con người đủ trưởng thành và chín chắn hơn để vượt qua mọi định kiến, đi đến hòa giải, hoàn hợp dân tộc. Và đương nhiên, muốn có điều này, mọi nỗ lực phải xoay quanh trục con người và quyền của con người!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.