Hôm nay 22 tháng 3, quốc hội Việt Nam nghe báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011 – 2016 của Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội và một số các vị trí quan trọng khác trong bộ máy tư pháp.
Theo dự kiến quốc hội khóa 13 sẽ chọn lãnh đạo nhà nước và chính phủ mới trước thời hạn trong kỳ họp lần này, trước khi quốc hội khóa 14 được bầu vào tháng 5.
Báo cáo của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói đến những điểm tích cực và hạn chế trong nhiệm kỳ từ 2011 đến 2016, theo đó ông đánh giá chính phủ đã điều hành chủ động, linh hoạt để kiểm soát tốt lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn và đạt mức tăng trưởng khá cao từ 2011 đến 2015. Báo cáo khẳng định thủ tướng chính phủ và chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người có xu hướng thân phương Tây và đã góp phần thúc đẩy Việt Nam gia nhập hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là TPP.
Tuy nhiên trong 2 nhiệm kỳ thủ tướng, nợ công của Việt nam đã tăng rất nhanh từ 22,7% GDP vào năm 2006 lên 64,9% GDP vào năm 2016. Ông cũng từng phải đối mặt với những áp lực phải từ chức sau vụ tham nhũng khiến một loạt các quan chức của tổng công ty nhà nước Vinashin phải hầu tòa.
Ông Dũng được cho là người hậu thuận mạnh cho sự phát triển của các tổng công ty nhà nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm nay cũng báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 và 2016 trước quốc hội với các nội dung về lập pháp, hành pháp, tư pháp, đối ngoại và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ làm chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang đã ký quyết định thăng quân hàm cấp tướng cho 194 sĩ quân quân đội và 119 sĩ quan công an.
Ngoài ra ông Trương Tấn Sang cũng nhận trách nhiệm về một số các yếu kém, tồn tại bao gồm phẩm chất, trình độ, chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu của một số cán bộ tư pháp, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán bộ tư pháp.
Trong khi đó, báo cáo trước quốc hội hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng thành tựu lớn nhất trong nhiệm kỳ vừa qua của ông là ban hành hiến pháp sửa đổi năm 2013 với nhiều nội dung đổi mới, căn bản hoàn thành các đạo luật cụ thể hóa hiến pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hiến pháp mới của Việt Nam hiện vẫn duy trì điều 4, theo đó khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản Việt Nam.
Đây cũng là điều bị nhiều nhà hoạt động dân chủ trong và ngoài nước phản đối yêu cầu quốc hội sửa đổi nhưng cuối cùng quốc hội Việt Nam vẫn thông qua hiến pháp với điều này.