Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa xảy ra nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế.
Đó là dự báo của Tổ chức Lao động (ILO) trong ngày 2/8 và được truyền thông nhà nước loan.
Từ dự báo của ILO, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh, tỷ trọng người cao tuổi xu hướng tăng nhanh, trong khi tỷ trọng người trong độ tuổi lao động giảm, kinh nghiệm của các nước thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới bao phủ toàn dân cho thấy, chính sách bảo hiểm xã hội cần được thiết kế theo hướng đa tầng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để đảm bảo an sinh cho mọi người dân.
Do đó, Bộ Lao động cho rằng để ứng phó hiệu quả với quá trình già hóa dân số, bên cạnh các giải pháp về chính sách, vai trò của Nhà nước hỗ trợ người dân tham gia và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội là nhân tố quyết định.
Tờ VnEconomy dẫn thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi là hơn 5,1 triệu người, chiếm 35% so số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong đó, có 2,7 triệu người hưởng lương hưu, 0,63 triệu người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, hơn 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi).
Tính đến cuối 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). 5,1 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội. Con số này chỉ chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.