Vai trò của chính quyền trong việc cứu trợ lũ

Hình ảnh những cán bộ địa phương lội trong giông gió để đến với người dân vùng lũ khiến nhiều người xúc động mặc dù sự giúp đỡ giới hạn của chính quyền địa phương chưa thể xóa hết những thiếu thốn của người dân.

0:00 / 0:00

Việt Nam là nước được xem có độ lũ lụt hàng năm cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nhiều cơn bão dữ sau khi phá hoại Philippines thì trạm dừng thứ hai thường là miền Trung Việt Nam. Mức độ thiệt hại nhân mạng tuy không nghiêm trọng như tại Trung Quốc hay Phi nhưng đối với nhiều vùng đất nghèo khó như Miền Trung thì sự tàn phá mùa màng, tài sản là nỗi đau khó thể bù đắp.

Đang vật lộn với lũ

Tất cả 12 huyện huyện nào cũng bị hết. 178 xã bị nặng, 105 xã ngập sâu. Đây là một trận lũ lớn trong vòng năm bảy chục năm trên diện rộng và nước lên trong thời gian rất ngắn.

Ô. Võ Kim Cự

Hai trận lũ liên tiếp chỉ trong vòng hai tuần đã nhấn hầu như toàn bộ miền Trung dưới màn nước trắng. Người dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chen nhau trốn lũ. Truyền hình nhà nước ghi lại những hình ảnh thương tâm của hàng ngàn gia đình khiến cả nước xúc động và chừng như mọi sinh hoạt đều ngừng lại để sẻ chia sự mất mát to lớn mà đồng bào miền Trung đang vật lộn để chống chọi.

Có một điều làm người dân năm nay cảm thấy ấm lòng hơn những năm trước là bên cạnh họ xuất hiện nhiều khuôn mặt chính quyền hơn. Những chiêc thuyền ca nô chạy liên tục trên một vùng nước rộng lớn ngập trắng để chia sẻ những khoảnh khắc ngắn ngủi khi nó ghé vào chỗ này để đưa vài thùng mì gói, ghé vào chỗ nọ để đón nạn nhân đang cheo leo trên nóc nhà chờ được cứu. Mưa gió không làm sờn những chiếc nón cối quen thuộc của làng quê miền Bắc nay chừng như gần gũi với người dân bất hạnh hơn.

Anh Hà, được biết dưới cái tên Blogger Xã Đoài đưa ra nhận xét về giới chức chính quyền có mặt tại các vùng lũ như sau:

“Theo quan sát của tôi thì ngay sáng hôm qua, ngay bến cầu của xã Nghi Xuân thì tập trung khá đông nhân viên của chính quyền họ đi xuồng máy, mặc áo phao để kiểm tra thị sát tính hình và họ cũng đem theo mì tôm để giúp cho người đói.”

Hình ảnh các em bé, cụ già ngồi co ro trên những mái nhà sát với mặt nước, tay vẫy gọi những chiếc thuyền nhỏ chạy ngang hầu tìm sự sống đã làm rơi lệ biết bao người. Đói và lạnh cùng sự sợ hãi đã làm người dân nhớn nhác trước thiên tai, những ánh mắt lạc đi vì thất vọng chắc chắn sẽ còn thấy trong nhiều trận bão sắp tới kéo dài từ năm này sang năm khác trong nỗi bất lực của người dân, kể cả sự bất lực của nhiều cơ quan nhà nước ở cấp thấp nhất.

Người dân chèo thuyền qua một ngôi nhà ngập lụt ở Hà Tĩnh hôm 17/10/2010. AFP Photo.
Người dân chèo thuyền qua một ngôi nhà ngập lụt ở Hà Tĩnh hôm 17/10/2010. AFP Photo.

Ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Minh Hóa tỉnh Quảng Bình trả lời phóng viên báo Tiền Phong ông cho biết xã của ông hầu như đang trở lại năm 1945 sau hai cơn lũ đập. Ông cho biết hầu hết tài sản của người dân mất trắng, 95 ngôi nhà bị sập, gần 700 con trâu bò và hàng ngàn con lợn chết, lúa gạo không còn lấy một hạt để ăn…

Ông Võ Kim Cự, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thanh Hóa cho biết tình hình lụt tại địa phương ông quản lý:

“Tất cả 12 huyện huyện nào cũng bị hết. 178 xã bị nặng, 105 xã ngập sâu. Đây là một trận lũ lớn trong vòng năm bảy chục năm trên diện rộng và nước lên trong thời gian rất ngắn. Nhà nước đã cấp mì tôm nước uống v..v. Sáng nay tôi còn kêu máy bay tới nữa. Trung ương giúp 1.000 tấn gạo rồi, hơn 100 tỷ….Huyện đem xuống xã rồi đem xuống thôn xóm, trách nhiệm thôn xóm thì phải đem đến từng người.”

