Những điểm bất nhất việc góp ý sửa đổi Hiến pháp

Gia Minh, phóng viên RFA
2013.04.09
kyten305.jpg Giáo dân giáo xứ Ngọc Long, giáo phận Vinh, ký kiến nghị đòi hủy điều 4 hiến pháp 1992.
File photo

 

Ba tháng đầu tiên lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã qua và truyền thông Nhà Nước bắt đầu đưa ra một số thống kê về số ý kiến góp ý.

Tuy nhiên trong những thống kê đó có một số điểm bất nhất và những người theo dõi vấn đề bất mãn.

Số liệu Nhà Nước chỏi nhau

Hồi đầu tháng tư vừa qua, tờ Sài Gòn Giải Phóng trích dẫn số liệu của Ban Biên tập Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nói rằng đến cuối tháng 3 đã có hơn 26 triệu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992.

Vào ngày 8 tháng tư, mạng VNN có bài nói về việc một bản dự thảo Hiến pháp mới nhất sẽ được trình Ủy ban Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Trong đó nêu ra con số mà theo bài báo là cho đến thời điểm hiện nay có hơn 20 triệu lượt ý kiến của các tầng lớp nhân dân góp ý cho dự thảo sửa đổi hiến pháp.

Mạng Trang Tin Điện tử tỉnh Bình Dương, hồi tuần rồi có bài cho biết tại Câu Lạc Bộ Hưu Trí của tỉnh vào ngày 3 tháng tư, phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương, bà Trần Thị Kim Vân, họp báo công bố kết quả lấy ý kiến người dân về dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Bà này thông báo tỉnh Bình Dương trong hai đợt lấy ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992, tỉnh này có hơn 44 triệu 500 ngàn ý kiến đóng góp.

Nghi ngờ

Việc góp ý cho sửa đổi Hiến pháp các vị đưa về đến tận tổ dân phố, đến từng nhà; hầu hết các tổ dân phố đã động viên mọi người hãy ký vào để đồng ý với dự thảo hiến pháp.
Nguyễn Hữu Hoàn

Ngay sau khi bài báo của mạng thông tin tỉnh Bình Dương được đưa lên, nhà văn Nguyễn Quang Vinh đưa ra ý kiến trên trang facebook cá nhân rằng với con số mà bà Trần thị Kim Vân đưa ra thì trong ba tháng qua mỗi người dân tỉnh Bình Dương đóng góp 30 ý kiến cho dự thảo sửa đổi hiến pháp vì dân số tỉnh này là gần 1,5 triệu người, tổng cộng những cháu bé cho đến những người lớn tuổi.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho rằng thực sự không biết phải bình luận thế nào. Ông cho rằng tin đó sẽ làm các lãnh đạo rất vui và nếu thực sự con số đó phản ánh đúng tinh thần, trách nhiệm của người dân tỉnh Bình Dương đối với đất nước thì tỉnh này đáng nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Lý do nhờ thành tích đặc biệt xuất sắc trong việc tuyên truyền, lấy ý kiến đóng góp cho sửa đổi hiến pháp năm 1992.

Ngoài ý kiến của nhà văn Nguyễn Quang Vinh về con số tại tỉnh Bình Dương góp ý cho dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992, một số người lâu nay quan tâm đến vấn đề này như ông Nguyễn Hữu Hoàn tại Sài Gòn, người từng có thư ngỏ gửi cho các đại biểu quốc hội khóa 13 về vấn đề sửa đổi hiến pháp năm 1992, có ý kiến như sau:

Các nhân sĩ trí thức trình bày bản kiến nghị 72 về sửa đổi hiến pháp sáng 04/2/2013 tại Hà Nội.
Các nhân sĩ trí thức trình bày bản kiến nghị 72 về sửa đổi hiến pháp sáng 04/2/2013 tại Hà Nội.
Các nhân sĩ trí thức trình bày bản kiến nghị 72 về sửa đổi hiến pháp sáng 04/2/2013 tại Hà Nội.

“Vấn đề này theo chủ quan của tôi, việc góp ý cho sửa đổi Hiến pháp các vị đưa về đến tận tổ dân phố, đến từng nhà; hầu hết các tổ dân phố đã động viên mọi người hãy ký vào để đồng ý với dự thảo hiến pháp. Còn những người mà có ý kiến ‘này, kia’; tức ý kiến khác đi một chút không thống kê được; nên không thể nói. Còn con số người đồng ý mà bảo 44 triệu, cũng chỉ nghe vậy thôi; chứ còn thực chất làm sao biết được.”

Một người cũng vừa có ý kiến không đồng ý với bản dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 được tổ dân phố đưa cho là ông Nguyễn Doãn Kiên tại Hà Nội. Ông này cũng nói về vấn đề những số liệu liên quan mà các cơ quan chức năng nhà nước đưa ra trong thời gian gần đây:

“Ở Việt Nam tất cả những cơ quan truyền thông đại chúng đều thuộc quyền của Đảng Cộng sản; cho nên con số thống kê chắc ai cũng biết là không đúng sự thật rồi.”

