Ngàn năm Thăng Long dưới mắt một nhà Hà Nội học

Chỉ còn 6 tháng nữa, lễ kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long sẽ được tổ chức rầm rộ tại Hà Nội. Từ hai năm qua, nhà nước đã chi từ ngân sách hàng ngàn tỷ cho đại lễ này.
Khoa Diễm, phóng viên RFA
2010.03.23
New_houses_Hano-305.jpg Quang cảnh Hà Nội ngày nay với những ngôi nhà xây lộn xộn
Photo courtesy of Wikipedia

Liệu những nỗ lực đó có tác dụng gì tới văn hóa cũng như đời sống tinh thần của người dân Việt hay không? Khoa Diễm có buổi phỏng vấn với GS Lê Văn Lan, nhà Hà Nội học, có tham gia vào chương trình Ngàn năm Thăng Long, để tìm câu trả lời thỏa đáng.

Chưa như mong muốn

Khoa Diễm: Thưa Giáo sư, xin cám ơn Giáo sư đã dành thời gian cho chúng tôi trong buổi nói chuyện hôm nay. Thưa ông, xin ông cho biết những chuẩn bị của nhà nước trong dịp lễ trọng đại này như thế nào ạ?

GS Lê Văn Lan: Ta có hai hướng như thế này: một mặt thì dân chúng không mấy lo toan mà chỉ chờ để thụ hưởng mà thôi; còn thì về mặt chính quyền, về mặt phụ trách lãnh đạo dân chúng và đất nước thì lại quá ư sốt sắng.

Nhưng mà thực tế, với tình hình quá nhiều sốt sắng và mong ước như thế cộng với việc dân chúng chưa được hiểu rõ vấn đề để tích cực đóng góp chung lo vào đây, cho nên có một tình trạng đến bây giờ có thể nhận ra được, ấy là mong muốn thì nhiều nhưng mà thực hiện thì lại chưa được bao nhiêu.

Tức là có nhiều việc đang chậm tiến độ, có nhiều việc chắc là không hoàn thành, có nhiều việc thì lại phải đặt lại, như vậy thì gọn lại đến ngày đại lễ theo quy định là vào tháng 10 này thì tình hình kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long chắc là sẽ rất tưng bừng vui vẻ đấy, nhưng cũng có nhiều hạng mục công trình chưa làm được như là mong muốn. 

LyThaiTo200.jpg
Tượng Lý Thái Tổ tại Hà Nội. Photo courtesy of Wikipedia
Photo courtesy of Wikipedia
Khoa Diễm: Chúng tôi được biết phim Lý Thái Tổ sẽ là một điểm nhấn của ngày hội này nhưng do có quá nhiều trục trặc nên có thể phim này sẽ không ra mắt kịp vào dịp lễ, thông tin này có chính xác không, thưa Giáo sư?

GS Lê Văn Lan: À, vâng. Đúng là như thế. Về phim Lý Thái Tổ thì tôi có được phân công tham gia thẩm định, giúp đỡ, sửa chữa và đóng góp vào việc dựng phim. Tốn kém thì rất nhiều nhưng mà cái việc thực hiện ấy nó có nhiều trục trặc quá.

Trục trặc về mặt tổ chức, trục trặc về mặt hiểu biết, và chủ yếu là về kinh phí không thống nhất được giữa bên muốn làm phim và bên cấp tiền để làm phim, thành ra cuối cùng, như mọi người biết đấy, thì chúng tôi đã có một văn bản chính thức dùng ba chữ là "giảm tiến độ" cho phim này.

Như vậy thì gọn lại, đến ngày đại lễ như dự định sẽ chiếu cái phim về người xây dựng, người định đô Thăng Long là Lý Thái Tổ, sẽ không có như là đã dự kiến bắt tay vào làm thử được một thời gian. 

Nhà “Bảo tàng Hà Nội”

Khoa Diễm: Gần đây thì dư luận lên tiếng nhiều về việc xây dựng nhà bảo tàng riêng cho Thăng Long, xin Giáo sư cho biết diễn tiến việc này như thế nào ạ?

GS Lê Văn Lan: Về cái bảo tàng thì vấn đề nó lại hơi khác ở chỗ là nhiều người mong mỏi có một bảo tàng riêng cho thủ đô Hà Nội từ nhiều năm nay rồi. Tôi nhớ nếu không lầm thì cũng đã từ năm 85 - 86, tức là cách đây cũng đến 15 - 20 năm rồi đã có ý tưởng, ý định, và chúng tôi cũng đã có tham gia vào các cuộc họp để chuẩn bị cho việc làm bảo tàng này, nhưng mà khó khăn trước tiên là không có đất trong khi quỹ đất lại phải dành cho rất nhiều công trình khác.