Mỗi năm vài trận lụt

Cái điều nguy hại nhất là dịch bệnh thứ hai là bị rắn cắn. Có rất nhiều người ở Xã Đoài bị rắn cắn trong ngày hôm qua.

Anh Hà

Phó Chủ tịch huyện Minh Hóa, ông Đinh Hồng Hộ, nói về Tân Hóa, ông than thở, Tân Hóa là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo, thế nhưng sau 2 trận lũ lụt, nay Tân Hóa trở lại thời kỳ của năm 45, với 100% hộ đói. Theo ông Hộ, cái đói ở Tân Hóa sẽ kéo dài gần 1 năm, còn để xã trở lại bình thường, phải mất 5 năm.

Theo ông Đinh Đồng Hộ thì hằng năm, Tân Hóa phải gánh chịu từ 2 đến 3 trận lũ lụt nên người dân nơi đây được xem là có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống, hay nói theo ngôn ngữ đương đại thì người dân đã có kinh nghiệm sống chung với lũ. Tuy nhiên, trong trận lũ lụt vừa rồi, mọi kinh nghiệm, không thể áp dụng.

Theo một cán bộ của xã Tân hóa, hữu hiệu nhất là cấp cho mỗi thôn khoảng mươi chiếc thuyền loại nhỏ để người dân chủ động cứu nhau trong lũ. Như Cồn Nâm là thôn làm nông nghiệp, dân không có thuyền, muốn cứu nhau là phải trầm mình, bơi trong nước lũ. Hình ảnh những con người lạnh lẽo trong mưa gió ngâm mình trong giòng nước không phải là hiếm trong các trận lũ lụt, những chiếc thuyền loại nhỏ có sức chứa từ 4 tới 5 người thật là lý tưởng cho người dân nhưng hình như các cấp cao hơn không hề tính tới phương án này.

Nước ngập còn mang theo những tai họa khác đó là rắn độc chen chúc với người dân trong những cành cây trơ lại trong biển nước. Cây cối bị rắn bám đầy là nỗi kinh hoàng cho người trốn lũ, anh Hà cho biết người dân quê anh sống chung với rắn như sau:

“Cái điều nguy hại nhất là dịch bệnh thứ hai là bị rắn cắn. Có rất nhiều người ở Xã Đoài bị rắn cắn trong ngày hôm qua. Có người bị rắn độc cắn thì phải nhanh chóng đi viện. Hôm qua có một người phải đi bệnh viện Huyện để chữa trị. Mưa thì rắn tập trung ở trên cây cho nên rắn và người cùng sống chung với lũ.”

Cảnh ngập lụt tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh chiều 17/10/2010. AFP Photo.
Cảnh ngập lụt tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh chiều 17/10/2010. AFP Photo.

Tuy cật lực và có mặt kịp thời từ những phút đầu nhưng nỗi đau quá lớn cũng làm cho người dân bức xúc. Họ đòi hỏi chính quyền phải làm nhiều hơn, thiết thực hơn trước những đòi hỏi cấp bách của họ. Ông Võ Kim Cự, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết những suy nghĩ của ông về các bức xúc mà ông cho là hợp lý:

“Cũng có vài điều cá biệt thì có thể họ nói chưa đạt với cuộc sống bình thường của họ trước khi lũ. Lũ trôi là một nỗ lực lớn của chính quyền trung ương và ngay cả huyện và xã họ cũng cố gắng lắm. Dân mong muốn thì cũng tốt thôi nhưng cũng phải cần thời gian.”

Mỗi lần lũ tới là người dân và chính quyền địa phương hầu như cùng chia sẻ lo âu và khốn đốn như nhau. Họ sống cùng một làng quê, chia nhau dòng chảy của từng con sông ngọn suối. Nỗi bất hạnh của người này là nỗi đau láng giềng hàng xóm của người kia. Người dân biết và tận đáy lòng họ không đòi hỏi gì hơn vì chính họ cũng biết giới hạn của một chính quyền cấp xã.

Câu hỏi mà không ai không muốn biết là bao giờ thì cấp trung ương mới phối hợp một cách khoa học với từng địa phương để hỗ trợ cho họ phương tiện cần thiết chống lũ lụt trước khi những công văn có hình thức liên tiếp gửi đi mà không mang một điều gì cụ thể.

Những cái chết do thiên tai gây ra, những tài sản do lũ lụt tàn phá có thể giảm thiểu nếu thực hiện tốt những điều cụ thể mà người dân vùng lũ ao ước trong hàng trăm năm qua.

Theo dòng thời sự: