Bộ Ngoại giao Việt Nam: sẽ tìm kiếm khả năng để đưa “Hoàng đế chi bảo” về nước

2022.11.03
Bộ Ngoại giao Việt Nam: sẽ tìm kiếm khả năng để đưa “Hoàng đế chi bảo” về nước Ấn "Hoàng đế chi bảo"
Tiền Phong

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 3/11 cho báo chí biết Bộ này sẽ chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tìm kiếm các khả năng và triển khai các biện pháp cần thiết để có thể đưa ấn “Hoàng đế chi bảo” về nước.

Ấn “Hoàng đế chi bảo” được nhà đấu giá Million của Pháp công bố đem ra bán đấu giá vào ngày 31/10. Tuy nhiên, theo báo Nhà nước, phía Chính phủ Việt Nam cho biết đã thương lượng để Millon đồng ý tạm hoãn đấu giá ấn này trong 10 ngày, tức đến ngày 10/11 để Việt Nam thương lượng được mua trực tiếp.

Cục Di sản cho biết, “Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ nỗ lực phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng một số bộ ngành, tổ chức, cá nhân để huy động mọi nguồn lực nhằm "hồi hương" ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về nước trong thời gian sớm nhất.”

Việc “Hoàng đế chi bảo” được đem ra bán đấu giá tại Pháp cũng khiến dư luận chú ý với nhiều ý kiến khác nhau về khả năng đưa ấn này về nước.

Hôm 26/10, ông Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam ( Hoàng tộc nhà Nguyễn ) đã gửi văn bản đến ông Jean Gauchet, Giám định viên hãng đấu giá Millon, yêu cầu hủy bỏ cuộc đấu giá. Ông cho biết Hội đồng Nguyễn Phúc tộc là tổ chức kế thừa chính thức của Vương triều Nguyễn, chiếc ấn Hoàng đế chi bảo là quốc bảo của vương triều Nguyễn. Ông này bày tỏ sự ngạc nhiên khi bảo vật quốc gia lại được rao bán một cách rất thông thường.

Theo thông tin từ Cục Di sản văn hoá, trong 143 năm tồn tại với 13 đời vua, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (gọi là kim bảo), chế tác từ ngọc quý (gọi là ngọc tỉ).

Hiện nay, trong sưu tập Kim Ngọc Bảo Tỉ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ, bảo quản được 85 kim ngọc bảo tỉ (trong đó có hai kim bảo đời Quốc chúa Nguyễn Phúc, còn lại là kim ngọc bảo tỉ của chín đời vua và vương hậu triều Nguyễn).

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Nguyễn Văn
03/11/2022 11:42

Trước tiên là phải xác định hai bảo vật này là thuộc quyền sở hữu quốc gia hay của tư nhân. Nhưng dù là quốc gia hay tư nhân, nếu muốn “hồi hương” thì phải mua lại chứ không thể thu hồi. Thuộc quốc gia thì mua lại, xông vào công quỹ, thuộc về tài sản của quốc gia; còn nếu xác định thuộc tư nhân thì bất cứ ai cũng có quyền mua lại làm tài sản của tư nhân. Vì tòa Pháp đã xử, và vật đã có sở hữu chủ, nên kiện cáo rất phức tạp, khó thắng.

Cựu hoàng Bảo Đại không phải là chủ của 2 món vật trên mà nó thuộc về tài sản của quốc gia nên không có quyền để lại cho bất cứ ai ngoại trừ người kế vị. Không có bất cứ cá nhân nào, kể cả vua, được quyền sở hữu tài sản của quốc gia. Trường hợp này, dù bảo ấn và kiếm có thất lạc hay ở nước ngoài thì nó vẫn thuộc về quốc gia. Tranh tụng để đòi lại thì phải có đại diện quốc gia đứng ra nhưng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian vì hiện vật đang ở nước ngoài và có sở hữu chủ. Giải pháp mau lẹ và tốt hơn là bỏ tiền ra mua lại đem về.
nv