Xáo trộn chính trị ở Thái có phải do đa đảng?

Giữa lúc xứ đa đảng, tự do dân chủ Thái Lan xáo trộn chính trị ngày càng trầm trọng, thì nước VN độc đảng tiếp tục ổn định và phát triển kinh tế đáng chú ý.

0:00 / 0:00

Và có tin các quan chức VN bắt đầu khai thác tình hình này.Câu hỏi được nêu lên là tình hình tương phản vừa nói có là một minh chứng thực sự cho điều mà nhà nước VN thường nhấn mạnh tới “tính ưu việt” Xã Hội Chủ Nghĩa so với Tư Bản Chủ Nghĩa không ?

Nền dân chủ Thái

Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, TS Nguyễn Thanh Giang, một nhà dân chủ và nghiên cứu sâu sắc trong nước, nhận xét rằng:

Trước hết, đối với tình hình đang xáo trộn ở Thái Lan hiện nay, về phía một công dân của cộng đồng quốc tế, tôi tha thiết mong mỏi chính phủ và các đảng phái ở Thái Lan phải làm sao đi đến đối thoại để giải quyết tình hình này một cách êm thấm và nhanh chóng đưa đất nước ổn định để phát triển.

Tuy nhiên hiện tình là đất nước Thái Lan cũng như chính phủ đang gặp khó khăn khi đoàn biểu tình ngày một đông lên và gây khó khăn cho đời sống người dân Thái cũng như cho việc điều hành đất nước của chính phủ. Đấy là một việc thiệt thòi cho đất nước.

Sự xáo trộn ở Thái Lan hiện giờ là một biểu hiện tốt của tinh thần dân chủ, và tự người dân Thái sẽ giải quyết được tình hình đất nước của họ một cách hợp lý nhất.

GS Nguyễn Thanh Giang

Nhưng qua đó, chúng tôi cũng đánh giá rất cao nhân dân Thái Lan. Từ đó chúng tôi thấy dân trí Thái Lan rất đáng nể phục. Vì sở dĩ dân trí Thái Lan cao là vì họ có được một nền dân chủ, và nền dân chủ ấy cho phép người dân Thái luôn làm chủ đất nước mình, qua đó, họ tham gia những đảng phái này, tập đoàn kia để hướng tới việc giải quyết các vấn đề đất nước theo quan điểm của người dân.

Ở VN, dân tộc VN, tôi nghĩ rằng trình độ thông minh và tư cách con người VN không kém Thái Lan và không kém các nước trong khu vực nói chung, nhưng người ta cứ đánh giá dân trí VN thấp ở chỗ vì không có dân chủ, cho nên ý thức làm chủ đất nước của người dân phải nói là không cao.

Dù sao đi nữa, tôi thấy người dân có ý thức làm chủ đất nước, thì dù có chộn rộn, rồi thì họ cũng giải quyết được vấn đề theo hướng này hay hướng khác. Dù giải quyết theo hướng nào thì điều đó vẫn phản ảnh được ý chí và nguyện vọng của người dân Thái Lan. Và chúng tôi vẫn tin người dân Thái Lan sẽ giải quyết được tình hình đất nước của họ theo phương án tốt – tốt hơn những phương án mà đảng CSVN đã từng thi hành cho đất nước này.

Đa đảng hay độc đảng?

vcp-leaders-250.jpg
Bộ tứ lãnh đạo hiện nay của đảng CSVN, từ trái sang: Các ông Nguyễn Phú Trọng chủ tịch quốc hội, Nguyễn Minh Triết chủ tịch nước, Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng chính phủ, Nông Đức Mạnh tổng bí thư. AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam (AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam)

Thanh Quang: Thưa GS, trong những ngày gần đây, có dư luận trong nước đề cập tới việc nhà cầm quyền VN ra sức khai thác tình trạng bất ổn ở xứ Thái đa đảng cho mục tiêu lợi ích của chế độ VN, không những về mặt chính trị, mà còn về thương mại, kinh tế, du lịch.v.v...GS nghĩ sự khai thác như vậy, nếu có, có thực sự tạo thuận lợi gì cho VN không?

