Trễ còn hơn không
Qua chỉ thị số 45 ban hành ngày 22 tháng 7 vừa qua, Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam yêu cầu giảm cấp độ tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, trong đó có ngày thành lập đảng cộng sản Việt Nam 3 tháng 2 năm 1930, giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch, chiến thắng Điện Biên Phủ 7 tháng 5 năm 1954, ngày quốc khánh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2 tháng 9 năm 1945, ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh 19 tháng 5 năm 1890, ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước 30 tháng 4 năm 1975. Với những lễ này, trong tương lai chỉ tổ chức 10 năm một lần, vào các năm chẵn ở cấp trung ương và địa phương. Không tổ chức duyệt binh trong các lễ này, khi cần thiết, cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định.
Đây là một chỉ thị kịp thời, trước áp lực của dư luận quần chúng, vì người ta thấy vừa qua có nhiều lãng phí đến lố bịch.
GS Tương Lai
Chỉ thị mới cũng nhắc đến các kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của các lãnh tụ, danh nhân, nhân vật lịch sử quốc tế, các lãnh đạo tiền bối của đảng cộng sản, nhà nước. Thời gian tổ chức lần đầu, khi tròn 100 năm, những lần tiếp theo là 10 năm, một lần.
Công tác tổ chức được giao cho Học viện chính trị, hành chánh quốc gia Hồ Chí Minh phụ trách, phối hợp với các cơ quan chức năng để lo tổ chức lễ kỷ niệm và hội thảo khoa học.
Bộ Chính trị cũng khuyến cáo các bộ ngành không tổ chức lễ trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, các hình thức khen thưởng riêng, tặng quà, chiêu đãi, mà kết hợp với các ngày lễ truyền thống của các cơ quan, đơn vị, bộ ngành. Cần giảm bớt việc huy động quần chúng tham gia lễ hội, việc mời khách nước ngoài tham gia hoạt động kỷ niệm, phải có sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền.
Góp ý về chị thị của Bộ Chính trị yêu cầu giảm cấp độ tổ chức lễ hội, ngày kỷ niệm, hiện nay lên tới vài trăm lần trong một năm, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện Trưởng Viện Phát triển Việt Nam nhấn mạnh:

“Đây là một chỉ thị kịp thời, trước áp lực của dư luận quần chúng, vì người ta thấy vừa qua có nhiều lãng phí đến lố bịch, ví dụ nước còn nghèo, dân đang khổ, một trận mưa cũng ngập lụt cả thành phố Hà Nội mà nhà nước định làm 5 cổng chào tốn 5 tỷ bạc. Trước áp lực quyết liệt bây giờ người ta mới bỏ và chỉ làm cổng chào bằng hoa. Đất nước mình có truyền thống lịch sử rất vẻ vang, có biết bao anh hùng, bao nhiêu chiến công, không phải chỉ từ 1930 trở lại đây mà từ trước, mỗi một chặn đường, đất nước đều ghi lại chiến công, nếu mỗi chiến công, sự kiện, nhân vật anh hùng, đều tổ chức nghi lễ rất rườm rà thì không biết công sức, tiền thuế của dân đổ vào đấy, biết bao nhiêu cho hết.”
Tránh thất thoát
Giáo sư Tương Lai cũng cho rằng việc tổ chức lễ kỷ niệm dồn dập và liên tục như thế là dịp thuận lợi để tiền của thất thoát vào tay các “ông bà lớn”:
Người dân sẽ đồng tình và hoan nghênh nếu chánh phủ làm được điều đó, ngược lại họ tiếp tục dùng hình thức đàn áp những dân thấp cổ bé họng, mà dù có bàn đến thì có lẽ cũng để đó thôi.
Chị Lê Thị Kim Thu
“Hình thức kỷ niệm tốn kém rườm rà, sức người sức của đổ dồn vào đấy, là một sự lãng phí ghê gớm, đó là bệnh khoa trương hình thức, đi ngược lại truyền thống của dân tộc. Chỉ thị của bộ Chính trị kỳ này là sự tiếp thu dư luận quần chúng, đó là điều đáng hoan nghênh, cũng phải nói là trong khi tổ chức kỷ niệm như vậy, cũng biểu thị lòng biết ơn, thành kính đối với những người đã hy sinh vì nước vì dân, nhưng dịp đó, bao giờ những con sâu mọt cũng nám vào đấy, cho nên không thiếu chuyện người ta bày đặt ra, để chấm mút, chia chác. Ngay như chuyện đau đớn là làm tượng đài Điện Biên Phủ, người ta cũng “rút ruột” tượng đài ấy ra, nhiều người bây giờ đang phải ra hầu tòa, nếu cứ bày ra nhiều chuyện thì đấy là một điều kiện để tham nhũng.”
Chị Lê Thị Kim Thu, một dân oan bị cầm tù ở Ninh Bình, vì từ miền Nam ra Hà Nội khiếu kiện đất đai với hàng trăm người khác, nói lên suy nghĩ của những người kém may mắn, cùng hoàn cảnh khó khăn như mình:

“Những lễ hội hàng năm chi tiêu quá lớn, một kỳ họp đơn giản thôi cũng mất bao nhiêu tiền của là sự đóng góp của người dân, mồ hôi, công sức của dân. Thời gian hội họp của mấy ông to, để bàn việc tổ chức kỷ niệm, thì nên bàn việc nước, đó là công việc cần làm, điển hình là số phận những người dân oan bị mất đất đai, nhà cửa, không nơi nương tựa, trong đó có những gia đình hữu công với chế độ cộng sản, nay bị ngược đãi. Nhà nước nên dành thời giờ cho những người dân khốn cùng, giải quyết nguyện vọng của họ. Người dân sẽ đồng tình và hoan nghênh nếu chánh phủ làm được điều đó, ngược lại họ tiếp tục dùng hình thức đàn áp những dân thấp cổ bé họng, mà dù có bàn đến thì có lẽ cũng để đó thôi, chứ không giải quyết được gì cho dân oan” .
Dịp này, chị Kim Thu cũng cho rằng, nhà nước nên quan tâm đến cuộc sống của thành phần nghèo khó thay vì dành nhiều công của cho chuyện tổ chức quá nhiều lễ hội:
“Có cơ hội để bỏ túi thì đó là chuyện chắc chắn 100 phần 100 rồi, trong việc tổ chức lễ hội thường thì cơ quan nhỏ, ăn nhỏ mà lớn thì ăn lớn, tiền đó cũng do mồ hôi, nước mắt của dân mà ra.”
Dư luận mong rằng chỉ thị của Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam về việc giảm quy mô, cấp độ tổ chức các ngày kỷ niệm, hình thức khen thưởng, ăn mừng chiến thắng, sẽ được sớm chấp hành nghiêm chỉnh và có hiệu quả để các hiện tượng tiêu cực như làm tiêu hao tiền công quỹ, mất thời giờ của dân và chuyện bòn rút của mấy ông lớn , thường được gọi là “cấp cao có thẩm quyền” sẽ chấm dứt càng sớm càng tốt.
Theo dòng thời sự:
- Vẫn là thói chơi sang, bệnh hình thức
- Tổ chức lễ hội nhằm biển thủ công quĩ nhà nước
- Con đường gốm sứ ven sông Hồng
- Ngàn năm Thăng Long dưới mắt một nhà Hà Nội học
- Ráo riết chuẩn bị các lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long
- Hà Nội đã sẵn sàng cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long?
- Ngàn Năm Thăng Long trong mắt người nghệ sỹ