Ý kiến trái chiều

Những người không hoàn toàn đồng ý với bản dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 do Nhà Nước đưa về đến tận tổ dân phố như hai ông Nguyễn Hữu Hoàn và Nguyễn Doãn Kiên nêu rõ trong phiếu xin ý kiến của họ những lý do mà họ không đồng ý.

Ông Nguyễn Doãn Kiên nhắc lại quan điểm của bản thân đối với bản dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 được Tổ dân phố nơi ông cư ngụ đưa đến cho ông:

“Tôi là một người dân sống trong xã hội, tôi cũng có quan tâm đến các sự kiện đang diễn ra ở xã hội này. Về sự kiện sửa đổi hiến pháp năm 92 này, tôi cũng đã xem thông tin trên mạng và các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi biết có rất nhiều đóng góp cho đợt dự thảo sửa đổi hiến pháp này mang tính tích cực và xây dựng, ví dụ như Kiến nghị của 72 Nhân sĩ Trí thức, cũng như Góp ý Sửa đổi Hiến pháp của Hội đồng Giám mục Việt Nam, rồi Tuyên bố của Công dân Tự do.

Ngay từ đầu trong phiếu xin ý kiến dự thảo sửa đổi hiến pháp đưa cho tôi, tôi đã khẳng định Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam này đã hủ bại đến mức không thể sửa mà chỉ có thể bị hủy. Tôi cho rằng chiêu trò sửa đổi hiến pháp này chỉ là chiêu trò bài ba lá, tráo bài ba lá mà Đảng Cộng sản và một số người được trả lương để định hướng dư luận bày ra để lừa bịp nhân dân và dư luận quốc tế thôi, chứ chẳng sửa đổi để tốt hơn. Tôi chắc chắn sẽ không có gì thay đổi như trong phần đầu phiếu xin ý kiến tôi đã ghi.”

Tôi cho rằng chiêu trò sửa đổi hiến pháp này chỉ là chiêu trò bài ba lá, tráo bài ba lá mà Đảng Cộng sản và một số người được trả lương để định hướng dư luận.
Nguyễn Doãn Kiên

Ông cũng nói lại mục đích khi ghi rõ ràng quan điểm trong phiếu xin ý kiến mà Nhà Nước đưa cho người dân góp ý:

“Trong thư ý kiến của tôi, tôi cũng nói rằng tôi là một học viên Pháp Luân Công. Trong pháp môn của tôi, Sư Phụ cấm không được tham gia chính trị. Chính vì thế những hoạt động chính trị như thế này, tôi cũng không có hứng thú để tham gia. Nhưng ở khu phố của tôi, mỗi nhà được phát một tờ này, và một quyển dự thảo hiến pháp và tổ dân phố yêu cầu ai cũng phải có ý kiến; nếu không có ý kiến thì ghi vào là không có ý kiến; nếu có ý kiến như thế nào đồng ý hoặc không đồng ý, hoặc có nhận xét về điều gì thì hãy ghi vào tờ giấy này.

Bản thân tôi là người tin vào Thần, Phật nên tôi biết được tội ác của chế độ cộng sản vô thần từ xưa đến nay như thế nào. Đồng thời tôi cũng là một kỹ sư xây dựng và tôi có kiến thức.Tôi có tìm hiểu trên mạng Internet những thông tin bị bưng bít từ rất nhiều năm nay về những tội ác của chế độ cộng sản. Tôi nghĩ rằng tôi nói ra những điều mà từ xưa đến nay con người ta cứ sợ, cứ e sợ. Tôi muốn nói sự thật, nên tôi nghĩ gì thì viết ra, chứ không có chuẩn bị gì và cũng không có ý đồ gì để mà góp ý.”

Trên trang facebook Dongngan Đỗ Đức, có bản sao của phiếu góp ý của một người góp ý ký tên Đỗ Văn Đức nói rằng thời gian đọc để góp ý quá ngắn. Người này cho rằng bản thân không có bản gốc để so sánh nên sự góp ý sẽ hời hợt manh tính hình thức, chất lượng không cao, không thực chất. Tuy vậy, người ký tên Đỗ Văn Đức cũng nêu ra một số điểm cần sửa đổi đó là về Điều 4. Theo ông này thì đảng lãnh đạo dù có công lao gì cũng phải nằm trong lòng dân tộc, và đảng cầm quyền phải nằm dưới sự giám sát của quốc hội. Đảng không có sự giám sát là gốc của tham nhũng.

Cũng như một số kiến nghị khác, tác giả Đỗ Văn Đức cho rằng lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với nhân dân, bảo vệ tổ quốc; không cần tách ra phải trung thành với Đảng, vì đảng nằm trong đó. Dự thảo sửa đổi hiến pháp cũng cần phải xem lại quyền sở hữu đất đai. Cần viết cho rõ về quyền tự do báo chí và ngôn luận để được thực thi trong thực tế.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.