Campuchia: chính phủ cần giải thích việc đổi đất với VN

Vấn đề chính phủ Campuchia và Việt Nam ký thỏa thuận hoán đổi diện tích một số khu vực ở biên giới đang gây xôn xao dư luận Xứ Chùa Tháp.
Quốc Việt, thông tín viên RFA
2012.03.26
IMG_0579-305.jpg Trụ sở Quốc hội Vương quốc Campuchia, ảnh chụp hôm 15/07/2010.
RFA PHOTO


Quan ngại của nhiều người cho rằng biện pháp đó sẽ làm Campuchia mất đất. Các dân biểu đảng đối lập Sam Rainsy và Hội đồng giám sát Campuchia vừa đệ đơn lên Quốc hội xứ này, yêu cầu Thủ tướng trả lời chất vấn. Từ Campuchia, thông tín viên Quốc Việt có bài tường trình sau đây:

Campuchia sẽ mất đất?

Ngày 26/3, dân biểu đảng đối lập Sam Rainsy và Hội đồng giám sát Campuchia yêu cầu Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch Ủy ban biên giới trả lời chất vấn tại Quốc hội liên quan công tác cắm mốc biên giới trên bộ và ký kết thỏa thuận hoán đổi diện tích một số khu vực biên giới giữa Campuchia và Việt Nam.

Chúng tôi có quyền nhận được giải thích đầy đủ liên quan công tác cắm mốc biên giới và quá trình tiến hành hoán đổi diện tích tại các khu vực giáp biên giới.

DB Son Chhay

Thư trình lên Quốc hội, được thực hiện sau khi Ủy ban biên giới Campuchia và Việt Nam ký hai thỏa thuận hồi ngày 14/3. Bức thư cho rằng hai thỏa thuận này làm người dân lo ngại tạo cơ hội cho Việt Nam xâm lấn lãnh thổ Campuchia hợp pháp, điều này Thủ tướng Hun Sen phải có trách nhiệm trả lời chất vấn trước Quốc hội, để giải đáp thắc mắc liên quan vấn đề biên giới Campuchia – Việt Nam.

Dân biểu đảng đối lập Sam Rainsy là ông Son Chhay cho biết kể từ năm 1993 Thủ tướng Hun Sen chưa bao giờ trả lời chất vấn trước Quốc hội liên quan vấn đề biên giới Campuchia – Việt Nam, trong khi đó Hiệp ước bổ sung xác định những sửa đổi đã được hoạch định bởi Hiệp ước hoạch định biên giới giữa Campuchia và Việt Nam ký ngày 27/12/1985 luôn là đề tài tranh luận tại Quốc hội.

Vẫn theo ông, chính phủ thường ngăn chặn dân biểu đảng đối lập đến xem xét cột mốc biên giới đất liên, đồng thời bác bỏ những yêu cầu giải thích kỹ thuật công tác cắm mốc của Ủy ban biên giới. Ông cho rằng thỏa thuận hoán đổi diện tích đã làm hàng triệu người dân phẫn nộ vì phần lớn cho rằng đó là hành động bất lợi cho phía Campuchia.

Dân biểu Son Chhay phát biểu: “Chúng tôi có quyền nhận được giải thích đầy đủ liên quan công tác cắm mốc biên giới và quá trình tiến hành hoán đổi diện tích tại các khu vực giáp biên giới. Bên cạnh đó, chúng tôi muốn biết Ủy ban biên giới sử dụng bộ bản đồ nào để thực hiện công tác phân giới cắm mốc vì bản đồ phân định biên giới giữa Campuchia và Việt Nam được làm bởi Pháp trước năm 1953 có khổ 1/100.000 được quốc tế công nhận trong khi bộ bản đồ mới có khổ 1/50.000 hai nước vừa thỏa thuận sản xuất. Thủ tướng có trách nhiệm trả lời chất vấn tại Quốc hội vì ông là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc ký kết Hiệp ước.”

Lãnh đạo cấp cao Campuchia và Việt Nam vừa có buổi gặp để kiểm điểm việc thực hiện Bản ghi nhớ của hai chính phủ ký tháng 4/2011 về việc điều chỉnh một số khu vực biên giới trên bộ vào ngày 14/3 vừa qua. Tại cuộc gặp giữa Chủ tịch Ủy ban biên giới Var Kimhong và Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, hai bên đã ký thỏa thuận về việc chính phủ Việt Nam hỗ trợ xứ Chùa Tháp kinh phí sản xuất bộ bản đồ biên giới theo tỷ lệ 1/50.000 và thỏa thuận điều chỉnh một số khu vực biên giới trên bộ.

samrainsysrainsy250.jpg
Lãnh tụ đối lập Sam Rainsy cùng một số đồng bào Campuchia ở xã Samrong, huyện Chanhtrea, tỉnh Svay Riêng đang nhổ cột mốc biên giới Việt - Miên hồi năm 2009. Source: SamRainsy-party website.
Hai bên còn nhất trí hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc và hoán đổi diện tích phần đất chênh lệch trước tháng 6/2012. Tăng cường hợp tác và cố gắng xây dựng bộ hồ sơ pháp lý về biên giới Campuchia – Việt Nam, bao gồm Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu, bộ bản đồ biên giới Camppuchia – Việt Nam.

