Bình luận: Khi một chế độ vật vã khát tiền

Người dân phải gánh hàng loạt thứ thuế còn chính quyền thì đáp lễ bằng những cuộc diễu binh.

Chưa bao giờ trong lịch sử hiện đại, người dân Việt Nam lại cảm nhận rõ rệt như hiện nay về một chính quyền đang khát tiền như đến mức tuyệt vọng. Toàn bộ hệ thống chính trị đang lao vào cuộc, bằng mọi phương thức – từ thuế, phí, đến những biện pháp hành chính trá hình – để moi từng đồng bạc khốn khó trong túi người dân.

Dù trên mặt báo, chế độ vẫn rầm rộ tuyên truyền về những thành quả kinh tế, tăng trưởng GDP hay vị thế quốc tế ngày một vươn cao, thì thực tế bày ra trước mặt dân chúng, lại vẽ nên một bức tranh hoàn toàn trái ngược: người dân bị siết chặt tài chính từ nhiều hướng. Chính quyền ngày càng hiện nguyên hình như một cỗ máy tận thu, hoạt động không ngơi nghỉ.

Hãy cùng thử điểm qua bức tranh toàn cảnh, khi người dân trở thành “con mồi” tài chính.

Đủ kiểu thò tay vào túi dân

Gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng khi nhiều địa phương đồng loạt tăng phí ra biển số ô tô sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính.

Cụ thể, từ ngày 1/7/2025, người dân ở các địa phương mới sáp nhập phải chi tới 20 triệu đồng cho một chiếc biển số – gấp hàng chục lần mức phí trước đây, vốn chỉ khoảng 1 triệu đồng. Cái gọi là “điều chỉnh” này không dựa trên bất kỳ tiêu chí minh bạch nào về mức sống, thu nhập hay dịch vụ tương ứng, mà đơn thuần chỉ là sự áp đặt thô bạo từ chính quyền.

Ở một khía cạnh khác, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang thổ cư đang trở thành cái bẫy tài chính mới, đẩy nhiều hộ gia đình vào cảnh túng quẩn. Các khoản thu lên tới hàng tỷ đồng chỉ để “hợp thức hóa” một miếng đất đã ở ổn định trong nhiều năm. Sự thiếu minh bạch và bất hợp lý trong định giá, cộng với thủ tục hành chính rườm rà, cho thấy đây không phải là biện pháp quản lý đất đai hợp lý, mà là một mưu toan rút rỉa từ dân một cách có hệ thống.

Không dừng lại ở thuế và phí, chính sách thúc đẩy chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện được quảng bá rầm rộ như một bước tiến “xanh”. Nhưng phía sau những khẩu hiệu môi trường và “phát triển bền vững” ấy là gánh nặng kiệt quệ đè lên vai dân nghèo. Một chiếc xe điện vẫn đắt đỏ so với thu nhập bình quân của người lao động, trong khi hạ tầng sạc chưa hoàn thiện, các chính sách hỗ trợ tài chính thiếu vắng. Hệ quả là nhiều gia đình buộc phải gồng mình vay nợ để “chạy theo chính sách”, tạo ra làn sóng kiệt quệ trong tiêu dùng, khi nhu cầu thiết yếu bị hy sinh cho những ưu tiên hành chính đầy tính áp đặt.

Chuyển đổi “xe xăng sang xe điện” là một mỹ từ, vì nhà nước đột ngột đơn phương hủy bỏ tài sản hợp pháp của người dân, để buộc họ phải mua sắm mới từ một hệ thống tư bản thân hữu. Tên gọi của tình trạng hiện nay, thực chất đó là cướp đoạt.

Từ tháng 11/2026, một quy định mới bắt buộc tất cả người lao động bán thời gian phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thay vì là một chính sách an sinh thực sự, đây rõ ràng là cách để nhà nước mở rộng nguồn thu từ tầng lớp lao động nghèo – những người vốn dĩ đang sống trong cảnh bấp bênh, không có hợp đồng, không có phúc lợi. Họ không nhận được gì rõ ràng từ chính sách bảo hiểm mà vốn đã bị nghi ngờ về tính minh bạch và hiệu quả. Nhưng người dân vẫn bị cưỡng ép đóng góp để “chống thất nghiệp” – trong khi bản thân hệ thống hành chính chưa bao giờ thể hiện vai trò hữu ích với những người này khi họ mất việc.

Bất chấp những tiếng kêu than ngày càng nhiều từ dân chúng, chính quyền trung ương vẫn tiếp tục nhấn mạnh những “thành tựu” trong quản lý kinh tế, trong cải cách hành chính, trong ổn định vĩ mô. Nhưng thực tế là các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước luôn chìm trong thua lỗ, đội vốn, tham nhũng và vận hành không hiệu quả. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng thẳng thắn nhận xét rằng bà chưa thấy doanh nghiệp nhà nước nào làm ăn có lãi – một lời cảnh báo trực tiếp về sự bất lực của hệ thống quản lý kinh tế hiện hành.

Nhưng dĩ nhiên, chính quyền thì tảng lờ.

Trong khi đó, chính quyền Hà Nội – trung tâm quyền lực quốc gia – vẫn tìm cách che đậy thực trạng này bằng các hoạt động tuyên truyền rầm rộ: diễu binh, bắn pháo hoa, lễ hội văn hóa để nấu sôi món “tự hào dân tộc”. Các chương trình nghệ thuật dối trá và vô nghĩa, như thể một lớp son tô lên một cơ thể đang mục ruỗng.

Chính xác, đó là nghệ thuật “đánh trống, khua chiêng” – lấy sự ồn ào và cảm xúc để lấp liếm đi sự thật trần trụi về một đất nước mà lòng dân đang ly tán, lòng tin đang rạn vỡ. Nghèo đói hiện hữu và tiếp tục bị cướp bóc tinh vi cho chuyện ngày càng nghèo đói hơn.

Một chính quyền không còn đủ khả năng lãnh đạo

Những biểu hiện nói trên không chỉ đơn thuần là các chính sách sai lầm, mà là triệu chứng rõ ràng của một thể chế đang ở giai đoạn cuối cùng của sự suy tàn. Một chính quyền không thể tạo ra của cải, chỉ biết tiêu xài và trục lợi từ tiền thuế, không thể khơi dậy sự sáng tạo và cống hiến của người dân, thì sớm muộn cũng bị chính nhân dân từ bỏ.

Hà Nội hôm nay mang chiếc mặt nạ biểu tượng của một quốc gia phát triển, mà thực chất đang che đậy một chế độ đang bám víu vào những đồng tiền dành dụm cuối cùng của nhân dân để duy trì bộ máy cồng kềnh và mục nát.

Khi chính quyền từ bỏ vai trò phục vụ nhân dân, chuyển sang vai trò bóc lột họ, thì đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy họ đã mất đi tính chính danh, và chắc chắn sẽ sụp đổ.

Người dân Việt Nam hiện nay không còn tin tưởng vào một hệ thống nói dối nhiều hơn hành động, các loại quan chức vẽ ra tương lai nhiều hơn hiện tại. Chính quyền đang vận sức dùng những màn biểu diễn dân túy như kiểu duyệt binh, để khỏa lấp cho thất bại kinh tế và đạo đức. Sự tỉnh táo của người dân đang tăng lên, sự phẫn nộ cũng đang lớn dần. Và đến một lúc nào đó, không còn chiêu trò nào có thể cứu vãn một chính quyền mục rữa.

*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.