Những ai biết Hoàng Sa là của Việt Nam?

Những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Phó chủ tịch Tập Cận Bình tại Nam Ninh vừa qua không được dư luận đồng tình.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012.09.25
035_pau707402_09-305.jpg Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng (giữa) tham dự lễ khai mạc Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 9 tại Nam Ninh, Trung Quốc hôm 21/9/2012.
AFP photo

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham gia Triển lãm Nam Ninh đang khi tình hình các ngân hàng và nợ xấu trong nước có dấu hiệu nguy ngập khiến người ta nghĩ tới khả năng ông muốn hướng dẫn dư luận tránh chảo lửa kinh tế tài chánh mà ông là người trách nhiệm trực tiếp, sang một một mối lo khác tuy lớn hơn nhưng được chia sẻ bởi hai người là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Ngôn ngữ ngoại giao

Vấn đề Biển Đông nếu được Thủ tướng Dũng đem ra lần này tại Nam Ninh để nói chuyện một cách ngang hàng với Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình thì ít ra người ta cũng còn một cái cớ để đặt những gì đang xảy ra hiện nay sang một bên khi mà báo chí quốc tế cùng lúc cho rằng Thủ tướng là người có quá nhiều khiếm khuyết khi điều hành một chính phủ chỉ lấy sự phân phát quyền lực làm bổng lộc cho cấp dưới, cho gia đình và thuộc hạ bất chấp lầm than đang diễn ra khắp nơi trên toàn quốc.

Trong lần gặp gỡ này, một tuyên bố rõ ràng như Malaysia đòi hỏi Bắc kinh phải nhanh chóng thực hiện DOC tuy không phải là điều gì to tát nhưng ít ra cũng cho báo chí quốc tế thấy được Malaysia là một nước độc lập và Phó thủ tướng của họ dõng dạc nhắc nước chủ nhà những việc cần phải làm. Philippines không nói gì nhiều nhưng những hành động của họ trong khi tranh chấp bãi cạn Scarborough đã khiến Tập Cận Bình cẩn thận hơn khi phát biểu. Theo AFP ông Tập Cận Bình chỉ ngỏ ý mong hàn gắn những rạn nứt sau biến cố Scarborough chứ không hề lập lại điệp khúc kẻ cả thường thấy khi nói về Biền Đông mà Bắc kinh gọi là Biển Nam Trung Hoa.

Trong khi đó Thú tướng Nguyễn Tấn Dũng mang tới Nam Ninh bài nói chuyện quá cũ, đã từng được các đại diện Việt Nam lập đi lập lại nhiều lần tại Bắc Kinh trước đây. Vì cũ nên không phù hợp với diễn tiến từng ngày một trên hồ sơ Biển Đông, nhất là tiếng nói chung của các nước ASEAN mà Việt Nam là một thành viên.

Người dân Việt Nam không thể quên được bài phát biểu đầy lửa của ông Thủ tướng trong phiên chất vấn trước Quốc hội vào sáng ngày 25 tháng 11 năm 2011. Từ phát biểu này dấy lên niềm tin mạnh mẽ một chính sách cứng rắn đối với kẻ xâm lược vẫn được toàn dân hưởng ứng sẽ được chính phủ theo đuổi chấm dứt một thời kỳ dài im lặng:

“Ít nhất là từ thế kỷ thứ 17 chúng ta làm chủ khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục, hòa bình. Nhưng đối với Hoàng Sa năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo Trường Sa. Đến năm 1974 thì cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, tức là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, thì chính quyền Sài Gòn, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã lên tiếng phản đối, lên án cái việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam của chúng ta lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối cái hành vi chiếm đóng này.”

Rõ ràng không ai kỳ vọng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lập lại câu nói này trước mặt Phó chủ tịch Tập Cận Bình tại Nam Ninh, nhưng một lời nhắc nhở khéo léo của ông về sự thật lịch sử vẫn vạn lần mạnh hơn các sáo ngữ cùng một giai điệu như đối phương đang sử dụng.