Đến ngày đại lễ theo quy định là vào tháng 10 này thì tình hình kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long chắc là sẽ rất tưng bừng vui vẻ đấy, nhưng cũng có nhiều hạng mục công trình chưa làm được như là mong muốn. 

GS. Lê Văn Lan

Thế rồi đến lúc mà tìm được ra đất rồi thì lại khó trong việc gọi là "giải phóng mặt bằng". Tức là không giải phóng mặt bằng được hoặc là giải phóng mặt bằng chậm, thành ra cuối cùng thì cái "Bảo tàng Hà Nội" này hy vọng là có thể xây xong kịp vào dịp đại lễ tháng 10 này, nhưng việc trưng bày các cổ vật bên trong như thế nào thì chắc là không hoàn thành đồng bộ được.

Hy vọng là có thể làm được một vài gian về cái thời tiền Thăng Long, tức là trước khi có Thăng Long trước rồi đợi đến sau này thì sẽ bổ sung dần dần. 

Khoa Diễm: Về dự án Hoàng thành Thăng Long thì sao ạ?

GS Lê Văn Lan: Vâng, cái dự án rất lớn và cũng là mong muốn của chính quyền cũng như là trông đợi của toàn dân, ấy là cái dự án về Hoàng thành Thăng Long. Đây là một phát hiện khảo cổ học mà chắc chắn là gây chấn động và có tầm quan trọng lớn.

Bac_Môn-250.jpg
Mặt tiền Hoàng thành Thăng Long chụp năm 2009. Photo courtesy of Wikipedia
Mặt tiền Hoàng thành Thăng Long chụp năm 2009. Photo courtesy of Wikipedia
Thế thì dự án để bảo tồn, tôn tạo, khai thác khu di tích vô cùng quý giá là Hoàng thành Thăng Long này thì đã có rồi, nhưng mà lại gặp vô cùng khó khăn vì thực chất chỗ này là di tích chồng lên di tích từ thời chống Bắc thuộc tức là từ thế kỷ 7 tới thế kỷ 9, thế rồi thời Lý, rồi thời Trần, thời Lê, thời Nguyễn, và cả thời hiện đại nữa. Cứ ở chỗ này mà chồng chất lên nhau, thành ra phải bóc tách ra rồi thu xếp cho chỗ nào là gốc, chỗ nào bây giờ chưa phải là thật gốc thì cần phải dời đi như thế nào đấy, nhiều khó khăn vô cùng.

Cho nên đến bây giờ, cái gọi là "giải phóng mặt bằng" để mà có thể thì hành, ứng dụng các dự án thì vẫn chưa làm xong. Thế rồi việc gọi là "hạ giải" tức là bỏ bớt đi những công trình mà không cần thiết được cái thời hiện đại này xây dựng lên trên cái khu di tích Hoàng thành thì cũng lại chưa được sự đồng thuận, cho nên là "hạ giải" cũng vẫn chưa làm được triệt để.

Khoa Diễm: Theo như báo chí loan tin thì UBND-TP Hà Nội đang tập trung nhiều công trình chuẩn bị cho các ngày lễ hội Ngàn năm Thăng Long, việc này diễn tiến ra sao thưa Giáo Sư?

Cuối cùng thì cái "Bảo tàng Hà Nội" này hy vọng là có thể xây xong kịp vào dịp đại lễ tháng 10 này, nhưng việc trưng bày các cổ vật bên trong như thế nào thì chắc là không hoàn thành đồng bộ được. 

GS. Lê Văn Lan

GS Lê Văn Lan: Cái tập trung để làm bây giờ là cái lễ hội gồm có đến mấy cái lễ hội vào ngày khai mạc, vào ngày giữa, vào ngày kết thúc. Rồi thì ở các địa điểm như là ở Quảng Trường Ba Đình, ở Hội Trường Mỹ Đình, ở sân vận động Hàng Đãy. Trước thì định sử dụng cả mặt nước Hồ Tây để làm lễ hội nhưng mà bây giờ thì cũng lại đang tiến hành gấp rút hoàn chỉnh các kịch bản, rồi huy động sức người, sức của cùng tinh hoa và ý chí của tất cả mọi miền đất nước, cùng với người Hà Nội bây giờ làm lễ hội sao cho thật xứng đáng.

Như thế này tôi nghĩ đấy chắc là cây đinh của dịp đại lễ này, tức là các lễ hội vào 10 ngày đầu tháng 10.

Khoa Diễm: Xin cám ơn Giáo Sư đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.