GS Nguyễn Thanh Giang: Điều đó chỉ có tính cách nhất thời. Và đối với những người không am hiểu và không suy nghĩ sâu xa, thì đó có thể là ngón đòn để cho người ta tạo ra một sự ổn định, nhưng ổn định trong bức bối, ổn định trong sự đè nén, áp bức, ổn định trong việc làm cho dân trí tụt hậu, không còn ai dám và muốn nghĩ đến việc nước. Và họ coi người dân như là những thần dân, phó thác việc ấy cho một nhóm người, thậm chí một vài người, để mà định đoạt vận mạng đất nước, cả dân tộc. Đó là những âm mưu, thủ đoạn xấu. Nếu nó có kéo dài thì lịch sử VN còn phải đi những bước quanh co, đi những bước gây hậu quả. Trước đây đã từng gây hậu quả mà thế hệ bây giờ phải gánh chịu. Bây giờ còn tiếp tục gây hậu quả thì lớp con cháu VN sẽ còn phải gánh chịu bởi đường lối, chủ trương sai lầm. Bởi nó không phất xuất từ ý chí, nguyện vọng của người dân, sự bàn thảo, sức đóng góp của toàn dân.

Thanh Quang : Thưa GS, cũng có quan ngại là giới quần chúng ít học sẽ tin ở lời quảng bá rằng sự xáo trộn triền miên ở xứ đa đảng Chùa Vàng là bằng chứng chứng tỏ VN không nên, thậm chí không bao giờ nên chuyển sang thể chế đa đảng. Liệu quần chúng trong nước có dễ tin như vậy không?

GS Nguyễn Thanh Giang: Trước đây do thông tin bưng bít khiến nhiều người bị làm cho đầu óc u tối và nhận thức như vậy. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ những sự bưng bít ấy không thể được do hệ thống truyền thông, kỹ thuật hiện đại, thì hành động bưng bít, làm cho ngu muội ấy sẽ không còn hiệu quả. Hơn nữa trong lòng người dân Việt, họ cũng hiểu được thực chất của sự xáo trộn ở Thái Lan.

Trình độ và tư cách con người VN không kém Thái Lan và không kém các nước trong khu vực nói chung, nhưng người ta cứ đánh giá dân trí VN thấp ở chỗ vì không có dân chủ, cho nên ý thức làm chủ đất nước của người dân phải nói là không cao.

GS Nguyễn Thanh Giang

Tức là đối với những xã hội dân chủ, vấn đề biểu tình, phản ứng của nhóm này, nhóm khác là chuyện xảy ra thường xuyên. Nhưng người ta nghĩ rằng điều đó cũng tựa như một nồi nước được đun lên, nếu anh bị thật kín lại – như trường hợp nồi áp suất, thì không bao giờ thấy nó sôi sục. Nhưng đến lúc nào đó, nó sẽ nổ như là bức tường Berlin đã đổ mà ngay đêm trước không ai nghĩ tới; hoặc như là hệ thống Xã hội Chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ mà người ta trước đó cũng không nghĩ được chuyện ấy, vì có xảy ra biểu tình, mit-tinh gì nhiều lắm đâu.

Còn bên Mỹ hay các nước Phương Tây khác, đó là chuyện xảy ra thường xuyên nhưng rồi họ vẫn bền vững. Nền dân chủ Mỹ bền vững suốt 200 năm trong khi văn minh, khoa học kỹ thuật của họ phát triển. Còn Liên Xô ổn định có 70 năm thì sụp đổ.

Bây giờ người ta đã nhận định được những điều ấy. Và tôi nghĩ rằng những người có nhãn quan chính trị tốt và có nhận thức lịch sử đúng, thì người ta sẽ cho sự xáo trộn ở Thái Lan hiện giờ là một biểu hiện tốt của tinh thần dân chủ. Và tự người dân Thái sẽ giải quyết được tình hình đất nước của họ một cách hợp lý nhất.

Trong xã hội, việc tranh chấp giữa cá nhân này với cá nhân khác, tập hợp này với tập hợp khác, tôi nghĩ tình trạng như vậy thời nào cũng có, ở đâu cũng có. Nhưng hãy để những việc tranh chấp đó xảy ra trong sự kiểm soát nhất định, rồi cuối cùng, sự chọn lựa của khách quan, sự chọn lựa của tập thể đông đúc sẽ định đoạt được số phận của dân tộc đó một cách đúng đắn nhất.

Thanh Quang : Xin cảm ơn GS Nguyễn Thanh Giang.

Theo dòng thời sự: