Nhà báo Bùi Tín qua đời

RFA
2018.08.10
buitin11111.jpeg Nhà báo Bùi Tín trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFA ở Washington DC
RFA

Nhà báo Bùi Tín, cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Việt Nam, vừa qua đời vào lúc 1 giờ 25 phút sáng ngày 11/8 tại bệnh viện Andre Gregoire ở Montreuil, ngoại ô Paris, Pháp. Ông thọ 91 tuổi.

Nhà báo Tường An cho biết bệnh viện thông báo cho bà tin này vào lúc 1 giờ 32 phút sáng ngày 11/8.

Theo nhà báo Tường An, người rất thân với nhà báo Bùi Tín, sức khoẻ của nhà báo Bùi Tín đã xấu đi từ cách đây khoảng 1 tháng. Ông phải nhập viện vào ngày 13/7 do thận bị yếu. 3 tuần sau đó, tình trạng của ông xấu đi và ông phải chuyển sang bệnh viện Andre Gregoire để điều trị, nhưng theo nhà báo Tường An thì sức khoẻ của ông lúc này đã quá yếu, ông gần như hôn mê.

Ngoài bệnh thận, nhà báo Bùi Tín cũng bị các vấn đề sức khoẻ khác như tim và huyết áp thấp. Cách đây khoảng 2 năm ông cũng đã phải nhập viện vì tình trạng sức khoẻ của mình.

Nhà báo Tường An cho biết, từ năm 2011 nhà báo Bùi Tín đã viết tâm thư cho các bạn bè, người thân và viết di chúc. Trong di chúc của mình ông muốn khi chết được hoả thiêu. Tuy nhiên vào lúc này nhà báo Tường An, người được nhà báo Bùi Tín tin tưởng thực hiện di chúc chưa thể cho biết tro của ông sẽ được đưa đi đâu.

Nhà báo Bùi Tín vốn là cựu đại tá quân đội Nhân dân Việt Nam và là người có mặt sớm nhất tại dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975 khi kết thúc cuộc chiến Việt Nam.

Vào tháng 9 năm 1990, khi sang Pháp dự hội hàng năm của báo L’Humanite của đảng Cộng sản Pháp, ông đã quyết định xin tị nạn tại Pháp.

Nhà báo Bùi Tín là người có nhiều bài viết chỉ trích đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ cộng sản. Ông tham gia viết blog đều đặn cho Đài VOA của Hoa Kỳ. Theo nhà báo Tường An, trong những ngày nằm trong bệnh viện, dù sức khoẻ còn rất yếu, ông vẫn cố gắng viết trên giấy và nhờ người khác đánh máy lại.

Nhà báo Bùi Tín hiện còn hai người con: một con trai ở Canada và một con gái còn ở Việt Nam. Hai ngày trước khi qua đời, nhà báo Tường An đã gọi điện thoại cho con gái ông để ông có thể nghe. Dù không nói được nhưng theo nhà báo Tường An, khi nghe con gái khóc ‘bố ơi đừng đi, bố phải đợi con’, đôi mắt ông hấp háy dường như ông nghe và hiểu được những gì con gái nói với mình.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.