Nợ đọng lương, nhiều doanh nghiệp đường sắt có thể không trụ đến hết tháng

2021.04.15
Nợ đọng lương, nhiều doanh nghiệp đường sắt có thể không trụ đến hết tháng Ảnh minh họa: Nhiều nhân viên đường sắt Việt Nam đang bị nợ đọng đến 4 tháng lương
Ảnh: VNR

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ, cho biết các vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt khiến nhiều doanh nghiệp thuộc Tổng công ty nợ đọng lương và nhiều lao động có thể bỏ việc. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 15/4.

Theo VNR, phần vốn ngân sách Nhà nước hàng năm dành cho bảo trì đường sắt là 2.800 tỉ đồng (tương đương 121 triệu đô la), nhưng tới thời điểm này vẫn chưa được giao xuống. Với 11.300 công nhân, các công ty con của VNR làm nhiệm vụ bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đang nợ lương công nhân tới 4 tháng đồng thời cũng chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Tổng công ty, cho biết sự chậm trễ này có thể khiến nhiều lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì không có thu nhập.

“Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021”, ông Minh cho biết.

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng công ty đường sắt buộc phải cầu cứu Chính phủ cấp ngân sách. Năm ngoái, VNR cũng nợ lương nhân viên trong nhiều tháng nhưng đã sống sót qua khủng hoảng.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự bất đồng và thiếu phối hợp giữa hai cơ quan Chính phủ là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC).

Năm ngoái, Tổng Công ty Đường sắt đã trở thành một trong 19 doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền giám sát của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, Ủy ban này từ chối cung cấp kinh phí cho Tổng công ty vì cho rằng nhân viên duy tu, bảo trì thì phải được Bộ Giao thông vận tải trả lương vì bộ này quản lý ngân sách bảo trì và cơ sở hạ tầng. Trong khi đó Bộ Giao thông thì không thể cung cấp tiền cho bất kỳ đơn vị nào mà Bộ không quản lý.

Một giải pháp tạm thời đã được thống nhất trong năm ngoái là Bộ GTVT cung cấp số tiền cần thiết là 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn chưa rõ một quyết định tương tự có đạt được trong năm nay hay không.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.