Liên quan vấn đề này, đại diện Hội đồng giám sát Campuchia là ông Rong Chhun bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến thỏa thuận hoán đổi diện tích một số khu vực giáp biên giới của hai nước. Campuchia sẽ gặp nhiều bất lợi trong quá trình hoán đổi đất đai vì vừa qua người dân và Hội đồng giám sát chưa bao giờ nghe phía Việt Nam bị mất đất hay bị Campuchia lấn chiếm bằng cột mốc ở các khu vực biên giới; tuy nhiên, điều đó xảy ra đối với dân Campuchia sống ở tỉnh Svay Rieng, Kampong Cham, Prey Veng và nhiều tỉnh thành khác giáp biên giới Việt Nam.

Quốc hội chưa đồng tình

Hội đồng giám sát nhận thấy rằng việc chính phủ quyết định hoán đổi diện tích đất tại một số khu vực biên giới với Việt Nam mà không có sự tín nhiệm từ tất cả 123 đại biểu Quốc hội và sự tham gia đóng góp ý kiến từ các Tổ chức ngoài chính phủ là một quyết định trắng trợn, cần được sự giải thích rõ hơn. Do đó, Hội đồng giám sát gửi đơn tới 123 dân biểu cũng như Chủ tịch Quốc hội thống nhất xin ý kiến các đại biểu Quốc hội cho Chủ tịch Ủy ban biên giới hay Thủ tướng trả lời chất vấn về vấn đề hoán đổi đất, xóm làng, đồn điền…v.v.

Ông Rong Chhun nhận xét: “Chúng tôi giám sát rất chặt chẽ liên quan Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới Campuchia – Việt Nam năm 1985. Đó là Hiệp ước bất hợp pháp vì Hiệp ước này sinh ra bởi chính phủ và thỏa thuận bởi chính phủ trong khi chính phủ Việt Nam đứng phía sau. Hiệp ước trong thập niên 80 đã làm cho Campuchia mất đất bằng cách cắm cột mốc. Song song đó, việc chính phủ thực hiện hoặc ký thỏa thuận theo Hiệp ước bổ sung về việc hoán đổi diện tích đất ở khu vực biên giới và xây dựng bộ bản đồ mới đã trái với điều 2, Hiến Pháp Campuchia.”

Còn những ý kiến đưa ra bộ bản đồ mới sẽ trái lại với quy định trong điều 2, Hiến pháp thì không chính xác vì trong thực tế không có cột mốc.

Ô. Var Kimhong

Chủ tịch Ủy ban biên giới Campuchia Var Kimhong khẳng định rằng công tác phân giới cắm mốc của Ủy ban đều thông qua Quốc hội. Việc chỉnh đổi, chuyển vẽ đường biên giới đất liền là công việc hết sức quan trọng. Ông đỗ lỗi cho bộ bản đồ phân định biên giới giữa Campuchia – Việt Nam được làm bởi Pháp có khổ 1/100.000 với tổng cộng 124 cột là không thể phân định rõ đường biên giới đất liền của hai nước.

Theo đó, việc xây dựng bộ bản đồ mới là nhằm thực hiện tinh thần Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985; thực hiện bản ghi nhớ giữa hai nước ký hồi tháng 4/11 về việc điều chỉnh một số khu vực biên giới. Tất cả các hoạt động điều chỉnh diện tích là để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giáp biên giới Việt Nam sinh sống, làm ăn dễ dàng hơn. Ủy ban biên giới thực hiện công tác cắm mốc trên tinh thần tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, khách quang, có trách nhiệm và theo kỹ thuật hiện đại.

Ông Var Kimhong nhấn mạnh: “Chúng phủ sẽ hoán đổi diện tích đất đai ngay tại tỉnh đó đúng theo bản ghi nhớ ký hồi năm 2011. Việc hoán đổi diện tích phần đất chênh lệch sẽ giúp người dân biết rõ đường biên giới và sẽ không có trường hợp bị xâm phạm. Sau khi chính phủ hai nước kết thúc công tác cắm mốc, hai nước sẽ có một bộ bản đồ biên giới hiện đại nhất. Còn những ý kiến đưa ra bộ bản đồ mới sẽ trái lại với quy định trong điều 2, Hiến pháp thì không chính xác vì trong thực tế không có cột mốc…”

Điều 2, Hiến pháp Campuchia quy định không ai có thể vi phạm chủ quyền lãnh thổ Vương quốc Campuchia được quy định trên bản đô tỷ lệ 1/100.000 sản xuất trong giai đoạn năm 1933 – 1953 và đã được quốc tế công nhận trong giai đoạn năm 1963 – 1969.

Do đó, Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 được ký vào 10/10/2005 bởi Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Phan Văn Khải được coi là bất hợp pháp.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
26/03/2012 18:08

Mọi người đều biêt ông Hun Sen bị mù nhưng đâu phải điếc. Vậy tại sao lại ký Hiệp ước với VN ngang nhiên như vậy. Thật là khó tin. Điều 2, Hiệp Pháp CPC quy định lấy bản đồ 1/100 000 nhưng sau khi sửa thành 1/50 000. Vậy có nghĩa Hội đồng lập pháp CPC phải chuẩn bị thay đổi nội dung trong quy định của điều 2. Oh, không biết VN có mù mịt hay đen điếc ký thỏa thuận như vậy với TQ không?