Việt Nam kêu gọi sử dụng các nguồn tài nguyên sông Mekong công bằng và bền vững
2020.01.10
Việt Nam yêu cầu các quốc gia trong khu vực sông Mekong cùng hợp tác sử dụng nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác một cách công bằng và bền vững.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết như vừa nêu, tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 9/1, khi trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến những tác động khi Trung Quốc tiến hành chạy thử đập thủy điện Cảnh Hồng từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 1.
Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh “Việt Nam tin rằng cùng với những lợi ích hợp pháp trong việc sử dụng nguồn nước sông Mekong cho sự phát triển thì các nước trong vùng phải có trách nhiệm tương hỗ trong việc sử dụng nguồn nước cũng như các nguồn tài nguyên khác một cách công bằng và bền vững nhằm đảm bảo các lợi ích cân bằng cho tất cả quốc gia vì sự thịnh vượng và sự phát triển bền vững trong khu vực”.
Bà Lê Thị Thu Hằng còn cho biết Việt Nam luôn giám sát, nghiên cứu và đánh giá mọi hoạt động liên quan đến nguồn nước sông Mekong.
Trước đó, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc ra thông báo đập Cảnh Hồng sẽ giảm lượng xả từ 1.200-1.400 m3/s xuống 800-1.000 m3/s trong thời gian chạy thử nghiệm, từ 1-3/1/2020 và lượng xả nước sẽ tiếp tục giảm xuống còn 504-800 m3/s vào ngày 4/1, sau đó sẽ trở lại mức bình thường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, vào ngày 31 tháng 12 cảnh báo rằng việc chạy thử đập Cảnh Hồng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng xấu đến đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam do nằm ở vùng hạ lưu.
Trong thời gian qua, giới khoa học Việt Nam cũng lên tiếng phản đối và cảnh báo Việt Nam đã ủng hộ Lào trong dự án xây đập thủy điện Luang Prabang, là đập thủy điện lớn nhất trong số 9 con đập dòng chính trên sông Mekong, được dự kiến khởi công vào tháng 7 năm 2020.
Thông tin từ MRC Ủy Hội Sông Mekong cho biết Công ty quốc doanh PetroVietnam Power Corporation là nhà đầu tư chính trong dự án xây đập thủy điện Luang Prabang. Giới chuyên gia cho rằng quyết định đầu tư này của Chính phủ Việt Nam sẽ làm cho cuộc sống của 20 triệu cư dân ở đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng nề hơn.