Nhân viên y tế ở tỉnh Đắk Lắk nói họ bị cắt 1,5 tỷ đồng trợ cấp chống dịch cho cấp trên

2024.08.19
Nhân viên y tế ở tỉnh Đắk Lắk nói họ bị cắt 1,5 tỷ đồng trợ cấp chống dịch cho cấp trên Nhân viên y tế đang tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi ở Hà Nội hôm 23/11/2021 (minh họa)
Nhac NGUYEN / AFP

Hơn 200 nhân viên y tế của Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) tố cáo việc họ phải nộp 10% tiền phụ cấp để chia cho lãnh đạo đơn vị để tăng tính đoàn kết. Sở Y tế tỉnh này cho biết Thanh tra đã vào cuộc để xác minh thông tin này.

Báo Dân Trí hôm 19/8 dẫn lời ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, đơn vị có văn bản chỉ đạo, xử lý thông tin báo Dân trí đăng tải liên quan đến việc nhân viên, cán bộ công tác tại Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar phải trích lại 1,5 tỷ đồng phụ cấp chống dịch, chia cho lãnh đạo cùng các nhân viên khác của đơn vị này.

Ông này cho biết Thanh tra đang xác minh thông tin vụ việc, qua đó, tổng hợp, báo cáo, kiến nghị Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk xem xét trách nhiệm đối với các đơn vị để xảy ra sai phạm (nếu có) để xử lý theo thẩm quyền.

Các báo cáo liên quan đến vụ việc phải được gửi về Sở Y tế Đắk Lắk trước ngày 22/8.

Báo Dân Trí hôm 15/8 cho biết, một số cán bộ, nhân viên y tế công tác tại Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar, sau thời gian vất vả chống dịch COVID-19, đã được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 100% mức lương tính từ 1/1/2022 đến 31/12/2023.

Tuy nhiên, lãnh đạo của Trung tâm đã mời một số đại diện khoa, phòng lên họp và đề xuất nộp lại 10% để hỗ trợ cho lãnh đạo cùng một số người không thuộc đối tượng được nhận phụ cấp.

Các cán bộ y tế của Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar đã làm đơn gửi cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí để nhờ vào cuộc, làm rõ số tiền hơn 1,5 tỷ đồng được chia có đúng quy định.

Có khoảng 226 người được hưởng phụ cấp này. Những người này sau khi nhận phụ cấp đã nộp lại 10%, tương đương 1,5 tỷ đồng. Số tiền này đã được Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar sau đó đã chia cho 88 người với các mức 20-80 triệu đồng/người.

Đại dịch COVID-19 xảy ra ở Việt Nam từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021 khiến hàng triệu người nhiễm bệnh và hơn 40.00 người tử vong. Một loạt các vụ án tham nhũng liên quan đến việc mua bán vật tư y tế, giải cứu người dân trong thời gian đại dịch từ địa phương đến trung ương đã được phát giác sau đó và bị đưa ra xét xử, trong đó có cả những quan chức cấp cao của Chính phủ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.