Đừng trở thành chiếc đũa thứ ba

Bộ trưởng Thương mại Campuchia Cham Prasidh trước lễ khai mạc Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 9 tại Nam Ninh, Trung Quốc hôm 21/9/2012. AFP photo
Bộ trưởng Thương mại Campuchia Cham Prasidh trước lễ khai mạc Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 9 tại Nam Ninh, Trung Quốc hôm 21/9/2012. AFP photo
Bộ trưởng Thương mại Campuchia Cham Prasidh trước lễ khai mạc Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 9 tại Nam Ninh, Trung Quốc hôm 21/9/2012. AFP photo
Sự đồng thuận của ASEAN chỉ có ý nghĩa khi Việt Nam cùng một tiếng nói với Malaysia, Philippines, Indonesia và ngay cả Brunei. Trong khi hai chiếc đũa Campuchia và Lào đang bị Trung Quốc tách ra khỏi bó, liệu sự tránh né trong phát biểu của Việt Nam có làm tổn thương cho sự đoàn kết của toàn khối hay không?

Sự nhún nhường này dưới cái nhìn của các nước ASEAN đồng nghĩa với mập mờ và thỏa hiệp ngầm sau lưng họ. Trong khi Philippines tuy chưa mất tấc đất nào về tay Trung Quốc nhưng cách mà nước này đối phó với Bắc Kinh tỏ ra rất hiệu nghiệm. Manila sẵn sàng cứng rắn trong ngôn ngữ ngoại giao thậm chí trả đũa những hành động vô văn hóa của Đại sứ Trung quốc tại Manila và đối mặt một cuộc chiến không cân xứng với Trung Quốc bằng những tố cáo hành vi ngang ngược của Bắc Kinh ngay trong hội nghị ASEAN.

Việt Nam có cách hành xử ngược lại hoàn toàn, chỉ lên tiếng đòi hỏi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa rất mềm mỏng thậm chí rụt rè trong tinh thần hòa bình hữu nghị mặc dù đang có trong tay các bằng chứng không thể chối cãi về hành vi xâm lăng của Trung Quốc vào năm 1974.

Hệ lụy Thành Đô

Trí thức trong nước lộ rõ bất bình khi tình hữu nghị Việt Trung được hâm nóng lại từ Hội nghị Thành Đô năm 1990 không những xóa tan dấu vết của cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 mà còn im lặng hóa sự kiện xâm lăng Hoàng Sa của Trung Quốc đối với Việt Nam dưới chiêu bài Chủ nghĩa Xã hội của hai nước anh em.

Phát biểu của Thủ tướng về Hoàng Sa trước diễn đàn Quốc hội chỉ có thể làm cho dân chúng vui mừng trong một thời gian rất ngắn. Phát biểu đó nếu đem ra giữa hội nghị ASEAN thì sự thể đã khác. Ngay cả một nhắc nhở theo cung cách ngoại giao với Phó chủ tịch Tập Cân Bình tại Nam Ninh trước báo chí quốc tế thì có lẽ sẽ không xảy ra việc Trung Quốc tiếp tục hoành hành trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam trong khi tuyên bố hữu nghị của hai phía tại Nam Ninh vẫn chưa ráo mực.

Hoàng Sa nay đã trở thành Tam Sa sở dĩ phát triển ngày một kiên cố và vững chắc như là phần đất có từ ngàn xưa của Trung Quốc vì giới chứcViệt Nam tự bịt miệng mình trên các diễn đàn quốc tế. Loan tải các vi phạm trong vấn đề Hoàng Sa mà nay là Tam Sa trên báo chí Việt Nam chỉ để cho người dân trong nước đọc trong khi Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc được phát hành toàn thế giới với hai thứ tiếng Hoa và Anh văn và dĩ nhiên tờ báo này không gặp bất cứ cấm kỵ nào khi nói đến Tam Sa nếu so với báo chí Việt Nam trong một thời gian rất dài bị đóng khung trong hai từ "nhạy cảm".

Chủ quyền quốc gia không thể nhân nhượng khi nhân danh thứ tình hữu nghị vừa giả dối lại mơ hồ giữa hai nước tự nhận là anh em nhưng khi giao tiếp lại phải cần phiên dịch. Những phát biểu cốt mua sự an toàn cho bản thân, cho chế độ hay đảng phái không thể qua mắt nhân dân. Con mắt phán xét của lịch sử rất công bình, không bao giờ bỏ qua mọi diễn biến dù nhỏ nhất trong đàm phán chính trị khi cố tình lấp liếm hay tảng lờ thậm chí đổi chác.

Bài phát biểu về Hoàng Sa nổi tiếng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ có giá trị như một thang thuốc chống đau tạm thời không hơn không kém nếu tinh thần của nó không được mang theo ra trước diễn đàn quốc tế đặc biệt đối với Trung Quốc khi Bắc Kinh lúc nào cũng làm ra vẻ rất vô tư xem Hoàng Sa là phần đất máu thịt của tổ tiên người Hán.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.