Ngân hàng Thế giới: Việt Nam thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020
Việt Nam ghi nhận thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020. Ngân hàng Thế giới (WB) Việt Nam phân tích như vừa nêu trong công bố cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2021.
Theo Ngân hàng Thế giới, trong tháng 2/2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm 4,2% trong khi nhập khẩu tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế này dẫn đến thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng 4 năm 2020.
Cụ thể, máy tính, sản phẩm điện tử và quang học, máy móc, kim loại và sản phẩm kim loại, gỗ và đồ nội thất vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khi đó, xuất khẩu hàng dệt may, giày dép và điện thoại giảm.
Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đa số tập trung sản xuất sản phẩm công nghệ cao, giảm 1,0%, so với mức giảm 15,1% của các doanh nghiệp trong nước (so với cùng kỳ năm trước).
Phân tích về đối tác thương mại, Ngân hàng Quốc tế cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và Trung Quốc tăng, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản giảm.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 2/2021 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Thế giới nhận định xu hướng này cho thấy Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.