2018: Có ít nhất 11 người chết trong đồn công an, quá nửa bị cho là tự tử

RFA
2019.01.01
chetdoncongan11 Hình minh hoạ. Nạn nhân chết trong đồn công an trong năm 2018
Courtesy FB, RFA edit

Vụ việc anh Nguyễn Minh Sang qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy hôm 23/12/2018 sau vài tiếng bị giam giữ trong trụ sở Công an phường 2, quận Tân Bình TPHCM là trường hợp mới nhất liên quan đến Vấn nạn người dân chết trong đồn Công an Việt Nam năm 2018, nâng con số nạn nhân lên 11 trong năm nay được ghi nhận trên truyền thông.

Báo chí Việt Nam không tổng hợp về con số nạn nhân chết trong nhà tạm giam, nhà tạm giữ của công an trong những năm qua, chỉ duy nhất một báo cáo của Bộ Công an hồi năm 2015 về số người chết trong 3 năm từ 2011-2014 cho thấy, đã xảy ra 226 vụ chết trong đồn Công an.

Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát. Vậy đây có phải là sự kéo giảm trong vấn nạn này?

Quá nửa những vụ chết người trong trụ sở Công an 2018 là “tự tử”

Trong các trường hợp phơi bày trên mặt báo trong năm nay, có 6 người được cho là tự tử hoặc tự ngã dẫn đến tử vong, và các vụ này phần lớn đều rơi vào trạng thái im lặng, người nhà nạn nhân ít khi có ý kiến trên mặt báo.

Khởi đầu năm 2018, báo Tuổi trẻ online đưa tin về một nạn nhân không nêu danh tính “treo cổ tự tử” trong Trụ sở Công an xã Trường an, thành phố Vĩnh Long hôm 11/1.

Hôm 5/6, tại nhà tạm giữ Công an thành phố Cà Mau, nghi can Nguyễn Việt Khoa (31 tuổi) chết trong tư thể treo cổ sau khi bị bắt vì chống người thi hành công vụ.

Cụ thể là nạn nhân khi bị kiểm tra về việc sử dụng trái phép chất ma túy đã chống trả và dùng dao đâm khiến dân phòng bị thương

Một trường hợp mà báo chí Việt Nam không đề cập đến là ông Hoàng Tuấn Long sinh năm 1979 tại Hà Nội tử vong vào ngày 21/8 sau khoảng 1 tuần lễ giam giữ tại Trại tạm giam số 1, Công an thành phố Hà Nội.

Khi pháp y quân đội khám nghiệm tử thi, gia đình cho RFA biết nạn nhân bị gãy 4 xương sườn, tuy nhiên công an phường Thổ Quan, quận Đống Đa nói với Đài Á Châu Tự Do cho hay, người này cắn lưỡi tự tử và bị bắt khi có nghi vấn tàng trữ ma túy.

Gia đình nạn nhân nhiều lần yêu cầu giấy khám nghiệm tử thi và gửi đên đề nghị khởi tố vụ án nhưng các cơ quan im lặng trước đòi hỏi này.

Ảnh chụp màn hình status đăng trên trang Facebook của nhà báo Hoàng Khương
Ảnh chụp màn hình status đăng trên trang Facebook của nhà báo Hoàng Khương
Courtesy FB Hoàng Khương

Trong vụ bà Huỳnh Thị Nhung - em dâu của nhà báo Hoàng Khương, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ bị cho là “tự đâm kéo vào cổ” tử vong sau khi được đưa về trụ sở Công an thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa hôm 13/10, cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa khởi tố vụ án.

Nhà báo Hoàng Khương hôm 17/11 còn cho biết cơ quan điều tra công an tỉnh Khánh Hòa còn có dấu hiệu làm sai lệch vụ án.

Theo luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ quyền lợi cho 3 trường hợp nạn nhân chết trong trại tạm giam, tạm giữ các năm vừa qua cho hay, rất khó để những người bị giam có thể tự kết liễu đời mình.

Người ta muốn lấp liếm sự thật đi, ví dụ như những vụ mà tôi làm thì trước đó cơ quan chức năng cho biết tự tử, nhưng khi báo chí vào cuộc, dư luận ầm ầm lên thì người ta cho biết là bị đánh chết, chứ trước đó người ta vẫn nói là nạn nhân tự từ.

Thực sự mà nói thì không ai vào đó mà tự tử được hết, một cái phòng giam ít nhất có 2, 3 người trở lên làm sao mà tự tử được, có gì đâu mà tự tử. Cho nên tôi nghĩ là không bao giờ có trường hợp đó (tự tử).

Bên cơ quan điều tra nếu mà công bố sự thật thì phải khởi tố, nếu khởi tố thì phải đi tù nhiều.

Không có cách nào nói nên nói tự tử là an toàn nhất!” - Luật sư Đôn khẳng định.

Ông Đôn thuộc Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên hiện đã bị tước thẻ luật sư và đang khiếu nại Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên về việc không thụ lý đơn khởi kiện Bộ trưởng Tư pháp của ông.

Phủ nhận tất cả các thông tin cáo buộc công an tra tấn người dân

Chính phủ Hà Nội, dẫn đầu là Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã có 2 buổi điều trần hôm 14 và 15/11/2018 trước Ủy Ban Chống Tra Tấn (CAT) của Liên Hợp Quốc qua đó phủ nhận các thông tin về việc công an dùng nhục hình tra tấn người dân Việt Nam.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, đối thoại với các thành viên Ủy Ban Chống Tra Tấn Liên Hợp Quốc hôm 15/11/2018.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, đối thoại với các thành viên Ủy Ban Chống Tra Tấn Liên Hợp Quốc hôm 15/11/2018.
Courtesy of UN Web TV

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) dẫn số liệu không được kiểm chứng độc lập như sau:

Chúng tôi xin khẳng định tỷ lệ phạm nhân chết trong trại giam chiếm tỉ lệ rất nhỏ 0,3% tổng số phạm nhân đang chấp hành trong trại giam. Các trường hợp chết đều do bệnh hiểm nghèo bị mắc trước khi vào trại. Số này chiếm 98,6%. Chỉ có 1,4% là chết do tai nạn rủi ro; hoặc có 1 trường hợp là tự tử,” ông Cục trưởng Nguyễn Ngọc Anh nói.

