Các tổ chức nhân quyền kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn Hiệp định thương mại với Việt Nam

RFA
2020.02.05
evftaeuparliamentjan21_960.jpeg Hình minh họa. Người Việt biểu tình bên ngoài Nghị viện Châu Âu hôm 21/1/2020 để phản đối việc thông qua EVFTA với Việt Nam
Photo: RFA

Gần 30 tổ chức nhân quyền quốc tế hôm 4/2 đã gửi một bức thư đến Nghị viện Châu Âu, thúc giục EU bỏ phiếu hoãn thông qua Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) cho đến khi Việt Nam đáp ứng các đòi hỏi về nhân quyền và lao động.

Theo lịch trình, Nghị viện Châu Âu sẽ nhóm họp và bỏ phiếu thông qua EVFTA vào ngày 11/2 tới đây.

Bức thư có đoạn viết: “Bất chấp những thất bại của Việt Nam trong việc đáp ứng một cách có ý nghĩa những đòi hỏi được lặp đi lặp lại về cải thiện nhân quyền đã được các Dân biểu Nghị viện Châu Âu đưa ra, hôm 21 tháng Một vừa qua, số đông trong Ủy ban Thương mại Quốc tế (của Nghị viện) đã bỏ phiếu đồng ý với các thỏa thuận này, ngược lại với ý kiến đã được Ủy ban Đối ngoại đưa ra trước đó và lờ đi những cam kết đã được đề nghị bởi nhiều tổ chức phí chính phủ quốc tế và Việt Nam”.

Vì lý do này, các tổ chức nhân quyền tham gia vào bức thư kêu goi các Dân biểu Châu Âu sẽ sửa sai trong cuộc họp sắp tới.

Theo nội dung bức thư, trong quá khứ EU cũng đã từng gây sức ép lên các nước Uzbekistan và Turkmenistan về vấn đề nhân quyền cho đến khi đồng ý thông qua các thỏa thuận thương mại. Vì vậy, các tổ chức nhân quyền cho rằng EU cũng có thể áp dụng hướng tiếp cận tương tự với Việt Nam.

Cụ thể, những điều kiện mà các tổ chức nhân quyền đưa ra đối với Việt Nam bao gồm:

-         Cam kết và có lộ trình sửa đổi hoặc bỏ những điều khoản trong Bộ Luật Hình sự bao gồm điều 109, 116, 117, 331 và 318 mà chính quyền thường dùng để bỏ tù những nhà hoạt động ôn hòa.

-         Trả tự do cho toàn bộ các tù chính trị, bao gồm cả những người đang bị tạm giữ để điều tra bao gồm nhà báo Phạm  Chí Dũng, người đã kêu gọi EU hoãn thông qua EVFTA với Việt Nam.

-         Cam kết với một khoảng thời gian để thông qua Công ước số 87 của ILO về người lao động

-         Thiết lập một cơ chế giám sát và khiếu nại để những người dân bị bách hại bởi việc thực hiện các thỏa thuận này có thể tiếp cận với các nguồn, công cụ để đề cập đến những vấn đề của họ.

Hồi tháng 11 năm ngoái, một loạt các tổ chức nhân quyền quốc tế bao gồm Human Rights Watch cũng gửi bức thư đến Nghị viện Châu  Âu với các yêu cầu tương tự, thúc giục Châu Âu gây sức ép về vấn đề nhân quyền lên Việt Nam trước khi bỏ phiếu về EVFTA.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Châu Âu ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Kim ngạch thương mại hai chiều một năm là hơn 47 tỷ Euro. Nếu được thông qua, EVFTA sẽ chính thức đi vào hiệu lực 1 tháng sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc hoàn tất các quá trình pháp lý.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.