Bộ Ngoại giao Philippines hôm 1/7 cho biết sẵn sàng thảo luận với Việt Nam vì lợi ích của hai phía liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Thông tin này được đưa ra sau khi Philippines nộp đơn lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên hợp quốc đề nghị xem xét hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng (ECS) ở Biển Đông mà Philippines gọi là Biển Tây Philippines.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 21/6 đã có phản ứng về đơn này của Philippines khi lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông và yêu cầu Philippines tôn trọng các quyền lợi của Việt Nam trên biển khi đệ trình hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng lên Liên Hiệp Quốc.
Thông báo mới của Bộ Ngoại giao Philippines viết: “chúng tôi sẵn sàng thảo luận với Việt Nam bằng các cách có thể để giúp đạt được một giải pháp có lợi cho cả hai đối với các vấn đề Biển Đông”.
Theo Công ước về Luật biển của LHQ (UNCLOS), thềm lục địa mở rộng là vùng đáy biển có thể kéo dài tối đa đến 350 hải lý (tương đương 648 km) từ bờ của quốc gia ven biển. Vùng thềm lục địa này có các quyền độc quyền về khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đây là lần thứ hai Philippines đăng ký quyền thềm lục địa mở rộng. Vào năm 2009, Philippines đã đệ trình lần đầu tiên và năm 2012, Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) của LHQ đã xác nhận hồ sơ này, khiến cho Philippines mở rộng thêm 135.506 km2 đáy biển.
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế về Biển Đông, trong lần đệ trình mới này của Philippines khu vực thềm lục địa mở rộng (ECS) của Philippines sẽ có nhiều chồng lấn với ECS của Việt Nam và Malaysia.
Người phát ngôn Phạm Thu Hằng tại họp báo thường kỳ ở Hà Nội khẳng định: “Việt Nam bảo lưu toàn bộ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, và sẵn sàng trao đổi với Philippines để tìm kiếm và đi đến giải pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước.”
Trung Quốc, nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông hồi tháng trước cũng lên tiếng phản đối đệ trình mới của Manila và khẳng định những đòi hỏi của Philippines đã xâm phạm vào quyền chủ quyền và tài phán của Hoa Lục.