Đầu tư ở Việt Nam phải theo lệ làng

Doanh nhân quốc tế đặc biệt là Hoa Kỳ cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn quá nhiều khó khăn trở ngại.

Hạ tầng còn quá kém

Dù đã hội nhập thế giới tham gia WTO, trải qua 1 thập niên là đối tác thương mại với Hoa Kỳ, nhưng Việt Nam vẫn bị các nhà đầu tư cho là chưa sẵn sàng cho một sân chơi lớn. Nhận xét này khi mới nghe có vẻ chứa đựng sự mâu thuẫn.

Nam Nguyên nêu câu hỏi này với TS Lê Dăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội, trước hết ông đưa ra nhận định:

Việt Nam đã có nhiều cải cách luật pháp khi gia nhập tổ Chức Thương Mại Thế Giới, nhưng việc tuân thủ các pháp luật đó như quyền sở hữu trí tuệ đang còn thấp.

TS Lê Đăng Doanh

TS Lê Đăng Doanh: Qua các buổi làm việc, tiếp xúc với doanh nhân Hoa Kỳ, tôi thấy họ thường than phiền về một số việc. Thứ nhất, kết cấu hạ tầng của Việt Nam còn quá kém, thí dụ như đường cao tốc, bến cảng và điện năng còn kém.

Thứ hai, việc thực thi luật pháp của Việt Nam chưa được cao, Việt Nam đã có nhiều cải cách luật pháp khi gia nhập tổ Chức Thương Mại Thế Giới, nhưng việc tuân thủ các pháp luật đó như quyền sở hữu trí tuệ đang còn thấp. Đặc biệt chế độ kế toán ở Việt Nam chưa theo các chuẩn mực quốc tế, qui chế về công khai minh bạch cũng vậy chưa tuân thủ chuẩn mực quốc tế.

Trung tâm thương mại Parkson Hùng Vương do Malaysia đầu tư tại Việt Nam. Photo courtesy of yup.vn
Trung tâm thương mại Parkson Hùng Vương do Malaysia đầu tư tại Việt Nam. Photo courtesy of yup.vn

Điểm thứ ba, Việt Nam đã tăng được xuất khẩu rất mạnh sau khi hội nhập nhưng đấy chủ yếu là những sản phẩm do thiên nhiên ban tặng, còn một ít sản phẩm như dệt may da giày thì đấy là những sản phẩm gia công. Việt Nam chưa tham gia một cách thành công, trở thành một chuỗi giá trị để sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao hơn, thí dụ như sản phẩm công nghệ trung bình như ô tô Việt Nam chưa tham gia, về điện tử Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở lắp ráp chứ chưa làm được những chi tiết. Đối với những sản phẩm cao cấp hơn Việt Nam cũng không làm được, thí dụ hãng máy bay Boeing muốn giao cho Việt Nam làm một số chi tiết, nhưng cho đến nay Boeing vẫn chưa tìm được doanh nghiệp nào có thương hiệu có công nghệ có trình độ đủ uy tín.

Cuối cùng là về bộ máy, người ta vẫn cứ nêu lên vấn đề tham nhũng và mất nhiều thì giờ tiền bạc để thực hiện những qui định của pháp luật.

Nam Nguyên: Như TS vừa nói, doanh nhân quốc tế đặc biệt là Mỹ cho rằng luật pháp Việt nam đã được cải tổ nhiều nhưng việc áp dụng lại chưa tốt chưa công bằng. Cụ thể về vấn đề này là như thế nào?

TS Lê Đăng Doanh: Có mấy vấn đề, trước hết hệ thống pháp luật của Việt Nam những luật theo qui định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới thì đã có cải tiến tương đối tốt.

Thế nhưng còn các luật pháp khác như luật đất đai, luật xây dựng không phải tuân thủ qui định của WTO, thì việc thực thi có nhiều vấn đề, tính công khai minh bạch rất là thấp và sự mất đối xứng thông tin giữa bên có quyền quyết định với bên doanh nhân đang còn rất lớn.

