Gần 50% mẫu rau phân tích ở ba chợ đầu mối TPHCM chứa dư lượng hóa chất

2022.07.18
Gần 50% mẫu rau phân tích ở ba chợ đầu mối TPHCM chứa dư lượng hóa chất Một người bán trái cây ở chợ ở Hà Nội hôm 29/9/2020
AFP

Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM công bố thông tin đáng báo động về dư lượng hóa chất trên các sản phẩm rau ở các chợ đầu mối và ngay trong chương trình "chuỗi thực phẩm an toàn".

Hôm 15-7, cơ quan này cho biết tại hội nghị tổng kết sáu năm thí điểm thành lập, đã lấy mẫu các sản phẩm ở ba chợ đầu mối ở thành phố lớn nhất nước để phân tích.

Theo Tuổi trẻ online, kết quả phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nhóm mặt hàng rau, trái cây là 271/570 mẫu (chiếm tỉ lệ 47,54%), trong đó có nhiều mẫu vượt mức giới hạn cho phép, cá biệt có mẫu rau chứa đến bảy hoạt chất bảo vệ thực vật.

Ngoài ra, các mẫu rau trong chương trình "chuỗi thực phẩm an toàn" có cả chất cấm carbendazim dùng để trị nấm trên cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh...

Báo cáo không cho biết việc lấy mẫu và phân tích xảy ra từ bao giờ và cụ thể các chợ đầu mối hay doanh nghiệp nào trong "chuỗi thực phẩm an toàn".

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM hồi năm 2021 cho biết, Đề án xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” nhằm giám sát nông sản thực phẩm tươi sống từ nơi sản xuất về tiêu thụ ở thành phố.

Việc làm này nhằm đảm bảo, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, góp phần xây dựng, nâng cao uy tín thương hiệu nông sản thực phẩm tươi sống ở TPHCM cũng như các tỉnh, thành.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
18/07/2022 13:00

Sao tự dưng lại công bố dữ liệu như thế này? Giải pháp đặt ra là lương tâm, thu nhập của người làm nông, là quy trình từ đầu vào cho đến phân phối đến người tiêu dùng, chứ còn kêu gọi, vận động thì từ trước đến nay đã làm và không mang lại hiệu quả gì!