Huế, Sài Gòn, Hà Nội đồng loạt biểu tình chống Trung Quốc
Đấu tranh quyết liệt
Ở Sài Gòn, khi cuộc tuần hành kết thúc vào lúc 9:45, Luật gia Lê Hiếu Đằng – cựu Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP.HCM cho biết:
“Lúc đầu lực lượng cảnh sát cũng rất cương quyết ra tay giải tán cuộc biểu tình. Lúc đầu có bắt nhiều người, nhưng chúng tôi can thiệp còn lại 4-5 người bị bắt đưa lên xe. Và chúng tôi đấu tranh quyết liệt cuối cùng họ cũng phải để cho đoàn đi.
Nói chung anh em chủ yếu là lực lượng thanh niên sinh viên thôi. Khí thế rất dữ. Tuần hành từ Nhà Thờ Đức Bà, qua Duy Tân, rồi ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng, đến bên cạnh lãnh sự Trung Quốc ở đường Hai Bà Trưng, gặp barrier dừng lại hô khẩu hiệu.
Anh em chủ yếu là lực lượng thanh niên sinh viên thôi. Khí thế rất dữ. Tuần hành từ Nhà Thờ Đức Bà, đến bên cạnh lãnh sự Trung Quốc, gặp barrier dừng lại hô khẩu hiệu.
Ô. Lê Hiếu Đằng
Dọc đường hô khẩu hiệu rất khí thế, có cờ, có khẩu hiệu. Sau đó quay trở lại theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tức Công Lý trước đây và đến Dinh Độc Lập, công trường 30 tháng tư thì giải tán.”
Nhà báo độc lập Nguyễn Khắc Toàn ở Hà Nội bị chặn giữ không đi biểu tình được, nhưng ông được cư dân mạng cho biết tình hình mọi nơi. Ông thuật lại:
“Cuộc biểu tình lần này ở Sài Gòn thì số lượng không lớn bằng năm ngoái, có chừng khoảng từ 300 – 350 người.
Trong đoàn biểu tình, theo các nguồn tin từ trong Sài Gòn và những video clip lần lượt được công bố gởi cho chúng tôi thì tôi thấy đã xuất hiện như ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh; người có 2 quốc tịch Việt Nam và Pháp là Hồ Cương Quyết cũng đã tham gia đoàn biểu tình. Họ xuống đường bằng những biểu ngữ rất là lớn, bằng tiếng Việt và tiếng Anh: chống Trung Quốc xâm lược, lên án Trung Quốc gây hấn.v.v...
Ngoài ra, chúng tôi còn thấy ông Huỳnh Tấn Mẫm, cựu tù chính trị dưới thời Việt Nam Cộng Hòa; giáo sư Tương Lai, một trí thức xã hội chủ nghĩa. Và rất nhiều các nhân vật có tên tuổi khác.”
Ông André Hồ Cương Quyết cũng cho biết:
“Ban đầu lực lượng công an đã cố gắng ngăn chặn, muốn sử dụng bạo động; nhưng cuối cùng thấy người ta kiên quyết một cách bất bạo động nên phải để tiếp tục biểu tình.”
Họ xuống đường bằng những biểu ngữ rất là lớn, bằng tiếng Việt và tiếng Anh: chống Trung Quốc xâm lược, lên án Trung Quốc gây hấn, .v.v...
Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn
Phản đối đường "lưỡi bò"
Đoàn biểu tình tại Hà Nội diễu hành trên các đường phố Hàng Bông, Hàng Khay, Tràng Thi và xung quanh Bờ Hồ. Blogger Phương Bích tường thuật:
“Chúng tôi đang ở trên Tượng Đài Lý Thái Tổ, trời chỉ còn lác đác mưa thôi. Mọi người bắt đầu đông dần lên rồi. Hôm nay có nhiều nhân sĩ trí thức xuống đường, như giáo sư Hoàng Xuân Phú, tiến sĩ Nguyễn Quang A, giáo sư Ngô Xuân Thọ…
Những người biểu tình có mang theo biểu ngữ. Phía công an theo tôi biết hôm nay họ sẽ không đàn áp, và có ý là chỉ giữ gìn trật tự thôi….
Lực lượng phóng viên rất nhiều. Khẩu hiệu đưa lên nói ‘Phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc’, ‘Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam’… Chỗ này lúc này có chừng trăm người mà phân nửa là phóng viên. Mọi người đang đưa cụ Lê Hiền Đức lên chân tượng đài, cụ đi đến bằng xe lăn.”
Về tình hình ở thành phố Huế, ông Nguyễn Khắc Toàn cho biết:
“Đặc biệt ở Huế, hưởng ứng lời kêu gọi của đại lão Tăng Thống Thích Quảng Độ, rất nhiều tăng sỹ, tu sỹ Phật giáo Việt nam Thống nhất đã dẫn đầu cuộc biểu tình. Nhưng họ đã bị công an ở Huế ngăn chặn, đàn áp, bắt giữ rất thô bạo.”