Người Mỹ quen hành động theo pháp luật, người ta tin rằng nếu làm đúng theo pháp luật thì như vậy sẽ được giải quyết nhưng khi đến Việt Nam thì họ thấy rằng là thực tế của Việt Nam vẫn đang còn khác.

Thiếu minh bạch

Cuối cùng là về bộ máy, người ta vẫn cứ nêu lên vấn đề tham nhũng và mất nhiều thì giờ tiền bạc để thực hiện những qui định của pháp luật.

TS Lê Đăng Doanh

Nam Nguyên: TS có nêu thí dụ về vấn đề kế toán. Hệ thống kế toán xã hội chủ nghĩa được cho là thiếu minh bạch, dễ lạm dụng để tránh thuế trốn thuế. Hệ thống đào tạo chuyên môn của Việt Nam đã giảng dạy kế toán phương tây đặc biệt là kế toán Mỹ từ hai thập niên qua, vậy thì tại sao ở Việt Nam lại không áp dụng các chuẩn mực này?

TS Lê Đăng Doanh: Tôi được biết chế độ kế toán đã có những bước cải tiến. Theo tôi, các chuyên viên kế toán Việt Nam không phải là không biết luật hoặc là không tuân thủ đúng luật, mà bởi vì cuộc sống và cách kinh doanh ở Việt Nam đòi hỏi người ta phải chi thêm những khoản tiền, mà những khoản tiền này không thể nào đưa vào trong sổ sách kế toán một cách minh bạch được, một điều rất khó khăn cho các nhà kế toán. Vì vậy họ đành phải tìm cách biến báo thêm thẹo” làm sao cho có thể bôi trơn được để công việc có thể thành công. Muốn như vậy họ rất khó tuân thủ được qui định chặt chẽ của luật kế toán trên thế giới.

Nam Nguyên: Thưa trong số những nhận xét đưa ra, doanh nhân nước ngoài đặc biệt là Mỹ cũng than phiền về thuế vụ và hải quan, đây cũng là vấn đề mà doanh nghiệp trong nước than phiền không kém. Phải chăng Việt Nam chưa đủ quyết tâm cải cách hay vì trở ngại nào khác?

TS Lê Đăng Doanh: Chính phủ có thực thi dự án 30, đã bỏ được rất nhiều thủ tục và giảm được nhiều chi phí theo như thông báo của trang thông tin điện tử của chính phủ về dự án 30. Nhưng gần đây qua cuộc đối thoại ở TP.HCM giữa ngành thuế và ngành hải quan với doanh nghiệp thì khoảng cách còn rất xa.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở Nam Sài Gòn, do Đài Loan đầu tư tại Việt Nam. RFA PHOTO.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở Nam Sài Gòn, do Đài Loan đầu tư tại Việt Nam. RFA PHOTO.

Thậm chí còn có người nói rằng đây là cuộc đối thoại giữa hai người điếc, một bên nói rằng mình đã cải tiến rất nhiều làm được nhiều việc, còn một bên nói rằng ông cải tiến ở đâu chứ chúng tôi làm việc trực tiếp với người này người này ở đây ở đây thì nó lại là khác. Hai bên đi tới kết quả là sẽ phải nỗ lực hơn nữa.

Tôi nghĩ rằng đây là hai lãnh vực mà doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan nhà nước. Cơ quan thuế họ có quyền nếu họ không cấp giấy chứng nhận đóng thuế thì doanh nghiệp có thể bị đối mặt với những chuyện rất phức tạp. Còn hải quan thì doanh nghiệp muốn nhập muốn xuất họ đều cần phải thực hiện việc này trong khoảng thời gian nhất định vì tàu hàng đã đến rồi hàng đã dỡ xuống rồi hoặc đang chờ lên tàu, nếu mà không lên được thì rất nhiều khó khăn.

Vì vậy trong hai trường hợp ấy, tôi nghĩ rằng cơ quan thuế và hải quan có một số những viên chức nhất định nào đấy đang lợi dụng các tình hình đó và vòi vĩnh làm khó cho doanh nghiệp.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã trở lời đài RFA.

Theo dòng thời sự: