Việt Nam thiếu hụt hơn 40.000 trẻ sơ sinh gái mỗi năm

RFA
2020.07.17
000_Hkg9914153 Ảnh minh họa. Một em gái trẻ vị thành niên sắc tộc H'mong là nạn nhân của nạn nhân của nạn buôn người. Hình chụp ngày 9/5/14.
AFP

Báo cáo Thực trạng Dân số Thế giới năm 2020 ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.

Thông tin vừa nêu được công bố vào ngày 17/7, tại Hà Nội.

Báo cáo Thực trạng Dân số Thế giới năm 2020 do Quỹ Dân số Thế giới (UNFPA) thực hiện.

Báo cáo này ghi nhận nguyên nhân chính gây nên sự mất cân bằng tỷ số giới tính tại nhiều quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam là do tâm lý thích con trai và lựa chọn giới tính khi sinh.

Việt Nam lần đầu ghi nhận sự mất cân bằng về tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2004. Từ năm 2005, tỷ số này được ghi nhận gia tăng nhanh chóng.

Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra so với 100 bé gái. Trong khi, tỷ số tự nhiên là 105 bé trai so với 100 bé gái khi sinh.

Tỷ số mất cân đối giới tính tại Việt Nam được ước tính thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.

Theo chuyên gia Quốc gia về Bình đẳng giới và Lựa chọn Giới tính thiên lệch về giới, bà Khuất Thu Hồng chỉ ra 3 căn nguyên chính mà Việt Nam bị mất cân đối về tỷ lệ giới tính là do truyền thống tổ chức gia đình phụ hệ, trong đó đề cao vai trò của con trai; mô hình sinh sống bên nội, con gái lấy chồng ở nhà chồng; và tục lệ thờ cúng tổ tiên, con trai nối dõi gia đình.

Bà Khuất Thu Hồng còn nêu lên một nghiên cứu cho thấy có đến 60% nam giới Việt Nam đặt ra tiêu chí có con trai mới là người đàn ông thành đạt, đích thực.

Trong khi đó, Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 thì gần 63% phụ nữ bị bạo hành ít nhất một lần trong đời. Và trong vòng 1 năm qua, có 31,6% phụ nữ đang là nạn nhân bị bạo hành.

Báo cáo Thực trạng Dân số Thế giới năm 2020 của UNFPA chỉ ra rằng có ít nhất 19 thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái. Những thực hành đó bị thế giới lên án là hành vi xâm hại và vi phạm quyền con người.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.