Mùa dưa hấu sắp kết thúc, với những nhà buôn, thương lái, câu chuyện ứ dưa ở các cửa khẩu Trung Quốc là một kinh nghiệm mới về sự thất bại và thua lỗ có tính thường lệ trong chuỗi thất bại khi chơi với người Trung Quốc. Nhưng, với nhà nông, năm nay lại là một năm người trồng dưa trở nên nổi tiếng, sự thua lỗ và nước mắt đau khổ của họ không còn dừng ở mức xóm làng biết với nhau mà nó đã được nâng cấp lên hàng tin tức sốt dẻo của khu vực và ít nhiều mang mối tương quan chính trị quốc gia.
Thua lỗ nhất trong ba mươi năm
Một người nông dân tên Việt, ở Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam chia sẻ: "Dưa thì được mùa mà mất giá. Mấy năm mình xuất khẩu qua Trung Quốc nhưng năm nay qua cửa khẩu chậm trễ sao đó nên bán đâu có trôi. Lỗ chứ sao, làm dưa là lỗ hết, thất bại hết gỡ gạc bằng mấy cây khác. Làm dưa nó vô chừng, hồi được hồi không vậy đó, như năm nay hên lắm thì huề vốn chứ không là lỗ hết, đem về cho bò chứ làm gì."
Theo ông này, mùa dưa hấu năm nay thua lỗ không kịp vuốt mặt, vì tiền phân tro, tiền điện tưới tiêu, tiền xăng dầu chạy máy tưới tiêu trong những ngày cúp điện và tiền nhân công lao động đã vượt xa so với mùa dưa năm ngoái nhưng giá dưa bán ra lại thấp hơn rất nhiều so với giá dưa năm ngoái. Chính vì thế, nhiều gia đình tự an ủi mình bằng cách mang dưa về cho bò, cho trâu và heo ăn. Nhưng cũng không thiếu gia đình thêm một lần nữa khủng hoảng vì vụ này.
Nghĩa là quá thua lỗ, gở gạt bằng cách cho trâu bò ăn dưa để đỡ buồn, ai dè ăn dưa nhiều quá, trâu bò bị bệnh tiêu chảy, lại tốn thêm tiền thuốc thú y một lần nữa, đã khó càng thêm khó. Và chuyện này không xãy ra cá biệt một vài gia đình mà hầu như toàn bộ nông dân trồng dưa có nuôi trâu bò đều vấp phải.

Chỉ có lứa trái đầu tiên vào sau dịp Tết Nguyên Đán, mỗi hecta dưa cho ra vài chục trái là người nông dân trúng đậm, giá dưa lúc đó lên đến mười hai ngàn đồng một ký lô. Nhưng sau đó chưa đầy một tuần, giá dưa sụt xuống còn bốn ngàn đồng, rồi ba nghàn đồng và cuối cùng, có ngày chỉ còn năm trăm đồng mỗi ký, giá ổn định trong vụ dưa là một ngàn năm trăm đồng mỗi ký. Với giá dưa rẻ bèo như thế, người nông dân sẽ thua lỗ từ 100% cho đến 150%. Nghĩa là người may mắn thì gần như mất vốn trên cánh đồng dưa, thậm chí có người phải bán áo kháo bành để trả tiền công lao động. Có thể nói sau ba mươi mấy năm trồng dưa, đây là vụ dưa kinh nhoàng nhất và thua lỗ nặng nề nhất trong cuộc đời người trồng dưa ở miền Trung.
Một người khác tên Hiệp, ở Quảng Ngãi, chia sẻ: "Thì dưa giờ đổ chứ làm gì, người đi buôn lỗ, mấy người mua đi bán lại lỗ. Mình lên trên bãi mình mua rồi mình thuê người hái, mấy bữa mình mua một ngàn đồng một ký rồi mình thuê họ cắt, giờ dưa này lỗ…"
Theo ông Hiệp, nguyên nhân chính để dẫn đến cả người nông dân và người nhà buôn đều thất bại trong mùa dưa năm nay chính là thương lái Trung Quốc và cửa khẩu Việt – Trung. Sở dĩ ông nói do hai đối tượng này là vì về phía thương lái Trung Quốc, họ không bao giờ giữ uy tín với nhà buôn Việt Nam, họ luôn luôn nói một đường làm một nẻo và dùng nhiều thủ đoạn để đẩy giá dưa từ chỗ rất cao xuống còn thấp lẻ tẻ mà nhà buôn Việt Nam chỉ còn một nước duy nhất là năn nỉ họ mua.
