Cáo buộc từ phía Trung Quốc cho rằng Việt Nam đang xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên biển có vũ trang vừa bị Hà Nội bác bỏ.
Vào ngày 20/1, trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời giới truyền thông khi được hỏi về vấn đề liên quan rằng những thông tin mà tờ China Daily đưa ra với cáo buộc như vừa nêu là không đúng sự thật. Việt Nam hoàn toàn bác bỏ thông tin nói Hà Nội đang xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên biển có vũ trang.
Bài báo trên tờ China Daily số ra ngày 7/1 dẫn nguồn từ truyền thông nước ngoài rằng Việt Nam cho hạ thủy và bắt đầu thử nghiệm những tàu cá vỏ sắt 400 tấn được trang bị vũ khí. Những tàu như thế được đóng tại Xưởng Tập đoàn Sông Thu ở Đà Nẵng. Việc đóng tàu dân quân biển đại trà của Việt Nam khiến các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông lưu ý cũng như sự chú ý của công luận quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng an ninh hòa bình và tự vệ. Hoạt động của các lực lượng chức năng Việt Nam tuyệt đối tuân theo pháp luật VN, pháp luật quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.”
Trung Quốc lâu nay đã tăng cường xây dựng lực lượng dân quân biển mà giới quan sát cho rằng bề ngoài có vẻ là tham gia hoạt động đánh bắt hải sản thương mại; nhưng thực chất là để phục vụ các mục tiêu chính trị và quân sự của Bắc Kinh.
Hồi tháng ba năm ngoái, hơn 220 tàu dân quân biển được điều đến tại khu vực đá Ba Đầu ở Biển Đông.
Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington DC vào tháng 11 năm ngoái có báo cáo nhận định rằng Trung Quốc có thể đang có đội ngũ chừng 300 tàu dân quân biển tại Biển Đông. Những tàu này được Bắc Kinh dùng để né luật quốc tế và đòi yêu sách chủ quyền phi lý của họ.
Ngoài biện pháp sử dụng lực lượng dân quân biển, Trung Quốc vào tháng một năm ngoái đã ban hành Luật Hải cảnh mới và luật này bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng hai năm 2021 với quy định cho lực lượng Hải cảnh sử dụng vũ khí để ngăn chặn mọi vi phạm tại vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.