Việt Nam trao công hàm phản đối Trung Quốc tập trận tại Hoàng Sa

RFA
2020.07.02
  Hình minh hoạ. Lính Trung Quốc đi tuần ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa hôm 29/1/2016
Reuters

Việt Nam đã giao thiệp và trao công hàm cho phía Trung Quốc phản đối cuộc tập trận tại Hoàng Sa, yêu cầu Bắc Kinh không lặp lại hoạt động mà Hà Nội cho là vi phạm chủ quyền này đối với vùng biển của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, cho báo giới biết như vừa nêu tại cuộc họp báo thường kỳ hằng tuần ở Hà Nội vào ngày 2 tháng 7.

Bà Lê Thị Thu Hằng nói rằng “Việc Trung Quốc tập trận tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC), cũng như duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.”

Phát biểu vừa nêu của Bà Lê thị Thu Hằng được đưa ra sau khi Cục Hải sự tỉnh Hải Nam vào ngày 29 tháng 6 ra thông báo quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa từ ngày 1 cho đến ngày 5 tháng 7 và yêu cầu tất cả các tàu thuyền tránh khỏi khu vực tập trận.

BenarNews trích phát biểu của chuyên gia Hải quân Bryan Clark thuộc Học viện Hudson ở Washington rằng có vẻ Hải quân Trung Quốc tập trận liên quan đến an ninh hoặc chiếm giữ đảo ở Biển Đông. Mục đích nhằm chứng minh cho các nước Đông Nam Á rằng Trung Quốc có thể đến và đuổi họ ra khỏi đảo.

Chuyên gia Bryan Clark sau khi nghiên cứu các hình ảnh vệ tinh chụp căn cứ quân sự của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa, phát biểu rằng “Cuộc tập trận không phải mô phỏng một cuộc tấn công vào các lực lượng quân sự khác mà dùng quân đội ra tay như cảnh sát để trấn án tình trạng bất ổn dân sự tiềm tàng.”

Hình ảnh vệ tinh mà BenarNews đưa ra cho thấy một bãi đáp trực thăng Type 071 dùng cho chiến tranh đổ bộ tại cảng Phú Lâm và 3 tàu nhỏ quét mìn.

Trong khu vực tập trận còn xuất hiện một số tàu tuần duyên.

Gần đây, Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương 4 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Về hoạt động này, bà Lê Thị Thu Hằng cho rằng các hoạt động thăm dò, khảo sát phải c ó sự đồng ý của Việt Nam, phù hợp với Công ước Liên hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.