Việt Nam Tuần Qua

Cắt cáp, đe dọa kiểm tra và trục xuất tàu thuyền nước ngoài khỏi Biển Đông, công khai xây dựng các cơ sở hạ tầng ở Hoàng Sa, v.v… Trung Quốc ngày càng cho thấy chủ trương muốn thôn tính toàn bộ vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên và dồi dào về trữ lượng dầu mỏ này.
RFA 08.12.2012
Cáp của tàu Bình Minh 02 bị cắt hôm 30 tháng 11, 2012 Cáp của tàu Bình Minh 02 bị cắt hôm 30 tháng 11, 2012
Source Petrotimes

Tham vọng rõ ràng

Tiếp theo sau việc cho in bản đồ hình lưỡi bò vào hộ chiếu công dân, tuần này Trung Quốc lại tiến thêm một bước nữa khi đưa tàu vào vùng biển Việt Nam, đến tận đảo Cồn Cỏ để phá hủy cáp kỹ thuật của tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 2 thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.

Theo thông tin đăng tải trên trang web của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hôm 30 tháng 11 vừa qua, tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 2 khi đang hoạt động trong vùng biển gần đảo Cồn Cỏ, thuộc thềm lục địa Việt Nam thì đã bị tàu Trung Quốc vào gây hấn và làm đứt cáp thăm dò.

Việc tàu Trung Quốc ngang nhiên đi vào vùng biển Việt Nam, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam chỉ được chính quyền xác nhận hôm thứ Hai 3 tháng 12, tức hơn 3 ngày sau hành động gây hấn của Trung Quốc.

Quyết tâm bảo vệ chủ quyền

Màn hình rada của tàu Bình Minh 02: Các chấm tròn, màu sáng là biểu thị hàng mấy chục tàu cá Trung Quốc bao vây Bình Minh 02..(petrotimes)
Màn hình rada của tàu Bình Minh 02: Các chấm tròn, màu sáng là biểu thị hàng mấy chục tàu cá Trung Quốc bao vây Bình Minh 02..(petrotimes)
(petrotimes)
Tuy nhiên do đã quá phẫn nộ trước âm mưu bá quyền và thái độ hung hăng của Trung Quốc, từ việc cho phát hành hộ chiếu lưỡi bò đến chuyện đơn phương ban hành lệnh kiểm tra và trục xuất tàu thuyền trong Biển Đông; dư luận Việt Nam lần này phản ứng khá giận dữ.

Lên tiếng với phóng viên Quỳnh Chi của Đài Á Châu Tự Do, một cựu viên chức nhà nước, nay đã về hưu,chia sẻ:

“Không chỉ tôi mà tất cả mọi người rất bức xúc về chuyện này. Vì ngay thềm lục địa của Việt Nam mà tàu Trung Quốc ngang ngược vào cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam. Đây là một hành động khiêu khích, xâm phạm chủ quyền Việt Nam một cách trắng trợn. Tôi cho rằng đây là hành động nghiêm trọng”.

Về mặt chính thức, Bộ ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối, cho rằng đây là một hành động không thể chấp nhận được khi tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền Việt Nam và các quyền lợi kinh tế của Việt Nam.

Đây là một hành động khiêu khích, xâm phạm chủ quyền Việt Nam một cách trắng trợn.

Một cựu viên chức nhà nước

Đồng thời Bộ ngoại giao Việt Nam cũng đã triệu mời đại diện Tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội đến để trao công hàm phản đối, yêu cầu TQ tôn trọng chủ quyền VN, chấm dứt ngay những việc làm tương tự.

Đây không phải lần đầu tiên tàu bè Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, ngang nhiên phá hoại các quyền lợi kinh tế của Việt Nam; nhưng khác với những lần trước, lần này Việt Nam đã có những phản ứng cụ thể hơn.

Cùng với những tuyên bố phản đối về mặt ngoại giao, Việt Nam cho biết sẽ sớm cho triển khai lực lượng kiểm ngư, tuần tra biển để bảo vệ các quyền lợi kinh tế hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông, cũng như bảo vệ cho ngư dân Việt Nam trước những mối đe dọa của cảnh sát biển Trung Quốc.

Tuyên bố với báo chí tại Hà Nội hôm thứ Ba 4 tháng 12, ông Vũ Văn Tâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Việt Nam cho biết, kể từ ngày 25/01 tới đây, bốn chiếc tàu của lực lượng kiểm ngư thuộc Tổng cục Thủy sản sẽ được triển khai để ngăn chận mọi hoạt động đánh cá trái phép trên vùng biển của Việt Nam.

Nhiều tàu hải giám (haijian) tối tân của TQ được đưa vào tăng cường kiểm soát Biển Đông trong các tháng gần đây. AFP photo.
Nhiều tàu hải giám (haijian) tối tân của TQ được đưa vào tăng cường kiểm soát Biển Đông trong các tháng gần đây. AFP photo.
Cũng theo Thứ trưởng Vũ Văn Tâm, “cùng với việc tuần tra vùng biển, bắt giữ các thủy thủ đoàn và xử phạt các tàu nước ngoài vi phạm luật đánh cá trong vùng biển Việt Nam, lực lượng này cũng có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông”.

