Bộ Ngoại giao VN thông báo xác nhận tàu Hải Dương 8 rút khỏi vùng biển VN

RFA
2019.10.25
tàu Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao VN
Courtesy of VOV

Truyền thông trong nước cho biết trong thông cáo phát đi, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ “Liên quan đến hoạt động của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng. Mọi hoạt động trong vùng biển Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam đều là hành động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt nam. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và không tái diễn sự vi phạm”.

Trước đó, ngày 24/10 trong bản tin của Reuters phát đi từ Hà Nội nêu rõ tàu Hải Dương 8 rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam với sự hộ tống của ít nhất hai tàu khác.

Nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc đã liên tục vi phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam từ tháng 7 đến nay, gây căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Việt Nam ít nhất 4 lần lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu khảo sát và những tàu hộ tống đi vì đã vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Ngược lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng vào ngày 18/9 cho rằng “Trung Quốc có quyền chủ quyền và tài phán đối với vùng nước ở bãi Tư Chính trong khu vực quần đảo Trường Sa”. Mặc dù trước đó, ngày 12/9 người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định tại một cuộc họp báo rằng Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Khu vực mà Trung Quốc gọi là 'bãi Vạn An' thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982", bà Hằng nói. "Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và thực tiễn xét xử thời gian qua đã khẳng định rõ điều này".

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.