LS Gerard Staberock: Phiên xử Điếu Cày là trò hề công lý

Ngày mai, thứ Hai 24/09, Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ đưa 3 bloggers: Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải tức Anh Ba Sài Gòn và Tạ Phong Tần ra xét xử về tội tuyên truyền chống phá nhà nước.
Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2012.09.23
154947-VN_TPTan_DieuCay_Anhbasg_Internet_091412-305.jpg Blogger Tạ Phong Tần, Điếu Cày và AnhbaSaigon
Photo courtesy of danlambao

Một ngày trước khi phiên tòa diễn ra, thông tín viên Ỷ Lan của Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn LS Gerard Staberock, Tổng thư ký của Đài Quan sát bảo vệ các Nhà đấu tranh bảo vệ Nhân quyền, về vụ xử này.

Ỷ Lan: Thưa Luật sư Gerard Staberock, Đài Quan sát bảo vệ các Nhà đấu tranh bảo vệ Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam vừa công bố Thông cáo chung về vụ xử sắp tới các nhà bloggers Điếu Cày, Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần. Vì sao tổ chức của ông quan tâm tới vụ xử này?

Gerard Staberock: Trước tiên, vụ xử quan hệ tới ba nhà bloggers, mà theo quan điểm tôi, họ chẳng làm gì khác hơn việc biểu tỏ ý kiến họ, và biểu tỏ bằng con đường hợp pháp. Họ bị kết tội mơ hồ qua điều “tuyên truyền chống phá Nhà nước”, là điều điển hình được sử dụng tại Việt Nam để bịt miệng tất cả những ai bất đồng chính kiến trên các lĩnh vực xã hội, chính trị và nhân quyền.

Cho nên, thực ra chẳng nên có một cuộc xét xử tội phạm gì cả. Tuy nhiên chúng tôi vô cùng quan ngại bởi vì trường hợp này, đối với tôi, vốn là một luật sư, thì đây là một trò hề công lý. Các nhà bloggers này bị tam giam rất lâu, xét rằng chẳng có lý do gì để giam họ lâu như thế trong nhà tù trước khi đem ra xét xử.

Hơn nữa, có những chỉ dấu cho chúng tôi biết các thế lực bên trên quyết định án lệnh nặng nhẹ như thế nào trước khi đưa họ ra xử. Đây là điều vi phạm nghiêm trọng quy tắc không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án. Vì vậy chúng tôi rất quan ngại cho trò hề công lý sắp diễn ra thứ hai tới.

Ai cũng thấy rằng đây là một phiên tòa giả trá, một trò hề công lý.

LS Gerard Staberock

Trường hợp của ba nhà bloggers rất trầm trọng, và chúng tôi rất quan ngại cho họ như những cá nhân. Nhưng trường hợp điển hình này báo cho ta biết một vấn nạn lớn nhất đang hiện hữu tại Việt Nam. Cộng đồng thế giới cần hiểu biết hơn những gì đang xảy ra tại Việt Nam.

Ỷ Lan: Theo Luật sư thì vấn nạn lớn nhất này là gì? Trong nhiều năm qua, Đài Quan sát bảo vệ các Nhà đấu tranh bảo vệ Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cùng nhau cộng tác cho nhân quyền tại Việt Nam. Luật sư thấy tình hình ngày nay ra sao?

Gerard Staberock: Ai cũng nhận thấy từ nhiều năm qua nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện bằng mọi cách để bịt miệng các nhà bất đồng chính kiến trên các lĩnh vực xã hội, chính trị, nhân quyền và dân chủ.

Ở trong một môi trường mà các tổ chức nhân quyền độc lập không được quyền đăng ký và hoạt động. Các cơ quan truyền thông bị kiểm soát và luôn bị kiểm duyệt. Chỉ có một không gian còn lại là xã hội truyền thông Internet.

Vì vậy mà trường hợp các bloggers bị xét xử rất đáng lưu tâm. Bởi vì tới mức độ nào đó, đây là không gian cuối cùng còn lại mà người dân có được, nhưng chính quyền thì cố tâm cắt đứt.

Cho nên trên mặt nổi, sự kiện ba người này là một tấm gương phản chiếu rõ ràng. Chúng tôi muốn thấy được mở rộng ở Việt Nam. Nhưng chúng tôi chỉ thấy điều trái ngược.

Blogger Điếu Cày đã được “Civil Rights Defenders” ở Thụy Ðiển tuyển chọn là “nhà bảo vệ nhân quyền” của tháng (năm 2011). RFA/civilrightsdefenders.org.
Blogger Điếu Cày đã được “Civil Rights Defenders” ở Thụy Ðiển tuyển chọn là “nhà bảo vệ nhân quyền” của tháng (năm 2011). RFA/civilrightsdefenders.org.
Ỷ Lan: Như vậy thì theo Luật sư cộng đồng thế giới phải làm gì cho ba nhà bloggers Điếu Cày, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần, và đặc biệt cho nhân quyền tại Việt Nam?

Gerard Staberock: Tôi nghĩ rằng chúng ta cần quan tâm hơn nữa về hiện tình Việt Nam, và chúng ta cần phát triển tối đa ảnh hưởng mà chúng ta có, ví dụ như cuộc đối thoại của Liên Âu với Việt Nam, để nêu bật các vấn nạn này.

Nếu muốn cho tiến trình đối thoại này mang lại một ý nghĩa, thì chúng ta phải phản ứng trước những tình trạng ấy.

Tôi cũng nghĩ rằng điều quan yếu nhất, là cộng đồng thế giới theo dõi sát cuộc xét xử, đến tham dự phiên tòa, và dùng mọi cơ hội để dấy lên trong công luận các trường hợp như thế.

Và tôi nghĩ rằng, mỗi người trong chúng ta phải quan tâm hơn nữa về hiện tình Việt Nam cũng như tìm cách hậu thuẫn cho những tác nhân thay đổi tình hình - đó là các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền.

Tuy nhiên tôi muốn nói lên một điều quan trọng. Tôi nghĩ rằng tuy cộng đồng thế giới mang lấy trách nhiệm, nhưng tôi muốn cất lời kêu gọi trước tiên đến nhà cầm quyền Việt Nam hãy trả tự do cho ba nhà bloggers. Và như tôi là một luật sư, tôi cũng muốn ngỏ lời kêu gọi các vị thẩm phán.

Ai cũng thấy rằng đây là một phiên tòa giả trá, một trò hề công lý. Chúng ta biết quá rõ hệ thống tư pháp tại Việt Nam không độc lập. Tuy nhiên, cá nhân các vị thẩm phán vẫn có thể còn cơ hội vào thứ hai tới đây, để minh chứng rằng các vị không là công cụ của Nhà nước, mà các vị nương tựa vào trách nhiệm đạo đức và pháp lý của chính các vị để bảo đảm cho cuộc xét xử công minh và tha bổng cho ba nhà bloggers vốn chẳng làm gì khác hơn việc biểu tỏ ý kiến của họ.

Ỷ Lan: Xin cám ơn Luật sư Gerard Staberock.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.