Thường thì năm nào cũng giống năm nào, giống dưa nào, loại dưa nào nông dân trồng cũng đều tùy thuộc vào yêu cầu của phía Trung Quốc, nghĩa là trước khi trồng chừng một tháng, các thương lái Trung Quốc sẽ báo cho các nhà buôn Việt Nam loại dưa họ cần và nhà buôn Việt Nam báo lại cho nông dân biết để trồng. Đương nhiên là người trồng dưa phải hoàn toàn tuân thủ theo yêu cầu của các nhà buôn. Thế nhưng đến vụ thu hoạch, nhiều lần thương lái Trung Quốc lắc đầu, từ chối loại dưa của nông dân Việt Nam. Điều này làm cho nhà nông và nhà buôn Việt Nam phải điêu đứng.
Trở ngại cửa khẩu Việt – Trung
Một nhà buôn Việt Nam, có thâm niên bảy năm chuyển dưa sang Trung Quốc để bán, chia sẻ với chúng tôi rằng bà thật sự sợ hãi khi nghĩ đến việc đi qua các cửa khẩu Việt – Trung, dường như bất kì cửa khẩu nào, nhà buôn cũng phải có chế độ chung chi hợp thời vụ đối với nhân viên an ninh cửa khẩu. Trong trường hợp gấp gáp và số lượng hàng quá nhiều, số tiền chung chi có thể lên đến vài ba triệu đồng cho một con dấu là chuyện bình thường.
Dưa thì được mùa mà mất giá. Mấy năm mình xuất khẩu qua Trung Quốc nhưng năm nay qua cửa khẩu chậm trễ sao đó nên bán đâu có trôi. <br/> -Anh Việt
Bên cạnh đó, vấn đề các cửa khẩu cũng là vấn đề đau đầu cho nhà buôn và nông dân Việt Nam. Bởi vì dưa hấu là loại hàng hóa rất khó bảo quản và nhạy cảm với nhiệt độ, chỉ cần để lâu trong xe quá hạn chịu đựng chừng nửa ngày thôi thì mọi chuyện đã khác. Rất tiếc, các cửa khẩu không những không ưu tiên cho loại hàng hóa này di chuyển kịp thời mà còn có vẻ như nắm bắt được tâm lý nôn nóng của nhà buôn nên họ làm việc chậm chạp và có những đòi hỏi, ngầm để nhà buôn chung chi cho họ giá cao hơn thì mới cho qua. Vô hình trung, cửa khẩu thành cái nơi đấu giá những con dấu để nhà các nhà buôn Việt Nam nhích lên từng mức giá chung chi để được qua cửa.
Và trong tình thế nước sôi lửa bỏng, dưa đang thối dần thối mòn, nhà xe thì tăng cước phí vì thời gian tăng, nhà buôn buộc phải bấm bụng mà chung chi cho dù rất có thể, cộng mọi thứ chi phí cùng với tiền chung chi, nhà buôn sẽ thua lỗ nhưng họ không có lựa chọn nào khác. Bên cạnh đó, một khi nắm được điểm yếu của phía nhà buôn Việt Nam, thương lái Trung Quốc sẽ thả sức mà ép nhà buôn Việt Nam vì họ luôn nằm ở thế trên về mọi mặt.
Và một khi nhà buôn Việt Nam bị ép ở thế kẹt, bắt buộc họ phải phòng xa bằng cách mua ép giá dưa của nông dân xuống mức thấp nhất có thể để khi sang Trung Quốc, nếu bị ép họ vẫn không thua lỗ nặng. Chính vì thế, người trồng dưa miền Trung luôn gặp khó khăn mỗi khi dưa trúng vụ và trong nhiều vụ dưa, chưa bao giờ nhà nông bán được giá dưa đúng với thời giá của nó trên thị trường. Vì một khi nhà buôn ép giá, họ sẽ làm cho giá cả trên thị trường dưa bị tuột dốc tỉ lệ. Người nông dân có bán sỉ hay mang ra chợ bán lẻ thì vẫn cứ thua thiệt như nhau.
Câu chuyện trồng dưa, bán dưa và mua dưa, bán dưa của người Việt Nam nghe ra còn chịu cái ách quá nặng nề của người Trung Quốc và không biết đến bao giờ người Việt mới thoát khỏi cái ách này?
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.