Công an đàn áp biểu tình phản đối luật Đặc khu và An ninh mạng

RFA
2018.06.10
nguyenpeng_960.jpg Hình ảnh người biểu tình ở Sài Gòn sáng ngày 10/6/2018
Courtesy Nguyen Peng

Hàng ngàn người từ nhiều tỉnh thành của Việt Nam vào sáng ngày 10/6 đã đổ ra đường biểu tình phản đối luật đặc khu hành chính kinh tế (luật Đặc khu) và an ninh mạng được chính phủ trình quốc hội trong kỳ họp đang diễn ra tại Hà Nội.

Hình ảnh và video của những cuộc biểu tình cho thấy những người biểu tình mang theo các khẩu hiệu phản đối đề xuất cho thuê đất đặc khu lên đến 99 năm, phản đối cho Trung Quốc thuê đất.

Theo blogger Trương Duy Nhất, người tham gia biểu tình ở Sài Gòn, có khoảng 500 người tham gia nhóm biểu tình cùng blogger này tới trước Tổng lãnh sự Mỹ, sang nhà thờ Đức Bà tại trung tâm thành phố, với các khẩu hiệu ‘stop đặc khu’, ‘stop luật an ninh mạng’. Những người biểu tình hô to ‘vì độc lập, phản đối đặc khu’, ‘vì tự do, phản đối luật an ninh mạng’.

Theo các facebookers mà đài Á Châu Tự Do tiếp xúc được, có rất nhiều nhóm biểu tình ở Sài Gòn vào ngày 10/6.

Chính quyền đã huy động an ninh, công an đến đàn áp biểu tình. Các hình ảnh trên video cho thấy người biểu tình bị kéo lê trên đường phố và tống lên xe buýt đưa đi nơi khác. Theo Facebooker Dương Đại Triều Lâm, chính quyền đã huy động nhiều xe buýt để chở người bị bắt đưa về các phường ở quận 3 và quận 1. Nhà hoạt động Nguyễn Hương cho biết có hàng chục người đã bị bắt lên xe buýt và chở đi.

Nó bắt tôi lên xe, 6 thằng nó bắt tôi lên xe ở đường Lê Duẩn đó. 5, 6 thằng nó đánh đập tôi. Nhưng vì nó bắt thêm mấy người nữa nên tôi có cơ hội đạp cửa sau tôi vọt xuống. Nó đánh tôi gãy hai ba cái răng, đổ máu nhiều lắm. - Huỳnh Tấn Tuyên

Một người biểu tình ở Sài Gòn bị đánh đến đổ máu nhưng vẫn tiếp tục tham gia biểu tình là ông Huỳnh Tấn Tuyên, một Phật tử thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam Tống Nhất ở Vũng Tàu cho đài ACTD biết qua điện thoại.

“Thực ra vai trò người biểu tình chúng tôi đi rất ôn hoà, không kích động gì hết. Nói chung chúng tôi cũng cố giữ cho ôn hoà. Nó bắt tôi lên xe, 6 thằng nó bắt tôi lên xe ở đường Lê Duẩn đó. 5, 6 thằng nó đánh đập tôi. Nhưng vì nó bắt thêm mấy người nữa nên tôi có cơ hội đạp cửa sau tôi vọt xuống. Nó đánh tôi gãy hai ba cái răng, đổ máu nhiều lắm”

Ông Huỳnh Tấn Tuyên cho biết ông tiếp tục biểu tình khoảng 20 phút nữa rồi đi về vì máu chảy qúa nhiều. Về đến Vũng Tàu, ông phải vào bệnh viện khâu vài mũi trên môi bị đánh tét.

Tạị Hà Nội, có khoảng 150 đến 200 người tham gia biểu tình ở khu vực trung tâm thành phố, theo nhà hoạt động Trịnh Hiển. An ninh và công an cũng được huy động để đàn áp biểu tình theo các hình ảnh và video lan truyền trên mạng. Nhà hoạt động Trịnh Hiển cho biết có ít nhất khoảng 10 người bị túm tóc, lôi lên xe buýt ngay trước tượng đài vua Lý Thái Tổ.

Biểu tình cũng nổ ra ở thành phố biển Nha Trang, Phan Rí và Nghệ An. Theo anh Bảo Vinh, một người biểu tình tại Nha Trang, người biểu tình mang theo cờ và khẩu hiệu tập trung tại Quảng trường 2/4 Trần Phú rồi đi tới Yersin, tới Mã Vòng đường 23 tháng mười giáp ranh với Lê Hồng Phong. Anh Bảo Vinh nói anh đi biểu tình vì lòng yêu nước:

Em chỉ một lòng vì Việt Nam mình thôi, mình không có ý phản động chỉ có ý kiến, bức xúc về Việt Nam mình như vậy. Mình chỉ lên tiếng để Việt Nam mình được toàn vẹn, yên bề. Nói chung nếu mất nước cũng đâu được yên ổn gì’

Theo Facebooker Dương Đại Triều Lâm, đến khoảng 4 giờ chiều vẫn còn một nhóm khoảng 100 người biểu tình bị cô lập tại khu vực Nhà Thờ Đức Bà ở Sài Gòn.

Người biểu tình ở Hà Nội bị an ninh bắt hôm 10/6/2018.
Người biểu tình ở Hà Nội bị an ninh bắt hôm 10/6/2018.
Courtesy FB Hiển Trịnh

Đến cuối giờ chiều, Facebooker Nguyễn Lân Thắng cho biết những người bị bắt ở Hà Nội đã được thả ra.

Những cuộc biểu tình phản đối luật đặc khu và an ninh mạng của người Việt cũng nổ ra ở một số thành phố khác trên thế giới từ ngày 8/6 đến ngày 10/6 như ở California, Mỹ, ở Đài Loan, Nhật Bản.

Luật đặc khu được chính phủ trình quốc hội kỳ này bị đông đảo người dân phản đối vì lo ngại điều khoản cho thuê đất 99 năm và nhà đầu tư Trung Quốc sẽ ồ ạt vào lấy đất. Nhiều người cho rằng các điều khoản trong luật chẳng khác nào nhượng địa.

Trong khi đó luật an ninh mạng cũng vấp phải sự phản đối rộng khắp của người dân trong nước, các tổ chức nhân quyền và chính phủ Hoa Kỳ vì cho rằng các điều luật đã gia tăng việc kiểm soát quyền tự do bày tỏ ý kiến của người dân.

Từ ngày 6/6 đã có những lời kêu gọi biểu tình rộng khắp trên mạng internet phản đối hai dự luật này.

Trước những phản đối rầm rộ của người dân, vào sáng sớm ngày 9/6, ngay trước khi các cuộc biểu tình nổ ra, chính phủ ra thông báo lùi thời hạn thông qua luật Đặc khu cho đến kỳ họp quốc hội kế tiếp.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.