39 năm ngày mất Hoàng Sa

Hôm nay 19 tháng 1, đúng 39 năm ngày Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974 lúc ấy nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013.01.19
Cố Hải Quân Thiếu Tá QLVNCH Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ-10, tử trận trong hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974.
Photo courtesy of Lương Tâm Công Giáo

Mặc Lâm phỏng vấn Giáo sư Hà Văn Thịnh giảng dạy môn lịch sử tại trường Đại học Huế về biến cố này.

Nhờ bạn TQ giải phóng

Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư, hôm nay là ngày kỷ niệm 39 năm ngày mất Hoàng Sa vào năm 1974, tức là vào ngày 19-1-1974 Quân Lực VNCH đã bị Trung Quốc xua quân vô đánh chiếm quần đảo mà họ đang canh giữ cho đất nước. Kỷ niệm ngày này xin được phép hỏi Giáo Sư là trong thời gian đó Giáo Sư có được biết cụ thể vụ việc xảy ra, hay là hoàn toàn không biết cho đến sau này?

GS Hà Văn Thịnh: Hồi đó tôi học năm thứ nhất Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Nói thực là ông Hoàng Tùng khi đó, tôi không nhớ rõ thầy giới thiệu như thế nào, nhưng mà thầy giới thiệu là các em hôm nay – 180 sinh viên Khoa Sử - Đại Học Tổng Hợp Hà Nội nghe ông Hoàng Tùng - Ủy viên Trung Ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, hay là Ban tư tưởng Trung ương gì đó, chức vụ tôi không nhớ, nhưng mà ông Hoàng Tùng nói chuyện về lịch sử thì ông có nói chuyện Hoàng Sa.

Ông nói nguyên văn thế này: "Vì ta bận đánh Mỹ, không có thời gian và chưa đủ khả năng để giải phóng Hoàng Sa nên nhờ bạn Trung Quốc giải phóng. Sau này mình thống nhất đất nước rồi phía bạn sẽ trả cho mình."

GS Hà Văn Thịnh

Ông nói nguyên văn thế này: “Vì ta bận đánh Mỹ, không có thời gian và chưa đủ khả năng để giải phóng Hoàng Sa nên nhờ bạn Trung Quốc giải phóng. Sau này mình thống nhất đất nước rồi phía bạn sẽ trả cho mình”.

Tôi xin nói với anh Mặc Lâm là trong lớp của tôi có nhiều người sau này làm to lắm, thí dụ như ông Phạm Quang Ngọc, nhiều người nữa và họ đều nghe câu đó cả.

Mặc Lâm: Vâng. Thưa Giáo Sư, từ câu nói đó cho đến sau năm 1979, tức là khi Trung Quốc đánh Việt Nam rồi, chỉ vài năm sau thôi chứ không lâu, thì thái độ của chính quyền Miền Bắc lúc đó đối với Trung Quốc như thế nào? Họ có đứng ra nói rõ ràng vấn đề Hoàng Sa phải giải quyết hay là vẫn im lặng, thưa Giáo Sư?

GS Hà Văn Thịnh: Chẳng ra cái gì cả anh ạ. Tôi chẳng thấy bên phía chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nói gì hết. Không có. Im lặng. Chỉ có khi vào Huế rồi thì tôi nghe kể rằng ông Nguyễn Văn Thiệu có ra ngoài này thành lập binh đoàn Hoàng Sa để mà đánh lấy lại Hoàng Sa. Tôi có nghe nói vậy. Sau năm 1975 thì tôi nghe kể như vậy. Còn về phía chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà bây giờ là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì không nghe nói gì hết. Mãi sau này mới nói.

Biệt hải VNCH lên đường ra Hoàng Sa -1974- Photo vietlist.com.us
Biệt hải VNCH lên đường ra Hoàng Sa -1974- Photo vietlist.com.us
Photo vietlist.com.us
Mặc Lâm: Vâng. Chắc Giáo Sư cũng còn nhớ là cách đây hai năm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trước Quốc Hội và xác định rằng Trung Quốc đã đánh VNCH vào năm 1974 và chiếm Hoàng Sa. Từ đó đến nay nhà nước Việt Nam đã có những cử chỉ, những động thái, hay công bố nào chính thức sau lời tuyên bố đó của Thủ tướng Dũng hay không, thưa Giáo Sư?

GS Hà Văn Thịnh: Về câu hỏi của anh thì tôi xin khẳng định như thế này: Câu nói đó của Thủ tướng Dũng trước Quốc Hội theo tôi đánh giá là câu nói hay nhất, là đóng góp lớn nhất của Thủ tướng Dũng đối với dân tộc Việt Nam đấy, nhưng mà khổ nỗi là sau đó dường như cách nhìn, cách đánh giá của chính phủ không tương xứng với điều mà Thủ tướng Dũng đã nói ở trước Quốc Hội.

Điều đó đã làm cho tôi và một số người, mà cụ thể là tôi rất buồn. Thực ra việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa ngày càng tàn bạo hơn, ngang ngược hơn, vô sỉ hơn với mưu đồ độc chiếm Biển Đông mà đáng lẽ ta phải phản ứng quyết liệt hơn, phản ứng mạnh hơn.