Được biết, nghị định thành lập lực lượng tuần tra biển đã được chính phủ Việt Nam ký ban hành hôm 29 tháng 11, tức một ngày sau khi phía Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh kiểm tra và trục xuất tàu thuyền nước ngoài ở Biển Đông.

Trả lời câu hỏi của Gia Minh, rằng liệu lực lượng kiểm ngư Việt Nam sẽ ứng phó như thế nào khi phía Trung Quốc vẫn ngang nhiên áp đặt các lệnh cấm tại Biển Đông và thường xuyên sách nhiễu, đánh đập ngư dân Việt Nam? Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề Cá Việt Nam cho biết:

cùng với việc tuần tra vùng biển, bắt giữ các thủy thủ đoàn và xử phạt các tàu nước ngoài vi phạm luật đánh cá trong vùng biển Việt Nam, lực lượng này cũng có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.

Thứ trưởng Vũ Văn Tâm

“Nếu những hành vi xâm phạm đến quyền lợi của ngư dân Việt Nam, ảnh hưởng đến lãnh thổ, rồi ảnh hưởng đến biển và hải đảo Việt Nam; đương nhiên không chỉ Hội Nghề Cá mà cả nhân dân Việt Nam sẽ có những phản ứng nhất định vì đây là việc làm sai trái. Nếu họ có những vi phạm về quyền khai thác của ngư dân Việt Nam, vi phạm đến quyền chủ quyền và quyền lãnh thổ của Việt Nam.”

“Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo”, cũng là thông điệp được đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra nhằm trả lời cho những bức xúc của dư luận trước câu hỏi rằng “Việt Nam sẽ phải làm gì để ứng phóng với Trung Quốc”.

Tiếp xúc cử tri Quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng vào chiều ngày 4 tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết chính phủ đã có sự chuẩn bị để nhanh chóng khắc phục hậu quả của việc tàu Bình Minh 2 vừa bị tàu 2 tàu cá Trung Quốc cắt cáp để đưa tàu trở lại hoạt động bình thường.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng loan báo, lực lượng hải quân Việt Nam sẽ được trang bị tàu ngầm thế hệ hiện đại nhất, để đủ khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nhấn mạnh “đường lối quốc phòng của Việt Nam là tự vệ”, đồng thời tăng cường đối ngoại để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế về chủ quyền lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông.

Thế giới bất bình

Người dân Philippines biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hôm 29/11/2012 phản đối hộ chiếu có hình 'lưỡi bò' của Trung Quốc. AFP photo.
Người dân Philippines biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hôm 29/11/2012 phản đối hộ chiếu có hình 'lưỡi bò' của Trung Quốc. AFP photo.
Chuỗi các âm mưu bá quyền mới nhất của Trung Quốc không chỉ gây nên sự bất bình và chống đối từ Việt Nam mà còn gặp phải làn sóng phản đối từ nhiều quốc gia trong khu vực cũng như các nước có quyền lợi liên đới trong vùng biển rộng lớn này.

Ngay sau khi Bắc Kinh cho in bản đồ hình lưỡi bò vào hộ chiếu công dân, rồi ban hành lệnh kiểm tra trục xuất tàu thuyền nước ngoài ở Biển Đông, từ Philippines, Indonesia, Thái Lan, cho đến Đài Loan, Nam Hàn, Ấn Độ, Hoa Kỳ đều lên tiếng phản đối; cho rằng hành động đơn phương của Trung Quốc vi phạm trầm trọng các công ước quốc tế về luật biển của Liên Hiệp Quốc cũng như không tuân thủ các điều khoản trong bản Qui Tắc Hành Xử trong Biển Đông.

Nếu tại Manila, chính phủ Philippines tuyên bố rằng các hành động của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”, thì tại Washington, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh phải giải thích rõ về tính pháp lý trong các hành động của họ.

Và có lẽ mạnh mẽ nhất là phản ứng của Ấn Độ: Cùng với việc Bộ Ngoại Giao Ấn Độ cho áp dụng các biện pháp trả đũa tấm bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố sẽ nhanh chóng triển khai lực lượng hải quân trong Biển Đông để bào vệ các quyền lợi của Ấn Độ.

Tuyên bố với báo chí tại New Delhi, Tư lệnh hải quân Ấn Độ, Đô đốc D.K. Joshi, cho biết: Ấn Độ sẵn sàng hành động, nếu cần, để bảo vệ quyền lợi kinh tế, hàng hải của họ trong khu vực này, mà cụ thể là bảo vệ các hoạt động của Tập đoàn Dầu Khí Ấn Độ (ONGC) đang đầu tư khai thác dầu khí ở vùng biển Nam Côn Sơn thuộc chủ quyền Việt Nam.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.