Những điểm khác biệt ở Hội thảo biển Đông tại Quảng Ngãi
2013.04.30
Trong hai ngày 27 và 28 tháng 4, tại đại học PHạm Văn Đồng, tỉnh Quảng Ngãi, đã diễn ra hội thảo biển Đông với chủ đề, chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các yếu tố pháp lý và lịch sử. Buổi hội thảo quy tụ nhiều học giả trong và ngoài nước. Nhân dịp này, Việt Hà phỏng vấn tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người tham gia thuyết trình tại hội thảo.
Tập trung về chủ quyền của VN
Trước hết nói về điểm khác biệt của hội thảo này so với các hội thảo quốc tế về biển Đông trước kia, tiến sĩ Nguyễn Nhã cho biết:
TS Nguyễn Nhã: Tôi thấy là nó khác nhiều ở điểm là ở đây là tại một trường đại học tổ chức, địa điểm đặc biệt là Quảng Ngãi, và đồng thời nội dung cũng khác nhiều, cũng tập trung về vấn đề biển Đông, đặt vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa trường Sa. Người ta tập trung nhiều các vấn đề nổi cộm hiện nay là Philippines đưa ra tòa án biển.
Việt Hà: Thưa ông xin ông cho biết là trong hội thảo hôm nay, các học giả cũng nói về vụ kiện của Philippines, thì các học giả có nhận định thế nào về khả năng thành công của vụ kiện này?
Đa số các học giả đều thấy là cần những giải pháp hòa bình, giải pháp hợp tác. Người ta cũng nói là không để bên nào mất mặt.
-TS Nguyễn Nhã
TS Nguyễn Nhã: Người ta cũng nói có nhiều khả năng. Nhưng có nhiều người nói là đây là một khả năng cũng rất tốt cho Philippines thắng kiện, và khi Philippines thắng thì người ta cũng đặt ra vấn đề là Trung Quốc có tuân thủ không. Hiện nay Trung Quốc không chấp nhận 1 trong 5 thẩm phán của tòa quốc tế đó, phải thay thế một đại diện, tức là thẩm phán của Ba Lan.
Người ta cũng bàn nhiều về vấn đề như vậy thì hậu quả ra sao, khi tòa án quốc tế có kết luận. Người ta phân tích nhiều là Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và lịch sử nào về đường chữ U hay đường đứt khúc 9 đoạn, tức là đường lưỡi bò. Có cái ngại là Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao khi có những kết luận của tòa án. Trong đó người báo cáo và những người thảo luận cũng đặt ra vấn đề như thế. Có nhiều người nói đây là một dịp tốt cho Việt Nam.
Việt Hà: Các học giả hôm nay có đưa ra những kiến nghị gì trong việc giải quyết tranh chấp tại biển Đông?
TS Nguyễn Nhã: Đa số các học giả đều thấy là cần những giải pháp hòa bình, giải pháp hợp tác. Người ta cũng nói là không để bên nào mất mặt. Có nói là chủ nghĩa dân tộc hiện nay đang phát triển, vì sức ép đó, có người nói là các giải pháp làm thế nào để một bên nào bị sức ép như vậy, bị mất mặt. ASEAN phải đoàn kết với nhau.
Từ đoàn kết đó, họ phân tích về COC nhưng người ta ngại là Trung Quốc không hợp tác, tức trì hoãn. Vấn đề đặt ra vẫn là dấu hỏi về thái độ của Trung Quốc hiện nay. Họ nói hợp tác luôn tỏ thái độ dữ dằn.
Việt Hà: Hội thảo biển Đông lần này tổ chức tại Quảng Ngãi là tỉnh có rất nhiều ngư dân khi đi đánh bắt cá tại Hoàng Sa, chịu nhiều thiệt hại do tranh chấp ở biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo ông hội thảo lần này tại Quảng Ngãi có ý nghĩa thế nào với người dân tại đây và tỉnh Quảng Ngãi?
TS Nguyễn Nhã: Theo tôi tổ chức hội thảo này đúng vào thời gian huyện đảo Lý Sơn tổ chức lễ khao lề tế lính Hoàng Sa, tức là lễ người dân Lý Sơn nói riêng và nói chung cả quê hương từ khi Lý Sơn tách tra khỏi đất liền, là nôi của đội Hoàng Sa, là dân binh đi khai thác biển Đông, có nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền của mình tại Hoàng Sa, Trường Sa. Vì đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải. Tại một địa điểm như vậy, đến ngay mai các học giả quốc tế sẽ đến để chứng kiến lễ khao lề ở huyện đảo Lý Sơn.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.