Sau cuộc điều trần của Việt Nam, Ủy ban chống tra tấn của Liên Hợp Quốc đã có kết luận về báo cáo sơ khởi, trong đó có những yêu cầu cấp thiết mà chính quyền Việt Nam phải trả lời như sau: (1)

  • Khoản b điều 17 yêu cầu Quốc gia thành viên nên: “Thiết lập một sổ đăng ký tại trung ương về các trường hợp giam giữ, trong mọi giai đoạn điều tra và thụ lý, bao gồm việc thuyên chuyển từ cơ sở này sang cơ sở khác, thông báo cho Ủy ban biết về loại thông tin được ghi nhận lại và các biện pháp cụ thể được thực hiện để đảm bảo việc lưu giữ hồ sơ chính xác nhằm phòng ngừa việc giam giữ một cách bí mật và làm ra vẻ nạn nhân mất tích.
  • Khoản a điều 21 cũng khuyến cáo Việt Nam cần: “Đảm bảo rằng tất cả các trường hợp bị cáo buộc về việc gây ra tử vong trong khi bị giam giữ và các khiếu nại về việc sử dụng vũ lực quá đáng, ở trong các cơ sở quốc gia thành viên và trên đường phố, được điều tra kịp thời, hữu hiệu và công minh bởi một cơ chế độc lập không có mối liên hệ với các cơ sở bị cáo buộc.”
  • Khoản c điều 29 yêu cầu: “Truy tố và trừng phạt tất cả các viên chức, quan chức đã cho phép thu thập bằng chứng bằng cách tra tấn, bao gồm cả những người khai man và cung cấp tài liệu giả mạo.Ủy ban Chống

Trong kết luận của mình, Ủy ban Chống tra tấn của LHQ cũng cho hay, có báo cáo về việc “Tù nhân bất đồng chính kiến bị tra tấn tâm lý và buộc phải uống/chích thuốc, trong đó có một số thuốc không được xác định và có tác dụng phụ.”

Công lý chưa được thực thi đầy đủ

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong năm 2018 chỉ có 6 viên công an trong 2 vụ án bị đem ra xét xử vì cáo buộc “dùng nhục hình” với mức án cao nhất là 9 năm tù.

Một phiên tòa phúc thẩm xử các quản giáo của Trại giam Long Hoà, Long An dùng nhục hình làm chết phạm nhân chưa thành niên với ba bị cáo là công an dự định xử vào ngày 21/11 nhưng đã không diễn ra như dự kiến.

Ngay trước buổi điều trần, ngày 14/11/2018, ông Nguyễn Văn Bảo - công an trại giam phân trại số 2, trại giam Thanh Xuân, Tổng cục Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an bị tuyên 9 năm tù giam vì tội “dùng nhục hình”.

Nạn nhân là ông Cầm Văn Chứn (sinh năm 1974) được cho là bị tát dẫn đến ngã về phía sau, đập đầu chấn thương sọ não dẫn đến tử vong hôm 14/3/2018.

Ngày 16/11, sau buổi điều trần của Chính phủ Hà Nội trước Liên hiệp quốc, 2 cán bộ công an thuộc Nhà tạm giữ Công an quận 11, thành phố Hồ Chí Minh bị bắt để điều tra về tội “dùng nhục hình” liên quan đến cái chết của ông Châu Dung Thành, người qua đời sau 12 tiếng bị bắt giữ vì cáo buộc “ăn cướp và cố thủ trong tiệm game bắn cá”.

Cái chết của ông Châu Dung Thành lúc đầu được kết luận là “phù phổi cấp” trong khi người nhà nạn nhân đặt rất nhiều nghi vấn về các dấu vềt đánh đập hằn trên người nạn nhân.

Cái chết của ông Châu Dung Thành lúc đầu được kết luận là “phù phổi cấp” trong khi người nhà nạn nhân đặt rất nhiều nghi vấn về các dấu vềt đánh đập hằn trên người nạn nhân.

Theo luật sư Võ An Đôn, 3 trường hợp ông nhận bào chữa, bảo vệ quyền lợi của nạn nhân bị chết trong đồn công an, ông đều yêu cầu tòa án xử những người gây ra cái chết với tội danh “giết người” nhưng tòa từ chối và thường xử theo cáo buộc “dùng nhục hình” với mức án nhẹ hơn.

Vị này nhận định, để hạn chế các trường hợp chết trong trại tạm giam, tạm giữ thì nhất thiết phải có cơ quan chức năng giám sát việc giam giữ và hệ thống tư pháp phải độc lập, nhưng theo ông Đôn thì với chế độ hiện nay là rất khó.

Việt Nam ký Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hợp Quốc vào ngày 7/11/2013 và được Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 28/11/2014. Đây được cho là 1 trong 9 công ước cốt lõi về quyền con người của Liên Hợp Quốc.

Các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế đánh giá tình trạng công an sử dụng bạo lực đối với người dân đang trở nên tràn lan tại Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, số liệu báo cáo của đoàn Việt Nam cho biết từ 2015 tới nay, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao chỉ thụ lý 6 vụ với 11 bị can về tội dùng nhục hình.

(1) Theo bản dịch của tổ chức BPSOS ngày 26/12/2018

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.