Nhiều người bị đánh, bị bắt
Ở cả ba thành phố biểu tình, công an đã có kế hoạch ngăn chặn từ nhiều ngày trước khi trên mạng internet dồn dập những lời kêu gọi biểu tình toàn quốc vào ngày chủ nhật.
Nhiều nhà đối kháng chính trị và blogger có tên tuổi có lập trường chống Trung Quốc đã bị công an đặt chốt canh gác chặt chẽ trước nhà từ 5 giờ sáng chủ nhật.
Nhiều người khác bị công an đến tận nhà cảnh báo không nên tham dự biểu tình.
Nhiều người thoát được chốt gác để đi biểu tình cũng bị theo dõi và bắt giữ ngoài đường bằng hành động thô bạo, bị mời về đồn làm việc nhiều giờ, đến khi hết hẳn biểu tình.
Trong số đó tại Sài Gòn có bà Bùi Thị Minh Hằng, đảng viên đảng cộng sản Nguyễn Chí Đức, các bloggers Nguyễn Hoàng Vy, Huỳnh Thục Vy, cô Trịnh Kim Tiến, con ông Trịnh Xuân Tùng là người bị công an đánh chết, các ông Huỳnh Trọng Hiếu, Trần Hoài Bảo.
Blogger Huỳnh Công Thuận từ Sài Gòn cho biết ông bị canh cửa hai đầu từ thứ bảy, đi đâu cũng có 3 xe đi theo. Ngày chủ nhật lúc tìm cách ra gần đoàn biểu tình thì ông bị công an bắt:
“Tôi đưa xếp tôi đi bằng xe hơi vòng vòng, và khi đến khách sạn New World tôi đậu ở đó, quay kiếng xuống. Có mấy thằng thanh niên nhào vào giựt điện thọai của tôi. Tôi la làng lên.
Lúc đó có công an sắc phục và công an giao thông đến yêu cầu tôi đưa giấy tờ và mời tôi về phường. Vô trong đó chỉ ngồi không chứ không làm gì hết. Hôm nay biểu tình nhiều quá và họ thấy tôi ở ngòai quận nhất nên họ không đồng ý chứ không có gì hết trơn".
Cô Nguyễn Hoàng Vy phải rời nhà vài ngày trước khi biểu tình. Nhờ vậy cô tham dự được cuộc tuần hành, nhưng khi lên xe cùng một số bạn bè ra về thì bị công an giao thông chặn xe hai lần và bị đưa về đồn công an làm việc.
Lúc 7 giờ chúng tôi liên lạc đuợc với cô khi cô vừa về đến nhà chừng 10 phút, và cô cho biết:
"Lúc vào họ trấn áp tụi em bằng vũ lực, họ bẻ tay em giựt điện thọai vì có nước ngòai gọi về. Em giật lại và họ xô đẩy hết vào phòng bên trong.
Lúc vào họ trấn áp tụi em bằng vũ lực, họ bẻ tay em giựt điện thọai vì có nước ngòai gọi về. Em giật lại và họ xô đẩy hết vào phòng bên trong.
Cô Nguyễn Hoàng Vy
Với hành xử lấy điện thọai của em, khi yêu cầu làm việc em nói phải trả điện thọai và giải thích vì sao đưa tụi em vào phường, chứ không có chuyện em phải trả lời câu hỏi của họ. Lý do em đang đi đường thì bị họ cưỡng chế vào phường, em không có gì phải làm việc với họ cả."
Nguyễn Hoàng Vy và Nguyễn Chí Đức cùng một số người trẻ cho biết trong khi làm việc với những cán bộ công an họ đều yêu cầu phải tôn trọng những quyền đó, và họ còn nói sẽ có đơn tố cáo vì đã bắt giữ người một cách vô cớ, không hề có một lý do gì chính đáng cả.
Riêng blogger Huỳnh Thục Vy đã bị bắt ngoài đường một cách thô bạo.
Tổ chức Human Rights Watch ra thông cáo chỉ trích nhà cầm quyền Việt Nam, viết rằng hành động của công an chứng tỏ Nhà nước Việt Nam luôn luôn ngăn chặn mọi hành động bày tỏ ý kiến ôn hoà, dù là ý kiến tán đồng chính sách của chính phủ đối với Trung Quốc.
Human Rights Watch cũng cảnh báo rằng với những hành động coi thường những quyền cơ bản của con người, chính quyền Hà Nội khó lòng đạt mục đích trong nỗ lực tìm kiếm một vị trí trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Video: Biểu tình chống Trung Quốc ngày 01/07/2012