Phân biệt bất công

Ngày 19 tháng Giêng năm 2013, một nhóm các bạn trẻ tại miền Bắc âm thầm bày tỏ lòng biết ơn 74 chiến sĩ VNCH đã hy sinh vào 39 năm về trước để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Photo courtesy of Dân Làm Báo.
Ngày 19 tháng Giêng năm 2013, một nhóm các bạn trẻ tại miền Bắc âm thầm bày tỏ lòng biết ơn 74 chiến sĩ VNCH đã hy sinh vào 39 năm về trước để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Photo courtesy of Dân Làm Báo.
Mặc Lâm: Có một điều mà rất nhiều người thắc mắc đó là Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuy lên tiếng chống Trung Quốc trong việc họ thành lập thành phố Tam Sa, nhưng không hề đưa ra những chứng cớ hồi năm 1974 chính Trung Quốc là kẻ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, phải chăng là vì chữ Việt Nam Cộng Hòa ám ảnh quá nhiều đến nỗi họ quên tất cả quyền lợi quốc gia hay không, thưa Giáo Sư?

GS Hà Văn Thịnh: Bây giờ khẳng định thì rất khó anh ạ, tại vì “lấy nhu thắng cương” đấy mà, mình đoán định chính sách của nhà nước hiện nay là thế này thế khác, theo tôi thì mình chưa đủ cơ sở để khẳng định điều đó, bởi vì trong chính trị - ngoại giao nó phức tạp lắm.

Anh đã đọc “Bên Thắng Cuộc” chắc anh biết câu của bà Nguyễn Thị Nga – vợ ông Lê Duẩn kể cho tác giả Huy Đức, câu mà ông Duẩn nói thì theo tôi dường như hiện nay giới lãnh đạo Việt Nam quên mất câu này.

Theo tôi là không công bằng anh ạ. Theo tôi là phải ghi nhận 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa, bảo vệ biển đảo của tổ quốc như vậy chính đáng là liệt sĩ.

GS Hà Văn Thịnh

Bà Nga kể rằng là “Anh Lê Duẩn nói rằng lần đầu tiên Việt Nam xin đạn pháo để chuẩn bị giải phóng Miền Nam thì Trung Quốc nói không có. Anh Lê Duẩn cũng nói rằng một thằng Trung Quốc muốn sang đây cũng không cho nó sang đây. Không có xe thì bắt đi bộ. Trung Quốc nói là làm đường cho Lào thôi nhưng họ lại lập làng Trung Quốc trên đất Lào. Họ muốn thăm dò ta về đường Trường Sơn vì nay mai họ chiếm Trường Sơn. Về chiến lược, ai chiếm được Trường Sơn thì người đó sẽ khống chế được Đông Dương, cho nên mình phải quyết định”. Đó là cách nói của Lê Duẩn.

Theo tôi thì lãnh đạo Việt Nam hiện nay không để ý tới lời nói của ông Lê Duẩn. Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Nga hoàn toàn chính xác.

Mặc Lâm: Quay lại câu hỏi về ngày 19 tháng 1 một lần nữa, thưa Giáo Sư. Hiện nay đồng bào hải ngoại luôn luôn ghi nhớ chuyện anh Ngụy Văn Thà là người hy sinh và rõ ràng tên tuổi của anh là một liệt sĩ chứ không thể nói “lính ngụy” được, nhưng chính quyền trong nước vẫn chưa bao giờ lên tiếng xác định anh Ngụy Văn Thà cùng với 74 chiến sĩ hy sinh là những liệt sĩ của tổ quốc Việt Nam. Như vậy dưới cái nhìn của một người giảng dạy về lịch sử thì điều này có công bằng cho những người chiến đấu để bảo vệ đất đai của tổ quốc hay không?

Các bạn trẻ tại miền Bắc thiết kế 74 ngọn hoa đăng hình hoa sen tượng trưng cho 74 chiến sĩ VNCH đã hy sinh, và một chiếc thuyền có dòng chữ HQ-10 được kết bằng 74 bông hồng đỏ thắm tượng trưng cho chiến hạm HQ-10 đã bị quân xâm lược Trung Quốc bắn chìm vào 39 năm về trước.
Các bạn trẻ tại miền Bắc thiết kế 74 ngọn hoa đăng hình hoa sen tượng trưng cho 74 chiến sĩ VNCH đã hy sinh, và một chiếc thuyền có dòng chữ HQ-10 được kết bằng 74 bông hồng đỏ thắm tượng trưng cho chiến hạm HQ-10 đã bị quân xâm lược Trung Quốc bắn chìm vào 39 năm về trước.
GS Hà Văn Thịnh: Theo tôi là không công bằng anh ạ. Theo tôi là phải ghi nhận 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa, bảo vệ biển đảo của tổ quốc như vậy chính đáng là liệt sĩ. Bởi vì xương máu của họ đổ ra để bảo vệ tổ quốc thì không thể nào mà nhìn nhận một cách khác được. Điều đó nhất định là phải như vậy rồi.

Bây giờ chưa nhận thì sau này nhất định phải nhìn nhận như vậy thôi. Cái đó là cả dân tộc tri ân chứ không phải một vài lãnh đạo công nhận hay không công nhận mà thành ra sự thật được. Sự thật là cả dân tộc Việt Nam phải ghi ơn những người đó.

Mặc Lâm: Một lần nữa xin cảm ơn GS Hà Văn Thịnh đã giúp chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.