Việt Nam cứu 154 người tị nạn Rohingya nhưng lại trao trả cho chính quyền quân sự Myanmar

RFA
2022.12.09
Việt Nam cứu 154 người tị nạn Rohingya nhưng lại trao trả cho chính quyền quân sự Myanmar Người gặp nạn lên tàu Hai Duong 38 ngày 7/12 tại khu vực biển Andaman Sea, phía Nam Myanmar.
VTC News

Hai tàu dịch vụ dầu khí phối hợp cơ quan chức năng Việt Nam bàn giao cho chính quyền quân sự Myanmar 154 người tị nạn Rohingya mà họ đã cứu trên biển trước đó, điều này theo một nhóm các nhà hoạt động là vi phạm nguyên tắc "không hoàn trả" của luật nhân quyền quốc tế.

Mạng báo VTC News, tờ báo nhà nước duy nhất đưa tin về vụ việc, cho biết, tàu Hải Dương 29 và tàu hỗ trợ lai dắt Hải Dương 38 của Công ty Cổ phần Hàng hải Dầu khí Hải Dương (HADUCO) cứu được 154 người gặp nạn, trong đó một nửa là phụ nữ và trẻ em, tại khu vực biển Andaman Sea, ngoài khơi Myanmar hôm 7/12.

Sau khi đưa những người này an toàn lên tàu của mình, các thuyền viên đã liên hệ và làm việc với cơ quan chức năng Việt Nam và trong khu vực ASEAN về sự việc. Ngay sau khi nhận được thông tin từ HADUCO, các đơn vị chức năng Myanmar đã đến và tiếp nhận họ.

Tờ báo thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông không cho biết, những người này là ai và lý do vì sao họ lại chen chúc nhau trên một con tàu nhỏ lênh đênh trên biển.

Một tổ chức xã hội dân sự độc lập của Myanmar có tên Mạng lưới Phụ nữ vì Hoà bình (Women Peace Network), xác nhận những người này là người Hồi giáo Rohingya thiểu số.

Bà Wai Wai Nu, người sáng lập của tổ chức này khẳng định với phóng viên RFA qua email:

HADUCO có trụ sở tại Việt Nam, sau khi tham khảo ý kiến của chính quyền nước này, đã chuyển giao 154 người tị nạn Rohingya mà họ đã giải cứu trước đó cho chính quyền quân sự diệt chủng Myanmar. Điều này vi phạm nguyên tắc không hoàn trả.”

Theo Điều 33, của Công ước quốc tế về vị thế của người tị nạn năm 1951 quy định về việc cấm trục xuất hoặc hồi hương, "không một quốc gia nào tham gia Công ước được trục xuất hoặc bắt người tị nạn hồi hương bằng bất kỳ hình thức nào đến biên giới thuộc những lãnh thổ nơi mà cuộc sống hay sự tự do của người ấy bị đe doạ vì các lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, hay vì lý do là thành viên của các nhóm xã hội nhất định, hay bởi quan điểm chính trị."

Chính quyền Việt Nam đến nay đã tham gia hầu hết các công ước về nhân quyền, tuy nhiên chưa tham gia công ước này.

Theo Mạng lưới Phụ nữ vì Hoà bình, những người được cứu, bao gồm 83 đàn ông, 40 phụ nữ, tám trẻ em gái và 23 trẻ em nam, đối mặt với sự trừng phạt của chính quyền quân sự Myanmar sau khi họ bị phía Việt Nam giao nộp.

Một đoạn video đăng tải trên twitter của nhà hoạt động Aung Kyaw Moe cho thấy, những người gặp nạn ngồi vạ vật trên boong tàu dịch vụ dầu khí xen lẫn tiếng khóc lóc.

Một đoạn video khác có sự xuất hiện của những thủy thủ mặc áo HADUCO và một sỹ quan hải quân Myanmar, trong đó một người đàn ông dùng vật không xác định đánh một người trong nhóm người tị nạn.

Phóng viên RFA gọi điện thoại cho HADUCO và được một nhân viên phòng Hành chính đề nghị đến trụ sở doanh nghiệp này để được cung cấp thông tin, hoặc gửi yêu cầu bình luận bằng email.

Chúng tôi đã gửi email cho công ty này và Bộ Ngoại giao Việt Nam để bình luận về cáo buộc của Mạng lưới Phụ nữ vì Hoà bình nhưng chưa nhận được phản hồi.

Theo Reuters, người Rohingya là một nhóm thiểu số bị đàn áp trong nhiều năm ở Myanmar và nhiều người đã mạo hiểm mạng sống của mình để cố gắng đến Malaysia và Indonesia, nơi đa số là người Hồi giáo, trên những chiếc thuyền ọp ẹp.

Cuộc di cư của họ khỏi Myanmar và từ các trại tị nạn tồi tàn ở nước láng giềng Bangladesh, đã gia tăng sau cuộc đàn áp chết người năm 2017 của quân đội, lực lượng hiện đang nắm quyền ở Myanmar sau cuộc đảo chính năm 2021.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USa
10/12/2022 09:10

Thật là độc địa, độc ác...!
thằng nhà nước ác... giao trứng cho ác... cho thằng nhà nước ác... cá mè, một lứa !

Việt Nga
11/12/2022 12:41

Thật tội nghiệp cho nhóm người Rohingya này tương tự như người Việt chúng ta vượt biển tìm tư do năm xưa.Đã ra khỏi biển Đông nhưng gặp tàu Liên Xô(Nga bây giờ).
Tưởng đã thoát bàn tay sắt máu Cộng sản VN nào ngờ gặp bàn tay độc ác của Liên Xô.
Tránh võ dưa lại gặp võ dừa. Xin chia buồn cho những người kém may mắn trên đường tỵ nạn cộng sản này.

Việt Nga
11/12/2022 12:47

Nhìn vào ảnh thì đa số là con nít vị thành niên. Tội nghiệp các em. Những bác sĩ ,kỹ sư, khoa học gia tương lai của đất nước và thế giới kém may mắn. Rồi đây tương lai các em lại gần kề với nghề nghiệp bán vé số dạo ,móc bọc nhựa , đánh giày... Giống như các em Việt Nam vượt biển tỵ nạn cộng sản Việt nam thất bại năm xưa.