Nữ tỷ phú Nguyễn Phương Thảo thua kiện phải đối diện khoản bồi thường 270 triệu USD
Nữ tỷ phú Nguyễn Phương Thảo, cựu chủ tịch hãng hàng không VietJet, thua trong vụ kiện liên quan việc thuê bốn máy bay Airbus của FitzWalter Capital thuộc quyền sở hữu cựu giám đốc hãng Macquarie, ông Ben Brazil.
Mạng báo Financial Review tại Úc loan tin ngày 5/8 cho biết bà Nguyễn Phương Thảo và hãng hàng không VietJet đang phải đối mặt với khoản tiền bồi thường 270 triệu USD trong vụ kiện tụng này.
Tin nói trong tuần này Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Anh tại London Simon Picken công bố phát hiện có lợi cho FitzWalter Capital của ông Ben Brazil. Theo đó VietJet trong nhiều năm đã tiến hành và phối hợp đạo diễn một chiến dịch tại Việt Nam nhằm can thiệp vào nỗ lực của FitzWalter Capital trong việc đòi lại 4 chiếc máy bay Airbus.
Vào tháng 2 vừa qua, sau khi FitzWalter Capital đưa vụ việc ra một tòa án ở Anh và tòa yêu cầu hãng hàng không này không được có các hành vi can thiệp vào việc trả máy bay, VietJet lên tiếng phản bác tuyên bố rằng “Các luật sư của VietJet đã khẳng định cam kết của hãng trong việc tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý và tôn trọng các phán quyết của các toà án và các quy định liên quan.”
Trong tuyên bố của mình, VietJet viện dẫn Công ước và Nghị định thư Cape Town quy định việc đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay và cho rằng đây chính là yếu tố khiến các máy bay của FitzWalter vẫn còn bị giữ lại.
VietJet cho biết một toà án ở Anh hồi tháng 8/2023 đã bác bỏ yêu cầu của FitzWalter đề nghị VietJet hỗ trợ xuất khẩu tàu bay vì FitzWalter không có căn cứ pháp lý cho việc hỗ trợ này.
Theo tuyên bố của VietJet, vụ tranh chấp phát sinh trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, khi các thành phố bị giới nghiêm và ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề. Trong giai đoạn đó, các hợp đồng thuê tàu bay dài hạn và ổn định của Việt bị đột ngột chuyển giao từ bên cho thuê gốc sang cho FitzWalter mà không có sự đồng ý của hãng hàng không VietJet.
Hãng tin Reuters hôm 6/4/2023 cho biết, Nhóm Công tác Hàng không (AWG) có trụ sở ở Anh cho biết nhóm này đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi này sau khi một toà án ở Hà Nội chặn việc thu hồi các máy bay do chậm trễ thanh toán tiền thuê.
Nhóm Công tác Hàng không không cho biết tên cụ thể hãng hàng không nào liên quan đến vụ việc nhưng một phiên bản cập nhật về cảnh báo trên mạng của tổ chức này có đường link dẫn đến tệp có tên “Cập nhật số 1 về VietJet”.
Mạng báo Công thương thuộc Bộ Công thương Việt Nam vào ngày 7/8 loan dẫn phản hồi của hãng hàng không VietJet đối với thông tin hãng này bị tuyên thua kiện trong vụ kiện với FitzWater Capital tại Anh Quốc.
Theo đó VietJet sẽ kháng cáo, tin tưởng công lý sẽ thắng và phán quyết cuối cùng dự kiến vào năm 2025 sẽ có lợi cho hãng hàng không này.
Mạng báo Công thương dẫn nguyên văn lời của đại diện VietJet : “Các luật sư của hãng nhận thấy một số hiểu lầm trong phản ánh ban đầu của tòa án về các sự kiện và tình tiết quan trọng của vụ việc, và chúng tôi tin rằng sự thật sẽ được chứng minh trong thời gian tới".
Nhóm luật sư bào chữa cho VietJet phản đối những cáo buộc cản trở quyền sở hữu hay xuất khẩu máy bay. Nhóm này lập luận rằng FitzWalter Capital có hành vi trục lợi trong thời gian thế giới chống đại dịch COVID-19 là không phù hợp với nguyên tắc thiện chí và tập quán thương mại trong lĩnh vực tài trợ máy bay.